Và hành trình của tôi ở Canada lần này là thác Niagara, nằm giữa hai nước Mỹ và Canada.
Tôi, một thằng vô cùng cẩn thận trong chuyện giờ giấc, có nằm mơ cũng nghĩ, một buổi sáng thức dậy (tất nhiên là trên xe bus rồi) lại thấy mình đang ở đất Mỹ. Tôi là thế, cũng đi xe ngủ quên bến như thường.
Tôi bắt chuyến xe bus muộn từ Montreal đi Niagara. Xe trung chuyển ở Toronto, nghĩa là tôi phải xuống Toronto để nối chuyến bus khác đi Niagara. Từ Toronto đi Niagara khoảng 110 km chỉ mất hai tiếng xe bus. Nhưng do đi đêm, mà ga ở Niagara lại không phải ga cuối, mà là ga bên thành phố Buffalo, New York, Mỹ. Lên xe, tôi ngủ một mạch. Khi chị nữ tài xế thông báo trên loa rằng cô ta xuống chuyển hành lý trước để kiểm tra, còn chúng tôi sẽ xuống sau làm thủ tục hải quan thì lúc đó, tôi mới biết mình đã bị lỡ bến. Và trước mắt, tôi đang phải đối mặt với nhân viên hải quan Mỹ trong khi visa Mỹ của tôi đã hết hạn. "Liệu họ có tin mình ngủ quên? Hay họ lại nghĩ mình cố tình vượt biên?" Suy nghĩ đó cứ chạy lòng vòng trong đầu, và tôi chẳng biết gì ngoài việc nói thật, khai thật.
Em hải quan xinh xắn lật tới lật lui cuốn hộ chiếu của tôi. Thấy nó chi chít visa với dấu xuất nhập nguyên cuốn, cô lại bình tĩnh lật từng trang và dừng lại ở trang có visa Mỹ hết hạn, hỏi:
- "Visa Mỹ mới của anh đâu?"
- "Anh chưa xin lại. Vì lần cuối cùng anh xin gia hạn thì bị từ chối."
- "Vậy sao anh ở đây?"
- "Anh cũng không biết. Anh đặt vé xe bus đi Niagara bên Canada. Vậy mà thế nào lúc tỉnh dậy, anh lại ở đây!?" Mặt tôi rất ngơ ngác, biểu cảm đúng theo lời nói.
- "Được rồi. Vậy anh chờ em làm thủ tục cho anh quay lại Canada." Cô ấy mỉm cười như kiểu tội nghiệp cho sự ngốc nghếch của tôi.
"Anh mang hành lý qua kiểm tra." Cô nói, rồi ghi chữ "wrong turn" vào tờ giấy thông tin cá nhân của tôi mà cô vừa in ra. Cô cầm cuốn hộ chiếu, đứng dậy đi về phía máy soi.
Sau khi kiểm tra hành lý không có vấn đề gì. Cô chỉ tôi mang hành lý theo cô sang một phòng khác bên cạnh và đưa cho một cậu khác để làm thủ tục tiếp theo.
- "Giờ anh phải gọi taxi đến đón về lại Canada." Cậu ấy nói với tôi.
- "Anh không biết số taxi nào. Hoặc là em cho anh số taxi, hoặc là em gọi giúp anh một chiếc từ Canada."
- "Ok. Vậy để em gọi cho anh luôn."
10 phút sau, taxi xuất hiện. Cậu ấy đưa giấy tờ kèm hộ chiếu của tôi cho người lái taxi, dặn ông đưa tôi quay lại làm thủ tục nhập cảnh ở biên giới Canada. Sau đó cậu ấy vẫy tôi lại, bảo tôi cho hành lý vào cốp, lên xe quay về Canada.
Trời ạ. Đó là một cụ già khoảng 90 tuổi không thể đi lại bình thường mà phải dùng cây ba toong giúp đỡ mới lê từng bước chân một. Tôi chỉ phát hiện ra điều này khi cụ cố gắng ra khỏi chỗ ngồi, đưa chìa khoá cho tôi mở cốp. Nhưng tôi đã nhanh lấy chìa khoá từ tay cụ để tránh làm phiền cụ. Tôi lên xe, mùi khai xộc thẳng vào mũi. Mùi khai của người già khi đi vệ sinh không sạch, hoặc bị âm ỉ ra quần rồi bốc mùi thế nào thì các bạn cũng hình dung ra rồi đấy. Tôi nhăn mặt, bắt đầu hắt xì và chịu không được đành tôi kéo cửa kính xe xuống. Tôi thà chịu lạnh còn hơn chịu khai. Cụ già chả quan tâm đến cảm giác của tôi, cũng chả nhắc nhở tôi phải kéo cửa kính lên. Chỉ dõng dạc phát âm từng từ khó nhọc:
- "Cước... của anh... từ đây... về đến Niagara falls... là 50 đô. Anh... biết rồi chứ!?"
