Chọn nghiệp kinh doanh, đối đầu với cạnh tranh thương trường quyết liệt, những bài học đắt giá từ thất bại chính là chìa khóa để các doanh nhân vượt lên và khẳng định mình.
“Rất dễ rơi vào ảo tưởng khi tiền vào nhanh quá”
Bắt đầu tham gia ngành tài chính ngân hàng cách đây hơn 30 năm, ông Thái Quốc Minh-Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) kiêm Chủ tịch HĐTV SHB Finance - đã trở thành người tiên phong trong các giao dịch mua bán ngân hàng.
Kể về những ngày đầu lập nghiệp, ông Minh chia sẻ: "Lúc đầu khởi nghiệp khi trong tài khoản không có vốn, chỉ có chí yêu nghề và mối quan hệ, tôi đã mời các nhà đầu tư nghe mình thuyết trình về dự án thành lập ngân hàng tư nhân, lúc ấy chưa ai quan tâm đến ngân hàng.
Tôi đã được một group doanh nhân bỏ nhà nước đầu tư gia nhập ngân hàng. Startup ngành ngân hàng, trong đó có công nghệ quản trị, sau 4 tháng bán 4 lần, họ đã trích phần trăm tiền lời ra trả công cho tôi. Từ đó tôi theo đuổi nghề tài chính ngân hàng, mình chỉ có ý tưởng, đầu tư khác biệt và thông minh hơn".
Khi sang Úc lập công ty phần mềm, nhóm của ông Minh tình cờ làm quen với một số người làm tài chính ở Úc, bất ngờ biết nhiều công nghệ của họ còn rất lạc hậu. Ông quyết định lập công ty Fintech, với nguồn nhân sự là các kỹ sư tin học Việt Nam. Vì lương kỹ sư phần mềm Việt Nam lúc đó rất rẻ, nhóm ông Minh lại có ngôn ngữ tài chính nên sẽ bổ sung cho họ. Ông Minh yêu cầu công ty chứng khoán bên kia đặt đề bài và công ty sẽ cung cấp mọi thông số một cách trực tiếp, nhà đầu tư có thể biết ngay và quyết định đầu tư ngay.
"Việt Nam từ trước giờ chỉ bán phần mềm, mình quyết định cho thuê, mang đầu bài đó về cho 150 kỹ sư phần mềm Việt Nam gia công. Hiện giờ, một công ty chứng khoán đầu tiên đã cam kết trả khoảng 100 ngàn USD/giờ. Hiện có thêm cả khách hàng châu Âu, Canada, Úc, Hongkong… cũng sử dụng phần mềm của chúng tôi", ông Minh cho biết.
Ông Minh cho rằng, chỉ đưa ý tưởng, không bỏ tài chính, chia sẻ cho các công ty phần mềm… đó là startup thông minh trong thời công nghệ. Để có sự phát triển bền vững trong thời đại số, khi công nghệ phát triển vượt bậc, kinh nghiệm là phải lựa chọn tầm nhìn, phân khúc theo kịp tốc độ số. Các doanh nghiệp Việt Nam thường thuê phần mềm nước ngoài, hoặc là thuê người viết phần mềm riêng, điều đó tốn thời gian lâu, chi phí cao và bị động.
Nhìn lại quãng thời gian hơn ba thập kỷ làm tài chính, ông Minh rút ra được nhiều bài học đa dạng.
Bài học thứ nhất, từ tâm lý người làm thuê chuyển sang làm chủ là một thay đổi rất lớn. Khi làm ở một công ty nhà nước uy tín, cứ nghĩ những người thành đạt từng coi mình là anh em, khi mình khởi nghiệp chắc chắn họ sẽ giúp. Ngày đầu tiên tiếp xúc 5 doanh nhân lớn mà ông từng giúp đỡ trước đó, họ đều quay lưng.
