Chiếc bánh sừng bò này vốn quen thuộc với khá nhiều người Việt, nhưng có nhiều điều về bánh mà có thể bạn chưa biết đấy. Hãy đọc tiếp để khám phá một số điều thú vị về loại bánh thơm ngon này nhé.
Loại bánh ngọt với nhiều lớp, nhiều bơ cùng hương vị tuyệt vời mà nhiều người yêu thích có tên là croissant, phát âm là “kwa-son”. Tại Việt Nam, bánh được gọi với cái tên gần gũi là bánh sừng bò. Croissant đơn giản là một món ăn mang lại niềm vui và hạnh phúc. Kể từ thế kỷ 19, bánh sừng bò là một phần quan trọng trong bữa sáng ở nhiều quốc gia khác nhau với nhiều biến tấu về nhân bánh và lớp phủ bên trên. Sau đây là 8 điều thú vị về “kwa-son”.
1. “Tổ tiên" là Kipferl"
Các chuyên gia ẩm thực đều nhận định rằng nguyên mẫu của bánh sừng bò thời hiện đại là “kipferl”, loại bánh xuất hiện lần đầu tiên ở nước Áo vào thế kỷ 13. Kipferl là loại bánh ngọt nhỏ, có hình dáng cong cong, chủ yếu được làm từ bột men. Bánh có vị giống bánh mì cuộn, và do không cán mỏng (quá trình gấp và cán bơ thành bột nhiều lần để tạo ra các lớp siêu mỏng) nên không có kết cấu xốp đặc trưng của bánh sừng bò được yêu thích ngày nay.
2. Huyền thoại về món ăn của mọi thời đại
Lịch sử của bánh sừng bò được xem là một huyền thoại. Chuyện kể rằng bánh sừng bò được một thợ làm bánh người Vienna chế biến sau khi thành phố đánh bại quân đội Ottoman trong trận đánh thành Vienna năm 1683.
Để kỷ niệm chiến thắng của thành phố trước người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, người thợ làm bánh này đã tạo ra một loại bánh ngọt đặc biệt có hình trăng lưỡi liềm, biểu tượng của đạo Hồi và lá cờ Ottoman. Vì vậy, mỗi miếng bánh ngọt như là một biểu tượng tượng trưng cho sự thất bại nặng nề của quân Ottoman.
Một câu chuyện tương tự cũng được kể ở Hungary, với bối cảnh ở Budapest. Giữa các nhà sử học ẩm thực đã nổ ra tranh cãi và ông Jim Chevallier khẳng định rằng chiếc bánh ngọt hình lưỡi liềm do người thợ làm bánh này làm ra chính là bánh Kipferl chứ không phải bánh sừng bò.
3. Croissane phổ biến từ thế kỷ 18?
Một truyền thuyết nổi tiếng ghi nhận nữ hoàng Pháp (gốc Áo), Marie Antoinette (1755-1793) là người đã giới thiệu bánh Kipferl đến Pháp.
Nhớ hương vị quê hương Vienna sau khi kết hôn với vua Louis XVI của Pháp, có người nói rằng bà đã mang bánh Kipferl đến Versailles. Cụ thể là bà yêu cầu những người thợ làm bánh trong triều đình làm cho bà chiếc bánh ngọt có hương vị và hình dáng tương tự với kipferl. Tuy nhiên, các nhà sử học ẩm thực không thấy có bằng chứng nào ủng hộ quan điểm này và đồng ý rằng món bánh sừng bò chỉ trở nên phổ biến ở Pháp trong thế kỷ 19.
4. Người Áo đã phổ biến Kipferl?
Bằng chứng lịch sử cho thấy doanh nhân người Áo August Zang đã giới thiệu và phổ biến bánh kipferl, nguyên mẫu của bánh sừng bò thời hiện đại, đến Pháp. Năm 1838, Zang mở tiệm bánh Vienna đầu tiên ở Paris.
