Cùng trăn trở như các doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM hiện nay khi thị trường bất động sản đang sụt giảm mạnh. Giám đốc Công ty CP Bất động sản Golden Land Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Nhà nước cần quan tâm tạo khung pháp lý cho các dự án phù hợp, không vi phạm các quy định trong quản lý bất động sản để đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án bất động sản đang “đóng băng” hiện nay.
* Trong bối cảnh TP.HCM có quỹ đất ngày càng thu hẹp và quy trình pháp lý về xây dựng bị siết chặt, tình hình này có ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh bất động sản (BĐS) của Golden Land?
- Golden Land cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của tình hình chung này. Ngành kinh doanh BĐS có liên quan rất chặt chẽ với các “thiết chế” xã hội như pháp lý, tín dụng, kinh tế vĩ mô... Các thiết chế này có một sự thay đổi nào đó, thì các doanh nghiệp BĐS nói chung, cũng như Golden Land nói riêng cũng “ấm đầu” theo. Golden Land là nhà phân phối sản phẩm chuyên nghiệp của nhiều chủ đầu tư BĐS lớn, chuyên về phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình (trên dưới 2 tỷ đồng/căn hộ). Với Golden Land, trong 9 tháng đầu năm 2019, số căn hộ phân phối nằm trong phân khúc trung bình này có mức tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tính theo mặt bằng chung, do quy trình pháp lý trong việc xây dựng và quản lý BĐS đang được Nhà nước xiết chặt, trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường TP.HCM có rất ít dự án được duyệt. Do đó, nếu nói về chuyện cân đối cung - cầu nhà ở trong tương lai, các nhà kinh doanh BĐS ở TP.HCM hiện nay chưa nói trước được điều gì.
* Vậy Golden Land làm cách nào để đảm bảo cung cầu hàng hóa, cho hoạt động công ty được cân đối và liên tục?
- Chúng tôi mở rộng phạm vi hoạt động sang các thị trường lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ở các nơi này, dù sao các dự án đầu tư cũng còn “màu mỡ” hơn thị trường TP.HCM. Cũng là một cách tự xoay xở cho thị trường BĐS khu vực phong phú hơn. Tuy nhiên, tiềm năng BĐS TP.HCM vẫn rất lớn. Các doanh nghiệp BĐS chúng tôi trông chờ một sự chuyển biến lớn của Nhà nước trong chủ trương quản lý BĐS. Thực tế, TP.HCM đón 250.000 di dân mỗi năm, có 55.000 cặp vợ chồng mới kết hôn, vì thế nhu cầu nhà ở luôn là vấn đề cấp bách.
* Sự chuyển biến lớn của Nhà nước trong chủ trương quản lý BĐS ở TP.HCM, theo ông là gì?
- Là quan tâm hơn nữa đến các dự án khả thi của các doanh nghiệp BĐS, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng cho các dự án nếu thấy dự án đó phù hợp với nhu cầu thị trường và không vi phạm các quy định trong quản lý BĐS. Sự siết chặt các quy định pháp lý sau thời gian dài lơi lỏng khiến các doanh nghiệp BĐS làm ăn nghiêm túc gặp nhiều khó khăn. Vấn đề tôi muốn nói ở đây, là sự thấu hiểu về mặt quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp BĐS làm ăn đàng hoàng.
Sự siết chặt các quy định pháp lý sau thời gian dài lơi lỏng khiến các doanh nghiệp BĐS làm ăn nghiêm túc gặp nhiều khó khăn. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là sự thấu hiểu về mặt quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp BĐS làm ăn đàng hoàng.
* Sự quản lý lơi lỏng về mặt Nhà nước mà anh vừa đề cập, thời gian qua cũng đã tạo ra không ít hệ lụy cho ngành BĐS TP.HCM, nổi bật có vụ lừa đảo đất dự án của Alibaba. Là một doanh nghiệp BĐS luôn tâm niệm làm ăn phải lấy chữ “tâm” làm đầu, ông nghĩ gì về sự vi phạm pháp luật của Alibaba?
