Chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Báo Lao động tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, đến hết tháng 7, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7 đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhắc đến thẻ tín dụng, mọi người thường sẽ nghĩ ngay đến thẻ tín dụng quốc tế. Trong khi đó, thẻ tín dụng nội địa cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây và còn nhiều tiềm năng phát triển.
Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng thẻ tín dụng nội địa còn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành (chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành).
Đánh giá về các lợi ích, tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, Vụ trưởng vụ Thanh Toán cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Chẳng hạn, thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp; qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Ở góc nhìn của công ty tài chính, ông Lê Phương Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) thì nhận định, thẻ tín dụng có rất nhiều tiềm năng, là động lực để phát triển tín dụng tiêu dùng. Hiện nay, tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và công ty tài chính, tuy tăng trong các năm gần đây nhưng đều không vượt quá 10%. Sản phẩm thẻ tín dụng chia làm hai loại chính là thẻ tín dụng quốc tế (Mastercard, Visa, UnionPay, JCB, Amex, Dinners Club…) và thẻ tín dụng nội địa (Napas Credit). Trong đó, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.
Đại diện VietCredit cho biết, dù ra đời khá lâu nhưng sử phổ biến của thẻ tín dụng nội địa còn hạn chế, cả về số lượng thẻ lẫn số lượng tổ chức phát hành. Đặc biệt, VietCredit, một công ty tài chính có 15 năm hoạt động mới chuyển sang cho vay tiêu dùng 5 năm trở lại đây với sản phẩm duy nhất là thẻ tín dụng nội địa lại hiện đang chiếm tới trên 50% thị phần của thẻ tín dụng nội địa với hơn 1 triệu khách hàng.
Ông Hải cho rằng, thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện lợi vượt trội so với thẻ tín dụng quốc tế tại thị trường trong nước. Tổ chức phát hành chịu rất ít loại phí so với thẻ tín dụng quốc tế, qua đó, người sử dụng thẻ cũng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, với vai trò “thẻ tín dụng quốc dân”, thẻ tín dụng nội địa phù hợp với mọi phân khúc khách hàng và trên mọi địa bàn, kể cả những nhóm khách hàng có nguồn thu nhập còn ít và không ổn định như sinh viên, lao động phổ thông, thời vụ.
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, khi nói đến thẻ tín dụng, thường sẽ nghĩ ngay đến thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế trên thị trường thường có nhiều khoản phí, do đó khả năng tiếp cận của khách hàng thấp. Thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên. Trong khi đó,Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán.
Một số liệu so sánh cho thấy khi, chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế, còn các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%... Như vậy, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển.
Men&life
Bình Luận