Nhận định đây là thời điểm kinh doanh khó khăn khi có nhiều thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng như cách người ta kinh doanh, nhưng Huỳnh Thị Ngọc Thảo (CEO Công ty TNHH TM Xuất Nhập Khẩu Gemini) vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Và chị đã chia sẻ câu chuyện của mình với Men&Life.
Câu chuyện kinh doanh của chị bắt đầu như thế nào?
Câu chuyện kinh doanh ngành thời trang và làm đẹp của tôi bắt đầu từ ba nguyên nhân. Thứ nhất là, từ các mối quan hệ của mình, tôi được biết trước đây các thương hiệu mà hiện tôi đang kinh doanh đã có những người nước ngoài mang về Việt Nam phân phối. Nhưng họ không thực sự hiểu được thị trường và tìm ra đối tác phù hợp ở Việt Nam. Sau khi biết được điều này, tôi quyết định lấy thử thách về phía mình, mang thương hiệu về Việt Nam để phát triển.
Nguyên nhân thứ hai là việc yêu thích cái đẹp, những sản phẩm mang đến cái đẹp cho con người, cho cuộc sống luôn có sức hút riêng với tôi. Và tôi mong muốn người tiêu dùng được biết đến nhiều hơn nữa những thương hiệu trong ngành thời trang, làm đẹp đến từ các nước châu Âu, Mỹ với chất lượng tốt, mẫu mã hợp thời và giá thành công bằng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, thời điểm đó trong vấn đề sự nghiệp của tôi cũng có một số thay đổi. Tôi nhận thấy cơ hội mà thương hiệu đưa lại cũng là cơ hội để tôi có thể tập trung phát triển sự nghiệp của mình, vừa thỏa mãn được niềm yêu thích kinh doanh sản phẩm làm đẹp, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc năng động dành cho tất cả các bạn trẻ, được cống hiến và được ghi nhận.
Lĩnh vực kinh doanh chính của chúng tôi hiện tại là đồng hồ, mỹ phẩm, gồm có đồng hồ cao cấp Dugena của Đức, mỹ phẩm Caviar of Switzerland từ Thụy Sỹ.
Tạo ra một môi trường làm việc năng động cho bạn trẻ có phải xuất phát từ những trải nghiệm trước đây của chị?
Trải nghiệm từ những công việc trước đã cho tôi những kinh nghiệm quý báu để có cái nhìn thực tế hơn về kinh doanh và cuộc sống. Hiện nay, rất nhiều thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài có mặt tại thị trường trong nước, nhưng vẫn cần đa dạng hơn nữa để phục vụ dân số hơn 90 triệu dân. Tôi hy vọng doanh nghiệp của mình sẽ góp phần cung cấp thêm sự lựa chọn cho khách hàng vừa có thêm những thương hiệu làm đẹp, lại vừa an tâm về chất lượng.
Không thể bỏ qua một yếu tố xuất phát từ nhu cầu cá nhân của tôi, đó là tuổi trẻ ai cũng mang trong mình một khát khao được cống hiến, được sống một cuộc sống có ích và ghi nhận giá trị bản thân. Đó cũng là mong muốn của tôi khi bắt đầu khởi nghiệp là tạo ra công việc, môi trường tốt không những cho bản thân tôi, mà còn cho các bạn trẻ ngày nay.
Quy mô hiện tại của công ty chị?
Quy mô của chúng tôi hiện tại dưới 20 người. Là công ty thương mại, nên cách tôi vận hành công ty sẽ là xây dựng mô hình hoạt động theo đúng tinh thần của một công ty thương mại. Ở đó chúng tôi sẽ chỉ cần một đội nhóm ở quy mô vừa phải. Mỗi nhân sự được đào tạo đều có thể tự chịu trách nhiệm trong công việc, hoạt động độc lập, sáng tạo trên từng dự án nhằm mang lại mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc.Trong bất cứ điều kiện thay đổi nào của môi trường kinh doanh, thì chúng tôi cũng có thể kịp thời điều chỉnh linh hoạt.
Những thách thức lớn nhất mà chị phải đối mặt trong việc kinh doanh là gì?