- Khi thị trường BĐS tăng trưởng nóng mà Nhà nước quản lý lơi lỏng thì nảy sinh tiêu cực là chuyện tất nhiên. Thời gian dài, có doanh nghiệp vi phạm pháp luật là thời gian thị trường BĐS tăng trưởng nóng. Việc mua bán đất nền không có giá trị pháp lý mà một vài doanh nghiệp BĐS thực hiện đã để lại một hệ lụy rất lớn trong ngành BĐS. Hệ lụy này cũng cho thấy, có sự mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu trong ngành BĐS. Hậu quả vi phạm pháp luật của Alibaba khiến toàn xã hội phải khắc phục trong một thời gian dài. Đây cũng là bài học về đạo đức kinh doanh cho các nhà kinh doanh BĐS.
* Là nhà phân phối về cả hai phân khúc nhà ở trung bình (chung cư) và cao cấp (nhà phố, biệt thự), anh có thể phác thảo ra sự tăng trưởng của hai phân khúc nhà ở này trong thời gian tới ở TP.HCM?
- Thật ra Golden Land phân phối chủ yếu phân khúc nhà ở trung bình, 80% sản phẩm phân phối của chúng tôi là căn hộ chung cư. Tôi nghĩ, chung cư vẫn là xu thế nhà ở tốt nhất trong tương lai ở TP.HCM. Chung cư có nhiều loại sản phẩm khác nhau dành cho mọi tầng lớp nhân dân, từ người có thu nhập cao đến người thu nhập trung bình thấp. Đây cũng là xu thế hướng về cộng đồng của toàn xã hội hiện nay. Các nước và lãnh thổ phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan... cũng khuyến khích phát triển chung cư làm nhà ở cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong tình hình quỹ đất ngày càng thu hẹp như hiện nay, đất công để dành làm các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công viên... là phù hợp với xu thế chung. Vì thế, trong tương lai, Golden Land sẽ vẫn tiếp tục đầu tư cho việc phân phối nhà chung cư. Không riêng gì Golden Land, tôi nghĩ các doanh nghiệp BĐS khác cũng sẽ tập trung cho phân khúc này.
Với phân khúc nhà phố và biệt thự, trong quý III/2019, thị trường nhà phố, biệt thự tại TP.HCM được ghi nhận là tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Thực tế này cũng được công nhận từ ba năm qua khi phân khúc BĐS này tăng giá khá cao. Tuy nhiên, đây chỉ là nhu cầu của người có thu nhập cao, nên số lượng cần không nhiều bằng phân khúc nhà ở trung bình. Golden Land cũng có đầu tư vào phân khúc nhà cao cấp, nhưng cũng chỉ là một sản phẩm để tham gia thị trường khi cần thiết.
Golden Land tâm niệm, căn hộ, ngôi nhà là tài sản của cả đời người nên phải làm ăn thật thà và luôn đứng về phía lợi ích khách hàng.
* Golden Land chuyên phân phối nhà dự án. Làm thế nào để đảm bảo uy tín với khách hàng trước những dự án có thể “gạo chưa hẳn đã nấu thành cơm”?
- Chúng tôi luôn tạo sự liên kết chặt chẽ theo kiểu kiềng ba chân: “nhà phân phối - chủ đầu tư - khách hàng”. Trước khi công bố một dự án nào ra thị trường, Golden Land sẽ làm việc rất kỹ với chủ đầu tư về mọi mặt. Thời gian, giá cả, chất lượng công trình, các dịch vụ tiện ích kèm theo... Sau khi đạt thỏa thuận với chủ đầu tư, chúng tôi mới tung sản phẩm ra thị trường. Golden Land tâm niệm, căn hộ, ngôi nhà là tài sản của cả đời người nên phải làm ăn thật thà và luôn đứng về phía lợi ích khách hàng. Thực tế, từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, Golden Land chưa phải gặp một “tai nạn” nào lớn như các vụ kiện tụng mà báo chí đã đăng, chỉ là những khiếu nại nhỏ về những sơ suất trong xây dựng và chúng tôi đã phối hợp với chủ đầu tư khắc phục tốt sau đó.