Tọa lạc tại số 92 Rue Richelieu bên hữu ngạn sông Seine ở Paris, cửa hàng boulangerie cao cấp của Zang chuyên về bánh mì và bánh ngọt từ quê hương Vienna của ông, đặc biệt nhất là món kipferl. Với sự hỗ trợ của lò nướng hơi nước đã được cấp bằng sáng chế của mình, bánh kipferl của Zang dễ bong tróc hơn đáng kể so với các loại bánh ngọt truyền thống mà người Pháp quen dùng vào thời điểm đó.
Kipferl nhanh chóng trở nên phổ biến và được nhiều người Pháp bắt chước. Khi các loại bánh ngọt mới thời thượng trở nên phổ biến hơn, người Pháp bắt đầu gọi chúng là bánh sừng bò do hình dạng lưỡi liềm của chúng.
5. Croisant được tạo ra sau năm 1900
Mặc dù kipferl đã chắc chắn hiện diện ở Pháp vào thế kỷ 19, nhưng nó vẫn khác xa với loại bánh ngọt mà chúng ta biết ngày nay. Bánh sừng bò, như chúng ta biết, ra đời vào đầu thế kỷ 20 khi các đầu bếp bánh ngọt người Pháp thay thế loại bột brioche bằng bột bánh phồng lên men (Pâte levée feuilletée) và một lượng lớn bơ.
Năm 1905, một công thức sử dụng bột bánh phồng lên men thay vì bột brioche xuất hiện trong cuốn sách “Nouvelle Encyclopedie Culinaire” của Auguste Colombie. Hơn nữa, vào năm 1915, đầu bếp bánh ngọt người Pháp Sylvain Claudius Goy đã xuất bản một công thức làm bánh sừng bò với bột bánh phồng có men, yêu cầu bánh phồng cuộn phải được lên men và phủ bơ trong cuốn sách “La Cuisine anglo-américaine” của ông.
Kỹ thuật cải tiến này nhằm xếp lớp mỡ và bột thành một lớp cán đặc trưng vẫn là cốt lõi tạo nên sự xuất hiện của bánh sừng bò kiểu Pháp thời hiện đại. Nó đã thay đổi hoàn toàn kết cấu và cảm giác ngon miệng của bánh ngọt một cách đáng kể, tạo ra một mẫu bánh phồng hơn, giòn hơn với các lớp được phân biệt rõ ràng so với kipferl được Zang giới thiệu vào những năm 1830.
Chẳng bao lâu, bánh sừng bò bơ được làm bằng bánh phồng lên men đã hoàn toàn làm lu mờ người tiền nhiệm của nó ở Áo. Tuy nhiên, một trong những sự thật thú vị nhất về bánh sừng bò là không ai biết chắc chắn ai đã phát minh ra công thức làm bánh sừng bò kiểu Pháp thời hiện đại.
6. Món ăn dành cho nhà giàu
Trong thế kỷ 19, bánh sừng bò (vẫn còn ở dạng giống kipferl) bắt đầu trở thành món ăn ngon dành cho những người giàu có vì nguyên liệu làm bánh như trứng và bơ rất đắt tiền. Giá cao của những nguyên liệu này khiến món bánh sừng bò không thể chấp nhận được đối với hoi polloi.
Mãi đến đầu thế kỷ 20, khi giá những mặt hàng này giảm xuống, bánh sừng bò mới trở nên phổ biến rộng rãi hơn và giá cả phải chăng hơn đối với người dân Pháp bình thường. Từ đó trở đi, bánh sừng bò đã trở thành món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp.
7. Tám thành phần quan trọng
Tám nguyên liệu dùng để làm bánh sừng bò bơ cổ điển của Pháp (croissant au beurre) là: bơ, bột mì, nước, sữa, men, đường, muối, trứng.
8. “Croissant day”
Ngày 30/01 hàng năm chính là “Ngày bánh sừng bò”. Thật ra đó là một ngày mang đến cho mọi người một cái cớ để thưởng thức món ăn thơm ngon này.
Bài LINH PHAN
Men&life
Bình Luận