Sau 3 tuần suy nghĩ lại, ông mới ngộ ra trước đây đánh giá quá cao uy tín của mình, thực ra uy tín đó là uy tín của công ty nhà nước, chứ không phải của cá nhân. Chỉ bằng cách thuyết phục khoa học, dám chịu trách nhiệm, họ mới dám bỏ tiền. Từ đó, ông lập lại dự án, đưa ra lộ trình để nhà đầu tư bỏ tiền từ từ.
Bài học đắt giá thứ hai, khi tiền vào nhanh quá, rất dễ rơi vào ảo tưởng. "Tôi từng dành rất nhiều tiền đầu tư vào viễn thông, hạ tầng, đường cao tốc, bất động sản,… Cảm thấy mình rất oai khi làm chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT nhiều công ty, ai cũng kính nể, xin ý kiến phê chuẩn. Cuối cùng ngộ ra mình dốt vẫn hoàn dốt, chẳng biết gì về đấu thầu, về sắt thép mà cứ ký rẹt rẹt, ảo tưởng sức mạnh tài chính của mình trong khi bản thân không có nghề", ông Minh nói.
Bài học thứ ba theo ông Minh là phải dũng cảm rút lui ra khỏi thất bại và chịu mất tiền: "Tôi đã từng có các vụ kiện, mời thanh tra các bộ, ban ngành vào xem hồ sơ của mình, họ đều nói anh làm hồ sơ quá hay, ra toà anh chắc chắn thắng. Nhưng lúc ấy một anh bạn luật sư trẻ bỏ nhỏ vào tai tôi: Anh làm hồ sơ quá hay, lập luật quá chặt nhưng anh nghĩ lại một lần nữa đi, mình thắng để được cái gì?
Lời khuyên của chàng luật sư trẻ đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu mình thắng kiện thì họ cũng không có tiền đền bù, kéo dài thi hành án 5 - 7 năm nữa thì tiền thành mây khói. Tôi thay đổi phương án, không kiện nữa, yêu cầu giảm giá phần tài sản đó bằng một nửa thiệt hại, thay vì cả hai cùng chết. Mình có thể khởi kiện nhưng kéo theo bao sức ép tâm lý, đôi lúc phải hy sinh, dám buông".
Ông Minh cho rằng, những thành công của bản thân là do đam mê nghề nghiệp, muốn startup ngành tư vấn tài chính, phải đam mê, đủ năng lực và có cái đầu tỉnh táo. Phải có tình yêu với công việc của mình, ngồi đến cùng với những người thực sự đam mê, yêu thực sự, yêu bản năng. Không bao giờ đánh giá quá cao bản thân vì con người dễ sai nhất khi đang thành công.
Bởi lẽ đó, nên nhiều trường hợp doanh nghiệp khó khăn ông sẵn sàng tư vấn miễn phí, khi đã tham gia tư vấn thì dù không có thù lao, vẫn nhiệt huyết như doanh nghiệp của mình, muốn hiểu sâu về nó, đó là tình yêu vô điều kiện.
"Nhiều người hỏi tôi giải pháp về dòng tiền để tránh rủi ro tài chính? Tôi nghĩ do chủ doanh nghiệp, nếu muốn an toàn, tự hào không nợ thì thành công sẽ không lớn. Nếu kêu gọi đầu tư mà vượt quá năng lực của bản thân, tự tin thái quá, người có trình độ cũng không muốn hỗ trợ tài chính. Còn muốn phát triển vượt bậc thì cần huy dộng đầu tư. Những người như tôi sẵn sàng bỏ vốn cho người có ý tưởng tốt, cùng tìm người quản lý và lợi nhuận chia ba", ông Minh chia sẻ.