* Golden Land được khách hàng đánh giá là doanh nghiệp BĐS khá uy tín trong thời gian qua với số sản phẩm phân phối tăng theo các năm. Là người đứng đầu công ty, ông có thể truyền đạt kinh nghiệm kinh doanh BĐS cho thế hệ BĐS vừa khởi nghiệp?
- Nghề kinh doanh BĐS luôn có nhiều cám dỗ và nhiều rủi ro. Để kinh doanh BĐS thành công, tôi nghĩ trước hết phải vững vàng, tự tin và biết xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp phải bám sát nhu cầu thị trường. Đặc biệt, người chủ doanh nghiệp phải biết đánh giá nhu cầu thị trường. Xây dựng tốt mối quan hệ với đối tác và khách hàng cũng là điều cực kỳ cần thiết. Những đối tác tốt, trung thực sẽ giúp bạn làm ăn thịnh vượng. Khách hàng trung thành, luôn luôn thấu hiểu sẽ tạo thêm động lực để bạn gắn bó với nghề.
* Golden Land chẳng những là doanh nghiệp BĐS “chiều” khách hàng, mà còn là doanh nghiệp xây dựng tốt mối quan hệ cộng đồng thông qua các chương trình công tác xã hội. Các chương trình cụ thể đó là gì, thưa ông?
- Doanh nghiệp làm ra lợi nhuận cần phải sẻ chia thì mới làm ăn lâu bền được, đó cũng là tâm niệm của Golden Land trong kinh doanh. Chúng tôi hợp tác thường xuyên với quận Phú Nhuận và Câu lạc bộ “Bầu trời xanh” (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) để giúp đỡ người nghèo và bệnh nhân ung thư. Theo định kỳ, chúng tôi vẫn có các khoản quà, gạo, tiền... gửi giúp bà con. Đặc biệt, với người bệnh ung thư, Golden Land thường xuyên hỗ trợ tiền thuốc và tiền xe cho một số trường hợp bà con đi lại trong quá trình điều trị bệnh. Chúng tôi còn tham gia tài trợ các chương trình Caravan của Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, mới đây là chương trình “Người truyền lửa” để giúp các doanh nhân gắn bó với nhau hơn thông qua các hoạt động thể thao, dã ngoại...
Doanh nghiệp làm ra lợi nhuận cần phải sẻ chia thì mới làm ăn lâu bền được, đó cũng là tâm niệm của Golden Land trong kinh doanh.
* Dẫu biết kinh doanh BĐS là một nghề “đầy cám dỗ và rủi ro”, thế vì sao ông vẫn dấn thân vào?
- Tôi đam mê. Và quan trọng là thích làm chuyện gì khó. Thật ra, tôi đến với nghề kinh doanh BĐS từ năm 2008, đây là thời gian ngành BĐS gặp nhiều khó khăn nhất. Đam mê, lao vào, thành công thất bại đều có, nhưng lại càng thấy thích. Quê tôi ở Gia Lai, vào TP.HCM học Đại học Kinh tế, ước mơ có một ngôi nhà tại TP.HCM. Thế là ra trường, đi kinh doanh BĐS để kiếm tiền mua nhà, dứt khoát phải mua nhà bằng được từ tiền kinh doanh BĐS. Y như rằng, sau đó tôi mua được nhà. Như người bạn thân của tôi, thích sắm một chiếc xe hơi, thế là lao vào ngành mua bán xe hơi, một thời gian sau đã mua được xe hơi. Vâng, tuổi trẻ đôi khi táo bạo. Nhưng nếu bạn táo bạo mà “lý tính” một chút thì sẽ thành công!
* Bên cạnh nghề kinh doanh BĐS, nghe nói anh còn đi dạy học?
- Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi học lấy thêm một bằng thạc sĩ ở nước ngoài. Hiện tôi nhận thỉnh giảng tại một số trường đại học ở TP.HCM. Một tuần ba buổi, mỗi buổi sáu tiết. Dạy học rất vui. Công việc dạy học cũng giúp tôi hâm nóng nghề kinh doanh BĐS. Tôi tham gia dạy các môn marketing, quản trị kinh doanh... “Máu” kinh doanh lúc nào cũng nóng trong người, tôi còn tham gia tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM thông qua chương trình Business Idea.
* Cảm ơn ông!
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Bình Luận