Hiện tại thách thức lớn nhất trong thời buổi kinh doanh ngày nay là việc không ai kết nối với ai. Khi mang một thương hiệu mới về, tôi mời các cửa hàng bán lẻ để cộng tác kinh doanh, phân phối sản phẩm thì họ luôn có tư tưởng “cô mang về được, tôi cũng mang về được”. Họ không có hứng thú làm việc với mình. Họ muốn chờ xem mình làm thành công, sản phẩm thực sự bán chạy hay không thì họ mới lấy về bán. Điều này cũng làm tôi hơi chạnh lòng khi yếu tố về chất lượng, thẩm mỹ thường bị bỏ qua. Giai đoạn này cần trải qua thời gian, cho nên làm kinh doanh thì phải chịu đựng thời gian đầu, chứng minh cho họ thấy được sức bền của năng lực thương hiệu và sản phẩm.
Thách thức thứ hai là hàng xách tay rất nhiều. Thực ra, việc mua hàng xách tay cũng không rẻ hơn hàng nhập khẩu bao nhiêu. Nhưng người tiêu dùng vẫn có tư tưởng mua hàng xách tay sẽ rẻ hơn.
Thách thức thứ ba là vấn đề tiếp cận thị trường Việt Nam. Ví dụ như đối với đồng hồ Dugena là phong cách thiết kế của người Đức, mà nước Đức là nơi phát sinh ra phong cách Bauhaus - phong cách thiết kế tối giản, áp dụng trong kiến trúc, thời trang hiện đại. Nước Đức là một trong những nước áp dụng thành công nhất phong cách này, thứ hai là nước Nhật. Hầu hết, phong cách thời trang Đức đề cao sự tối giản và tính công năng nên thời trang Đức mặc hoài không thấy lỗi thời. Trong khi đó, thời trang người Việt từ xưa đến giờ thường ưa chuộng sự màu mè, nên phong cách giữa hai bên đang có sự đối lập. Do đó, tôi hiểu được trách nhiệm của mình là phải tích cực truyền tải nhiều hơn về cái đẹp của thời trang hiện đại, giúp tính thẩm mỹ của người Việt được nâng lên và gần gũi với thời trang quốc tế nhiều hơn.
Tính đến thời điểm này, việc kinh doanh đã đáp ứng được bao nhiêu kỳ vọng của chị?
Có những khách hàng tìm đến Dugena, vì họ biết Dugena ở bên Đức. Điều đó giống như một sự động viên cho chúng tôi, ít ra cũng có người yêu thích phong cách này, thương hiệu này. Điều thứ hai là hầu hết khách hàng đều khen đồng hồ đẹp, có phong cách riêng, dễ phối đồ… Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn khi lựa chọn thương hiệu của chúng tôi. Trước nhất là họ e ngại những thương hiệu mới. Thứ hai là mức tiêu dùng của người Việt Nam cho ngành phụ kiện bây giờ là chỉ ở mức dưới 4 triệu đồng cho một sản phẩm. Vì vậy, để được đại đa số người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm thì chúng tôi cần kiên trì để gây dựng lòng tin ở khách hàng nhiều hơn nữa.
Hiện tại có khá nhiều người đang dùng đồng hồ thông minh smartwatch, tại sao chị không kinh doanh lĩnh vực này?
Thời trang là cá tính, phong cách, ngôn ngữ mà chúng ta muốn truyền tải đến những người xung quanh để họ biết chúng ta là ai. Thế giới bây giờ sử dụng quá nhiều đồ công nghệ. Đối với tôi, một chiếc đồng hồ thông minh có một số công năng nhất định như giúp kiểm tra email nhưng việc đó đã có điện thoại, máy tính… Việc mang một chiếc đồng hồ thông minh sẽ không giúp bạn truyền tải thông điệp cá nhân đến người xung quanh. Cảm giác tiếp cận quá nhiều thứ công nghệ cao cũng làm cho cảm xúc của mình dần đóng băng, thiếu đi sự cảm thụ sống động về cái đẹp của màu sắc, họa tiết thiết kế. Trong khi đó, thỉnh thoảng nhìn vào mặt đồng hồ có một cảm giác đặc biệt, nó nhắc mình quay lại thời gian hiện tại.
Hãy nói một chút về việc học hành của chị. Chị đã học những gì trước đây?
Trường đại học lớn nhất của tôi là công việc. Sau khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm cho các tập đoàn nước ngoài thì khi ấy tôi luôn đặt câu hỏi cho bản thân “Trong công việc, cái gì làm mình thích nhất?” Vì thế, tôi dấn thân hết, tôi làm việc hết ở tất cả các phòng ban, từ nhân sự cho đến marketing, chỉ trừ phòng kế toán. Chỉ khi bắt đầu làm việc ở phòng kinh doanh, tôi mới cảm thấy như mình có nguồn năng lượng mới, và nhận ra đây đúng là cái mình thích.
