Trước giờ khi nhắc đến hướng nội, bạn thường nghĩ đến những người trầm tính, ít nói, còn hướng ngoại là những người thân thiện và rất giỏi giao tiếp. Đó là quan niệm rất phổ biến nhưng chưa hoàn toàn đúng. Vậy thế nào để nhận định được bản thân là người sống hướng ngoại hay hướng nội, Coach Danny Võ sẽ cho chúng ta một vài ý kiến trong bài viết sau đây!
Chắc hẳn ít nhất một lần trong đời, bạn đã từng hỏi bản thân rằng: “Tôi là người hướng nội hay hướng ngoại?”. Ngay sau đó, có lẽ bạn đã viết những suy nghĩ của mình vào ô tìm kiếm của “bác Gồ” quen thuộc và bấm vào trang Wikipedia rất được nhiều người tin tưởng về nguồn thông tin. Một loạt thông tin được liệt kê và tôi đã ghi sẵn giúp bạn rồi đây: “Hướng nội được hiểu một cách đơn giản là kiểu người thích dành thời gian ở một mình, thiên về suy nghĩ nhiều hơn nói, hiếm khi tham gia các hoạt động xã hội. Còn hướng ngoại là những người thích đám đông, ưa giao tiếp”. Vậy là bạn hay tôi đều đã xác định được khuynh hướng của bản thân. Riêng tôi - theo định nghĩa này - là một người “cực kỳ” hướng ngoại.
Cuộc đời này vốn dĩ có muôn vàn những điều thú vị được tạo ra từ những góc nhìn khác nhau. Chỉ cần chuyển đổi tiếp cận thì bạn sẽ có một góc nhìn khác. Theo định nghĩa của “Danny Pedia”, thì tôi lại là một người hướng nội. Chắc chắn rằng bạn đang “mắt chữ O mồm chữ A”, vì ở một trạng thái khác thì tôi đã là một người khác, đó cũng là một góc nhìn mới lạ về bản thân.
Với tôi (hoặc là tôi đã được nghe loáng thoáng ở đâu đó) rằng: Người hướng nội là những người có thể tự tái tạo lại năng lượng của bản thân, điều này đồng nghĩa người hướng ngoại cần “hấp thụ” nguồn năng lượng của những người xung quanh. Nghe thật mới lạ phải không nào? Nếu ngẫm đi ngẫm lại, bạn sẽ thấy điều này vô cùng hợp lý và khi đối diện với chính mình, bạn sẽ biết được: Mình là ai?
Áp lực là điều luôn hiện hữu trong cuộc sống này, từng phút, từng giây, khi xuất hiện rõ ràng, khi lờ mờ như tấm kính cửa sổ còn đọng lại những giọt mưa. Cách giải tỏa áp lực phổ biến và hiệu quả nhất là than vãn “kể khổ” - với đồng nghiệp, với bạn bè, và với người thân. Tôi - người hướng nội - chọn “than với chính mình” qua một vài hình thức:
[SONGS] Nghe nhạc - người ta hay nói âm nhạc là con đường ngắn nhất chạm đến cảm xúc của người nghe. Tôi còn biết âm nhạc cũng được dùng đến như một phương pháp trị liệu tâm lý. Hằng đêm tôi thường để “phần hồn” của mình hoà vào giai điệu trữ tình, da diết của những bản nhạc buồn như: “Tình nồng” (Lân Nhã), “Để nhớ một thời ta đã yêu” (Lệ Quyên),…hoặc có khi nghe Podcast của chính mình. Đôi lúc, có vài giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi trong vô thức. Bạn được quyền! Quyền sống cho cảm xúc của chính mình, quyền được buông bỏ “chiếc mặt nạ” đã đeo cả ngày quá lâu và quá nặng.
[TRAVELLING] Đi đâu đó - “Đi để trở về” là một bài hát khá thú vị - chính bởi vì cái tên của nó có cả 2 hành động trái ngược với nhau. Nếu cảm thấy ngột ngạt, hãy cứ soạn vài bộ đồ rồi xách ba lô lên mà đi. Đi đâu cũng được, gần cũng được, xa cũng được, trong nước cũng được, ngoài nước cũng được. Đi để nhìn ngắm cảnh vật, để trải nghiệm các khoảnh khắc thú vị, để tiếp xúc nhiều người và lắng nghe những điều mới lạ. Tôi tin rằng khi bạn đi với chiếc ba lô đựng quần áo và vật dụng, thì khi về cuộc sống sẽ tặng bạn một chiếc ba lô chứa đầy những trải nghiệm - hành trang quý báu mà bạn cần phải nâng niu và trân trọng.