- "Vâng ạ." Tôi nhẩm tính 50 đô cho 25 km thì cũng không tệ.
- "Vậy... anh... đưa tiền đây."
- "Phải trả ngay hả cụ."
- "Đưa… tiền... đây, rồi chúng ta... xuất phát."
Trả tiền xong, cụ ì ạch cho xe chạy. Mừng vì thoát khỏi hải quan Mỹ, nhưng giờ tôi bắt đầu lo cho tính mạng của tôi khi ngồi trên xe của cụ. Nói thật, lúc đó tôi cực ghét chính sách nhân đạo của Mỹ hay Canada trong việc cho người già lái xe. Họ cho phép người dân tự do trong việc lái xe miễn là thấy bản thân còn đủ sức. Xe cá nhân còn đỡ, các cụ đi không vững, bước từng bước chậm chạp mà còn chạy taxi thế này thì gây hoang mang cho khách quá. Mà sao hãng taxi cũng dễ dãi trong việc tuyển chọn tài xế!? Để tránh sợ hãi có căn cứ, tôi mở nhạc và gắn tai nghe. Cố yêu đời cho đến khi xe dừng lại ở trạm hải quan Canada để tôi vào làm thủ tục nhập cảnh lại.
Tôi phi ra trước, mở cửa xe giúp cụ. Tôi thấy cụ loay hoay cả chục phút nào là nhấc chân, nào là tìm cây ba toong, nào là tìm chìa khoá, nào là tìm hộ chiếu và giấy tờ... Cụ khó nhọc ra khỏi xe, nhưng lại từ chối yêu cầu giúp đỡ của tôi. Tôi chậm chạp đi từng bước sau cụ, kiểu cẩn thận nếu cụ có ngã thì tôi có thể đỡ luôn. Vừa đi tôi vừa nghĩ sao ở cái tuổi này cụ không ngồi trong trại dưỡng lão đàn hát cho vui, đi kiếm tiền làm gì cho cực? Các cụ cứ "sống có ích" thế này khiến giới trẻ bọn cháu xấu hổ chết.
Vẫn những câu hỏi cũ như bên hải quan Mỹ, cô nhân viên hải quan Canada chỉ như nhắc lại và đưa lại hộ chiếu cho tôi. Tôi lại hộ tống cụ ra xe, và chạy về hướng Niagara Falls bên phía Canada. Tôi lại nghe nhạc, ú ớ hát cho hết 24 km còn lại, và cho đến khu cụ đỗ xe ở sảnh khách sạn. Lần đầu trải nghiệm xe của tài xế già quả hồi hộp, và sợ hãi khiến tôi quên cả thú vui duy nhất khi ngồi trên xe: ngắm cảnh vật hai bên đường. Lần đầu tiên tôi cũng không muốn nói chuyện với tài xế là cụ, vì lỡ may cụ bận nghĩ câu trả lời mà quên động tác nào đó thì rất có thể tôi được đựng trong chiếc lọ nhỏ để gửi về Việt Nam. Hì...
Thác Niagara chỉ cách khách sạn tôi ở khoảng 300 m. Từ cổng khách sạn, tôi cũng có thể nhìn thấy thác này phía Mỹ (nằm trên đất Mỹ). Ra bờ sông, tôi mới nhìn thấy thác Canada hình móng ngựa (horseshoe). Thác này nằm giữa biên giới Mỹ và Canada, thuộc thành phố Buffalo của New York và Toronto của Ontario. Mỗi phút có 110.000 m3 nước đổ xuống, cứ ào ào cả ngày lẫn đêm. Ban ngày nước trong xanh, buổi tối nước đủ các màu. Thác Niagara là điểm du lịch nổi tiếng cả thế kỷ nay, mà tôi lượn ở đó cả nửa ngày mà chưa phát hiện ra chúng nổi tiếng vì cái gì!? Chỉ vì chúng đổ nước ầm ầm, trong vắt và sạch sẽ!? Nhưng rồi, tôi nhìn thấy những khuôn mặt bình yên, nhẹ nhàng ngắm nước đổ xuống. Rồi tôi cũng có cảm giác đó, chưa bao giờ thanh bình đến thế.
Tôi thấy tình hàng xóm giữa Mỹ và Canada mà thèm. Cả hai quốc gia đều khai thác tour khám phá thác trên sông. Nhà Mỹ thì cho khách mặc áo mưa xanh. Nhà Canada thì chọn áo mưa hồng. Tàu hai nhà gặp nhau, vẫy tay chào tới tấp. Tình thân mến thân là thế chứ.
Và tôi sẽ sớm quay lại nơi đây.
Vũ Minh Dương
Bình Luận