Trước tiên, tôi đã nhìn ra cái mình thích, tìm được sở trường của mình. Tiếp đó, tôi đã tìm ra sản phẩm mình thích. Đó là ngành liên quan đến cái đẹp. Những gì liên quan đến việc làm đẹp là tôi thích, tôi đam mê, và khi làm việc tôi cảm thấy rất vui. Bán một món hàng, lợi nhuận chưa hẳn làm tôi hạnh phúc bằng việc làm khách hàng hạnh phúc.
Có nghĩa là công việc này làm chị thích thú, say mê?
Vì thời gian có hạn của buổi phỏng vấn nên tôi xin phép nêu ra các vấn đề liên quan đến sản phẩm đồng hồ như một ví dụ cụ thể. Tôi nghĩ nếu không có niềm say mê và mục tiêu rõ ràng thì bạn sẽ khó mà thực hiện bất kỳ công việc nào. Một công ty thương mại đòi hỏi bất kỳ sản phẩm gì đến tay bạn, đứng ở góc độ kinh doanh, bạn phải thật sự mang nó vào thị trường và tạo ra kết quả thực tế. Quan trọng là mình cần quan sát thị trường và có một kế hoạch phù hợp ở từng thời điểm. Không thể có việc một sản phẩm xuất hiện là sẽ thành công ngay lập tức. Thị trường sẽ có những bài kiểm tra của riêng nó, mình cần phải kiên nhẫn. Tôi tin là một người đã kinh doanh, đã bán được sản phẩm A thì sẽ bán được sản phẩm B, sản phẩm C.
Thách thức bây giờ của tôi là hoàn thành xong đội nhóm làm việc cùng mình. Bởi vì, vận hành được việc kinh doanh này đòi hỏi tôi phải tìm được những cộng sự (tôi không gọi họ là nhân viên) cũng phải có sự dấn thân với mình. Tìm được điều này ở những bạn trẻ bây giờ khá là khó khăn.
Có phải do chị là người quá cầu toàn, không yên tâm khi giao việc nên phải tự mình làm nhiều thứ?
Thật ra, tôi có một đòi hỏi với những cộng sự của mình là họ phải luôn học hỏi và chịu trách nhiệm. Hầu hết các bạn buổi đầu đến với tôi họ khá sợ hai điểm này. Họ sợ học, họ sợ trách nhiệm. Khi giao việc, tôi thường giao cho các bạn tự phụ trách dự án và chịu trách nhiệm thực hiện triển khai. Cho nên, khi tuyển dụng, rất nhiều bạn trẻ rất thích mô hình công ty, nhưng khi vào làm việc thì họ lại bị “dội” vì sợ. Đối với tôi, ngày hôm nay những gì bạn biết, thì ngày mai sẽ có những bài học mới. Thị trường có những thay đổi liên tục, và thế giới đang phát triển liên tục theo Digital 4.0 nên đòi hỏi mình cũng phải liên tục học hỏi. Và những công ty nhỏ thì còn cần phải học gấp đôi mới mong có chỗ đứng bên cạnh các công ty lớn, khi họ có đầy đủ tiềm lực kinh tế, con người.
Cách giao việc là tôi chấp nhận đào tạo họ trước. Công ty của tôi có một chi phí dành cho việc đào tạo, và tôi chấp nhận mất mát nếu nhân sự đó vì một lý do nào đó họ rời bỏ công ty sau khi được đào tạo xong. Mặt khác, những người có kinh nghiệm lại thường tự phụ, đánh giá khả năng của mình cao hơn người khác. Và họ muốn dẫn dắt công ty theo ý họ. Họ cảm thấy không cần phải học, muốn được giao toàn bộ công việc mà không có sự trao đổi qua lại với những người khác. Nói chung, tôi đã chuẩn bị cho bản thân trong vấn đề nhân sự. Bởi vì, như tôi đã nói, mong muốn khi thành lập công ty là có môi trường làm việc tốt cho những bạn trẻ nên tôi chấp nhận.
Chị lập kế hoạch marketing sản phẩm như thế nào?