[READING] Đọc sách - Ai cũng nói với nhau rằng “sách là kho tàng kiến thức”, nhưng có mấy ai bảo “sách cũng là liều thuốc dành cho tâm hồn”. Tôi luôn dành ra 30 phút - 1 tiếng trước khi ngủ để đọc xem thế giới này có biết bao điều thú vị ta chưa từng khám phá, biết bao góc nhìn ta chưa từng thấy được, biết bao sự việc ta chưa từng hiểu thấu. Điều quan trọng, đọc sách giúp con người bạn “đằm” lại, giúp bạn có được vốn sống và ngôn từ phong phú, từ đó bạn sẽ cải thiện được kỹ năng giao tiếp của mình một cách lưu loát hơn.
[EMOTIONAL DIARY] Viết nhật ký - Nghe có vẻ hơi “sến” một tí, nhưng cách này thật sự hiệu quả, vì khi bạn viết xuống những câu chuyện, sự việc đã xảy ra ngày hôm nay, cũng là lúc bạn đang cho bản thân một cơ hội để nhìn lại một ngày đã qua. Thay vì nhìn mình trong gương, hãy soi mình qua tấm kính của màn hình laptop, thay vì trò chuyện với người khác, hãy đối thoại với chính mình. Những trăn trở, dằn vặt, đau đớn, tổn thương cứ theo những dòng chữ mà “tẩu thoát” ra bên ngoài. Đây cũng là lúc nhìn lại những chuyện đã qua, gửi lời xin lỗi đến ai đó nếu vô tình làm họ buồn, nói lời cảm ơn cuộc đời đã tạo nên tôi của ngày hôm nay.
[SHOPPING] Đi mua sắm - Việc thỉnh thoảng tự thưởng một món quà là một điều cần thiết, vì bản thân đôi lúc cũng cần được “nuông chiều”. Mua sắm ở đây không phải là một điều gì đó quá xa xỉ, đôi khi chỉ đơn giản bằng việc uống cạn một ly trà yêu thích, một tách cà phê pha lạnh từ những hạt cà phê ở nhiều quốc gia khác nhau, hay trải nghiệm thú vị bằng một vé trở về tuổi thơ với que kem ống đậu xanh. Thế đấy, hãy làm những điều mà ngay tại khoảnh khắc này - bạn muốn, bạn khát khao, bạn thèm thuồng được làm, thậm chí có một chút trẻ con, một chút điên rồ nhưng bạn lại được thỏa mãn niềm riêng của mình.
[SPORT] Chơi thể thao - Mọi người hay nói “Tiền là tất cả”. Nhưng chúng ta quên rằng “Có sức khoẻ mới có tất cả”. Chơi thể thao là cách tốt nhất giúp bạn giải phóng năng lượng tiêu cực - nguồn năng lượng bị hấp thụ theo cách ta không mong muốn - qua những giọt mồ hôi. Bạn có thể chạy bộ, chơi đá banh, bơi lội, cầu lông, riêng tôi - đã qua độ tuổi tứ tuần - chọn yoga là bộ môn ưa thích. Bộ môn này giúp bạn cảm nhận được từng chuyển động của cơ thể, cảm nhận được hơi thở, cảm nhận được nhịp tim, để rồi từ đó, lòng bạn sẽ dịu lại sau những thổn thức, tâm sẽ tĩnh lại sau những biến động. Hãy “kích hoạt” 5 giác quan, hãy hít khí trời, ngửi mùi cỏ cây hoa lá, hãy lắng nghe tiếng chim hót hay bản nhạc “Canon in D” của Johann Pachelbel, hãy nhìn vào lòng mình để hiểu mình cần gì, hãy nếm hương vị ngọt ngào của cuộc sống vào mỗi buổi sáng, hãy cảm nhận sự ấm áp từ những tia nắng mặt trời đang len lỏi vào từng tế bào, hãy đón ngày mới bằng nguồn năng lượng tràn đầy, như chiếc điện thoại đã được nạp 100% pin.
Bạn thấy đấy! Bản thân chữ “STRESS” đã bao hàm cả những phương pháp để giải toả nó thì tại sao bản thân bạn lại không thể tự tái tạo? Tôi tin rằng bạn sẽ đủ năng lượng để làm điều đó - nếu bạn cũng tin vào chính mình. Hãy là Phượng Hoàng - đủ bản lĩnh, đủ mạnh mẽ để hồi sinh từ đống tro tàn!
DANNY VÕ - Executive Communication Coach
Men&life
Bình Luận