"Doanh nhân có thể mất tất cả tiền bạc nhưng đừng để mất đạo đức"
Ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh đến một yếu điểm mà doanh nghiệp Việt Nam rất hay mắc phải: “Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều thích phát triển hoành tráng, to, đẹp, nhưng lưu ý rằng, rất nhiều doanh nghiệp của người Hoa chỉ ở nhà trong ngõ nhưng có tới mấy ngàn tỷ đồng. Trước khi làm gì phải nghiên cứu kỹ, không xuề xoà, tôi học được điều đó từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Hãy làm theo năng lực của mình, đừng chạy theo sự hào nhoáng rồi ôm cả cục nợ".
Trong thời đại kinh tế chia sẻ, theo ông Đoàn, phải tập trung giải quyết hai vấn đề: con người và công nghệ. Nhà quản trị chỉ nên làm việc như kiểu "người hầu", tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên của mình.
Công nghệ đang phát triển với tốc độ không thể lường trước, mọi hoạt động, dịch vụ kinh doanh đều có thể thay thế. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại không kỹ càng, làm ăn kiểu "rất xuề xoà".
"Khi muốn làm gì ai cũng sẽ suy nghĩ kỹ nhưng trình độ chỉ đến thế, suy nghĩ hoài cũng sẽ không ra, phải sử dụng đội ngũ tư vấn. Một số bạn startup cứ nói phải có đam mê, không đúng: Đam mê chỉ là chất xúc tác, có năng lực mới là quan trọng. Muốn phát triển bền vững cần có giám đốc tài chính giỏi để tránh phá vỡ cả hệ thống. Kế toán trưởng chỉ là người ghi nhận các con số, còn giám đốc tài chính sẽ là người nhìn thấy toàn bộ dòng tiền chạy trong hiện tại và tương lai”, Chủ tịch Phú Thái nhấn mạnh.
Chia sẻ về cách để có thể đứng lên lại sau mỗi thất bại, ông Đoàn cho rằng, nhiều startup thất bại lần đầu tiên đã mất hết ý chí. Một khi đã là chủ doanh nghiệp đích thực, phải biết cách vượt qua được thử thách sống còn đó.
Ông Đoàn kể lại, có một lần, khi chuyển giao quyền phân phối máy móc rất lớn với một doanh nghiệp nước ngoài, đã tốn rất nhiều tiền thuê luật sư, tư vấn, vài năm sau mới thấy có vấn đề. Chủ doanh nghiệp người Mỹ là một tiến sĩ luật, họ đòi ông bồi thường 39 ngàn USD, gửi toà Singapore. Sang Singapore, xem bản hồ sơ gửi toà của họ mới thấy họ có rất nhiều dẫn chứng thuyết phục.
Ông Đoàn thuê công ty luật tốn gần 2 triệu USD, công ty kia cũng thuê công ty luật mất gần 3 triệu USD. Cuối cùng vẫn không thấy chắc chắn, chính ông đã buộc phải tự tìm hiểu mấy ngàn trang tài liệu đó và phát hiện ra những lỗ hổng giúp mình thắng kiện
Phiên toà xử vụ việc trên dùng tiếng Anh hoàn toàn, nói tới đâu chữ hiện lên ngay màn hình tới đó và ghi âm luôn. "Họ xử rất công bằng, nếu mình đưa ra bằng chứng có lợi thì họ sẽ dừng. Mình đã nghiên cứu, đưa ra bằng chứng, nói bằng tiếng Anh. Họ không thể ngờ mình lại phát hiện ra những điểm hở ấy. Toà quyết định tôi thắng kiện, có nghĩa bên kia phải đưa lại 2 triệu USD tiền đền bù thuê luật sư", ông Đoàn cho biết.
Qua vụ việc này, ông Đoàn muốn nhắn nhủ tới các bạn startup, dù trong lúc căng thẳng nhất vẫn phải bình tĩnh để tìm ra yếu điểm của đối phương. Mấu chốt để phát hiện vấn đề chỉ có chủ doanh nghiệp mới là người thấu hiểu nhất. "Tôi muốn các bạn lưu ý đến tính chất pháp lý của công ty trong thời hội nhập, nếu không đầu tư vấn đề pháp lý, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyện làm ăn của công ty", ông Đoàn nhấn mạnh.
