Phật giáo là tôn giáo lớn thứ tư trên thế giới với hàng trăm triệu tín đồ đến từ nhiều đất nước khác nhau. Do đó, tầm ảnh hưởng của đạo Phật không chỉ dừng lại ở nhân sinh quan hay triết lý sống hàng ngày, điều đó còn hiện diện trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Dưới đây là những bộ phim điện ảnh mang Phật giáo, đã kết hợp những bài học ý nghĩa của nhà Phật với ngôn ngữ điện ảnh tài hoa, tạo nên chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán giả.
Bài viết này sẽ giới thiệu tới độc giả 5 tựa phim điện ảnh mang âm hưởng Phật giáo. Các tác phẩm đều rất nguyên bản, đặc sắc, không chỉ bao hàm triết lý nhà Phật mà còn phản ánh thế giới quan độc đáo của người làm phim.
“Siddhartha” (1972) là bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào đoạt giải Nobel Herman Hesse. Theo sát cuốn tiểu thuyết, bộ phim kể về hành trình của Siddhartha, một chàng công tử cao quý xuất thân từ một gia đình quý tộc Bà La Môn. Không thỏa mãn với truyền thống Vệ Đà nhiều lễ nghi, ràng buộc, chàng đã từ biệt gia đình để lên đường diệt khổ, tìm cách giải thoát bản thân khỏi vòng tục lụy. Điểm độc đáo của bộ phim hay cuốn tiểu thuyết nằm ở chỗ dù cùng tên với Đức Phật (tên thật của Đức Phật là Siddhartha Gautama, tức Tất Đạt Đa Cồ Đàm), người thanh niên Siddhartha lại lựa chọn cho mình một con đường khác để đạt đến sự giải thoát.
Bên cạnh yếu tố tôn giáo, con đường tìm kiếm chân lý của Siddhartha cũng chính là con đường tìm kiếm hạnh phúc và an lạc, thứ mà chàng đã nghiệm ra là không giáo lý, sách vở nào có thể truyền thụ cho con người được, mà chỉ có thể đúc kết thông qua trải nghiệm tâm linh và sự kết nối với vũ trụ.
Ra đời năm 2001, kiệt tác của “quái nhân” xứ Hàn Kim Ki Duk được coi là một trong những bộ phim điện ảnh tiêu biểu nhất lấy Phật giáo làm trung tâm. Thông qua nhân vật chú tiểu và vị sư già, bộ phim là sự chiêm nghiệm những biến cố của đời người qua lăng kính Phật giáo – một lăng kính tưởng chừng giản dị mà sâu xa đến vô cùng.
Ngôn ngữ điện ảnh của “Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring” đẹp lộng lẫy và giàu tính biểu tượng. Tối giản về lời thoại và nhân vật, bộ phim tập trung vào những hiệu ứng thị giác mãnh liệt và những hình ảnh mang tính biểu tượng cao như cánh cổng, con thuyền, hòn đá hay sự xuất hiện của các loài vật. Thông qua đó, đạo diễn đã gửi gắm những ý niệm vừa trừu tượng vừa minh triết về ranh giới giữa sự linh thiêng và cám dỗ trần tục, giữa lý trí tôn kính thánh thần và bản năng tình ái, giữa giữ mình và buông mình, giữa tỉnh thức và u mê. Mặt khác, ta còn bắt gặp trong phim những trăn trở về bản tính con người, cũng như những triết lý tiêu biểu của nhà Phật về nhân-quả, tội lỗi, căn nguyên của cái khổ, sự sám hối và giải thoát.
Không chỉ phương Đông mà phương Tây cũng có những bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ đề tài Phật giáo, trong đó có thể kể đến “Little Buddha” của đạo diễn lừng danh người Ý Bernardo Bertolucci. Với ý tưởng từ quan niệm luân hồi của nhà Phật, “Little Buddha” gồm 2 tuyến truyện song song, kể về hành trình đi tìm hóa thân chuyển kiếp của một vị Lạt Ma ở nhiều nơi trên thế giới xen kẽ với tường thuật lại cuộc đời của Đức Phật. Khán giả xem phim có thể bắt gặp những ý niệm cơ bản nhất của Phật giáo như vô thường, vòng luân hồi, đầu thai chuyển kiếp, căn nguyên của cái khổ, cũng như thiền định, giải thoát và giác ngộ. Những triết lý này được trình bày một cách tương đối mạch lạc, dễ theo dõi thông qua sự móc nối giữa 2 tuyến truyện.
Bên cạnh đó, “Little Buddha” cũng ẩn chứa thông điệp về sự bình tâm trước những bi kịch trong cuộc đời, bởi hành trình đến Bhutan của cậu bé Jesse và gia đình không chỉ vì lời đề nghị của các Lạt Ma nhằm tìm hóa thân cho người thầy quá cố, mà còn là một hành trình mang tính tâm linh, tỉnh thức và chữa lành tâm hồn.
Dựa trên hồi ức của nhà thám hiểm Heinrich Herrer, “Seven years in Tibet” là bộ phim sử thi – chiến tranh hoành tráng và giàu kịch tính kể về bảy năm lưu lạc ở đất thánh Tây Tạng của hai nhà leo núi người Áo do Brad Pitt và David Thewlis thủ vai. Ở đây, hai người đã gặp gỡ và trở thành bạn với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – lãnh tụ tinh thần tối cao của người Tây Tạng. Lấy bối cảnh một giai đoạn lịch sử hết sức khốc liệt trong và sau Thế chiến thứ II, bộ phim đề cao tinh thần Phật giáo với trung tâm là sự từ bi với muôn loài, tình yêu hòa bình và tinh thần bất bạo động, bên cạnh quan niệm về luân hồi chuyển kiếp. Đây có thể coi là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân loại trước những biến cố chính trị của thế kỷ 20.
“Đông Tà Tây Độc” không phải một bộ phim điện ảnh nói về Phật giáo một cách trực diện, nhưng lại ẩn chứa những âm hưởng không thể chối cãi của tôn giáo này. Tác phẩm mở đầu bằng một trích dẫn từ kinh Phật: “Cờ yên, gió lặng, chỉ có tâm người đang lay động”. Tiếp đó, những câu chuyện ân, oán, tình, thù giữa các trụ cột trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung có thể được diễn giải bằng Tam pháp ấn của nhà Phật, bao gồm vô thường, khổ và vô ngã. Bản thân ngôn ngữ điện ảnh mà Vương Gia Vệ triển khai trong bộ phim này cũng mang đậm tính thiền, với những cảnh tĩnh tuyệt đẹp được quay ở sa mạc như để cân bằng lại những hỗn loạn trong lòng người và muôn vàn biến động của thế gian.
Theo ELLE Man
Bình Luận