Đối với những startup thì trên lý thuyết họ luôn cần bản kế hoạch kinh doanh, ngân sách cùng những con số cụ thể. Cái hay trong kinh doanh cũng giống như trong hôn nhân vậy. Mặc dù trước khi kết hôn, hai vợ chồng đã ngồi xuống ký kết hợp đồng, bàn thảo với nhau những vấn đề họ thích, họ không thích… nhưng trong thực tế lại khác. Cho nên, thách thức trong vấn đề marketing là làm sao để chi thấp nhất, nhưng đạt được hiệu quả cao nhất. Việc này thì phải do chủ doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và phải có những đo lường kịp thời cho gói marking để điều chỉnh cho phù hợp. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ nếu mình có nhiều tiền, mình có thể sẽ “đánh” marketing rộng rãi và bán được nhiều hàng nhanh chóng. Điều này cũng đúng một phần, nhưng không phải là cho mọi trường hợp. Vì thị trường giống như một miếng xốp, mình đổ nước vào nó sẽ thấm từ từ, chứ mình không thể yêu cầu nó thấm nước ngay lập tức. Đừng nghĩ đổ nhiều tiền vào marketing là ra ngay kết quả kinh doanh thành công.
Vậy mong muốn của chị cho việc kinh doanh của mình trong thời gian tới?
Mong muốn của tôi là thành lập doanh nghiệp chuyên về thương mại, đưa những sản phẩm làm đẹp về, truyền tải đúng thông điệp sản phẩm, không làm lệch lạc thông tin sản phẩm. Và tôi vẫn luôn băn khoăn tại sao người Việt Nam phải sang các nước khác để mua sắm, thay vì tiêu dùng trên đất nước của mình, thúc đẩy nền kinh tế đi lên, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam. Trong khi việc mua sắm ở nước ngoài tốn nhiều chi phí, mà chỉ để mua cái áo, cái quần. Vì vậy, tôi cố gắng xây dựng để chúng ta sẽ trở thành nơi mua sắm hấp dẫn cho mọi người.
Sắp tới, chị có dự định mở cửa hàng?
Từ nay đến năm 2021, nếu chúng tôi vẫn không thể có được những nhà bán lẻ cùng hợp tác phân phối sản phẩm thì chúng tôi sẽ trực tiếp ra mắt cửa hàng. Tại sao có những thương hiệu thành công? Đó là họ có một mô hình cụ thể.
Trước đây, ở Châu Âu nếu khách hàng muốn mua sắm họ thường phải bước vào bên trong cửa hàng mới nhìn thấy được sản phẩm. Đến năm 1945, Dugena là một trong những thương hiệu đầu tiên tại Đức phát triển cửa hàng theo công thức thiết kế tận dụng tối đa toàn bộ cửa hàng bằng kính, giúp khách hàng có thể quan sát sản phẩm từ bên ngoài. Họ đã ứng dụng và thành công đến mức mở gần 2.000 cửa hàng ở khắp cả nước. Cho nên, việc xây dựng mô hình cho cửa hàng rất quan trọng. Nếu mở một cửa hàng bình thường, chúng tôi cũng sẽ chìm lẫn giữa hàng tá các thương hiệu khác.
Chị có vẻ tâm tư với hành vi mua sắm của người Việt Nam hiện nay. Chị có chia sẻ nào thêm về vấn đề này không?
Một thông điệp mà tôi muốn truyền tải là tại sao người tiêu dùng Việt thường chấp nhận sự thiệt thòi thông qua việc nhờ mua hàng ở nước ngoài. Bởi vì, hàng tháng những công ty hàng nhập khẩu như chúng tôi vẫn luôn chạy chương trình giảm giá, giảm trên cả mẫu mới lẫn mẫu cũ. Trong khi đó, cửa hàng ở nước ngoài cũng chỉ giảm ở những mẫu cũ và những mẫu đã lỗi thời. Tôi mong là mọi người sẽ sớm biết đến điều này để có thể thường xuyên mua sắm được những sản phẩm đẹp, mới, với giá thành ưu đãi và an toàn.
Ngoài thời gian dành cho công việc thì chị giải trí như thế nào?
Ai cũng có những sở thích như đi nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch… Nhưng phải nói là từ lúc làm trong ngành thời trang đến giờ, tôi vẫn chưa có thời gian dành cho bản thân, khi mà công việc kinh doanh cũng chưa thực sự như mình mong muốn. Vì thế, tôi vẫn dành cho cái chung, như việc đi du lịch thì dành cho cả công ty đi chơi cùng, còn bản thân mình thì tính sau.
Cá nhân thì tôi thích đi du lịch vì mình học được rất nhiều. Trong công ty, tôi luôn cố gắng cho nhân viên thường xuyên đi du lịch trong khả năng cho phép, để cho các bạn nhìn thấy thế giới, học cách người ta kinh doanh, học cách người ta buôn bán… để sau đó về xây dựng lại cho công việc của mình.
Xin cảm ơn và chúc chị gặt hái thành công trong việc kinh doanh của mình!
menandlife.vn
Bình Luận