Cũng tại CEO Forum 2019, sau khi nghe câu chuyện của Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam đặt câu hỏi với chính ông Đoàn: “Bản thân tôi có bài học đắng cay, từng mở 100 cửa hiệu và phải chuyển giao với giá 1 USD cho Vingroup. Lý do thất bại bởi quá kỳ vọng vào thị trường bán lẻ gần 100 triệu dân, nhưng càng đẩy lên càng thấy quá xa vời với thị trường này. Anh có thể chia sẻ điều gì khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đi vào con đường đầu tư chuỗi bán lẻ?".
Trả lời câu hỏi của ông Nam, theo ông Đoàn, khi đầu tư chuỗi, phải biết đến mức nào sẽ có lời? Với các cửa hàng tiện lợi, điểm hoà vốn từ 200 đến 500 cửa hàng mới có thể đứng được trên thị trường, tức là phải đầu tư từ 3 - 5 triệu USD. Phải giải được bài toán lỗ có kế hoạch, nếu lỗ thì ai cho vay tiếp?
Ở Việt Nam, lỗ vẫn bán được thậm chí còn bán được nhiều tiền, công thức tính là nhân gấp 3 lần tổng tiền đầu tư. Bởi lẽ, tập đoàn nào sang Việt Nam đầu tư vẫn phải trải qua giai đoạn lỗ có kế hoạch đó, nếu M&A thì họ sẽ đỡ mất thời gian.
"Bài học với anh Nam chính là việc đàm phán bán chuỗi có thể chưa tốt. Đó là một bài học đắt giá", ông Đoàn nói.
Đề cập đến thất bại trong kinh doanh, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, nhận thức về thất bại tuỳ mức độ hiểu biết từng người, người nghèo khác với người phá sản. Thành công liên tục là dấu hiệu ban đầu của thất bại, nhưng thà thất bại trên nền tảng quy mô, làm 10 mất 3 còn hơn chỉ làm 1 cái - nếu mất sẽ mất hết.
“Tôi có một khách hàng chuyên về hoa quả tươi ở miền Bắc. Có lúc ông ấy nằm trên đống tiền, lúc lại không còn đồng nào do bị lừa, chỉ muốn cầm súng bắn vào đầu mình. Khi tôi đi tìm ông, người ta chỉ rằng: Tìm Tuấn bốc vác ở chợ Đông Xuân ấy. Hiện giờ thì Tuấn đã trở thành người đứng đầu thị trường, rất có uy tín. Đạo đức chính là tài sản lớn nhất của ông, mười mấy năm làm ăn luôn sòng phẳng, dù chúng tôi cho ông nợ rất nhiều tiền. Bạn có thể mất tất cả tiền bạc nhưng đừng để mất đạo đức", ông Đoàn chia sẻ.
Với người kinh doanh, theo ông Đoàn, thất bại là bình thường. Khi có vấn đề về dòng tiền, kế toán mất ngủ, ông vẫn có thể ngủ ngon. Có lúc làm việc 24 tiếng cũng thấy bình thường, đó là nhờ cả một quá trình rèn luyện.
"Nhiều bạn trẻ vào công ty tôi không chịu được áp lực, phải tôi luyện dữ lắm. Tôi rất thích chơi trò cảm giác mạnh, lý luận đơn giản chẳng ai chết vì trò chơi ấy cả. Hãy dám đương đầu với thất bại, đối mặt với nó, chứ đừng trốn tránh nó”, Chủ tịch Phú Thái kết luận.
“Bài học thành công nằm nhiều ở thất bại”
Từng là người mẫu nổi tiếng, chọn nghiệp doanh nhân, đối đầu với cạnh tranh thương trường quyết liệt, niềm tin vào bản thân vô cùng quan trọng với chị Vũ Thu Phương - nhà sáng lập thương hiệu thời trang Phượng hoàng Việt - Phoenix V.
Sau 15 năm lăn lộn thương trường, chia sẻ với các doanh nhân tại CEO Forum 2019, bài học đầu tiên với chị Phương là phải bỏ hào quang của người mẫu xuống trước để lao vào kinh doanh.
“Tôi mất rất nhiều thời gian để bỏ xuống điều đó, nghiêm túc với nền tảng kiến thức cần thiết để phát triển nhãn hiệu đồ hiệu mang tầm quốc tế. Thách thức lớn nhất của ngành thời trang là dễ dàng bị sao chép thiết kế sáng tạo. Mình phải đầu tư giữ gìn bộ máy nhân sự rất tốt mới đi được lâu dài", chị Phương cho biết.
Bắt đầu thương hiệu cách đây 15 năm, chị xin nhượng quyền một thương hiệu thời trang của Pháp về Việt Nam, theo chiến lược “đứng trên vai người khồng lồ”. Vừa làm vừa học từ họ cách kinh doanh, sáng tạo, chị kiên trì gửi thiết kế của mình sang Pháp, thuyết phục họ cho vào thương hiệu. Với thế mạnh dùng nhân trắc học vào thiết kế thời trang, chị đã thuyết phục được đối tác đồng ý 30% mẫu thiết kế.
Năm 2010 chị làm thương hiệu Phoenix V, một năm sau có đối tác Campuchia sang nhượng quyền, sau đó là các đối tác từ Anh, Pháp. Cửa hàng phát triển nhanh nên cần thợ lành nghề, nhưng họ cứ nghĩ tự làm chủ được, sao chép rất nhanh.
"Năm 2016 tôi nhận được đề nghị chuyển nhượng của một đối tác người Anh, nhưng họ không đồng ý chính sách đãi ngộ khách hàng của mình. Tôi đã từ chối dù họ có thể bán 1.000 sản phẩm/ngày. Sau đó, tôi bất ngờ phát hiện sản phẩm của mình từ trong ruột đi ra, bị nhái khắp các chợ, vấn đề nằm ở đạo đức nhân sự. Mình khủng hoảng rất lớn, muốn tạo dựng một doanh nghiệp đạo đức mà lại mất niềm tin với cộng sự. Tôi phải nhờ pháp luật điều tra mất một năm, tụt cảm xúc kinh khủng, cuối cùng phát hiện nguyên một đường dây nối với nước ngoài và trong nước ngay trong nhà mình.
Thương hiệu là lẽ sống của mình, thất bại trong kinh doanh cảm thấy như bị thất tình. May mắn của tôi là có ông xã giúp mình ổn định tinh thần, làm ra bộ sưu tập mới, xây dựng lại thương hiệu từ đầu", chị Phương kể lại.
Làm sao tránh sao chép ý tưởng và giữ nhân tài trong giai đoạn đầu là thử thách rất lớn với người khởi nghiệp? Chị Phương cho biết, trước đây từng suy nghĩ không cần quá nhiều nhân tài, vì càng tài càng có tật. Nhưng về sau khi đi ra thị trường lớn hơn, cần miếng bánh lớn hơn, chị hiểu rằng phải cần nhiều người tài có nền tảng đạo đức, cùng với môi trường phát triển tốt, để xây dựng một tổ phượng hoàng bay đi khắp nơi.
"Tôi rất trân trọng đội ngũ thiết kế, coi họ là người cùng mình bước ra sân khấu. Khi thay đổi tư duy bản thân họ bảo vệ mình hơn. Với doanh nghiệp, quan trọng là nhân sự đầu vào và đối trọng lại là văn hoá, như thế mới bảo đảm sự bền vững”, chị Phương nhấn mạnh.
Theo TheLEADER
Bình Luận