Ngân hàng bán lẻ đang là một sân chơi chứng kiến những hoạt động sôi nổi, mang tính đột phá và cạnh tranh cao giữa các ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Điều đó giúp cho ngân hàng thu được khá nhiều lợi ích, nhưng chính khách hàng mới là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đua này.
Tiềm năng lớn phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ
Trong những năm gần đây, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng ngày càng cao, nhất là dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tập trung cho hoạt động bán lẻ đang trở thành xu thế phát triển của các ngân hàng thương mại nhằm đa dạng nguồn thu, gia tăng hiệu quả kinh doanh và giảm thiểu rủi ro hoạt động. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2018, thu nhập từ hoạt động bán lẻ của các ngân hàng đều gia tăng hàng năm với tỷ trọng tăng trưởng lớn.
Việt Nam có dân số khoảng 96 triệu người, GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 2.590 USD, do đó Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, và năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục là năm nở rộ của hoạt động này. Hơn nữa, hiện nay một lượng lớn dân cư chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ, tiện ích ngân hàng, sẽ trở thành nguồn lực cho hoạt động ngân hàng bán lẻ. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin, hoạt động ngân hàng bán lẻ sẽ được tiếp sức mạnh mẽ khi có hàng triệu khách hàng mới từ nông thôn tới đô thị, đang được tiếp cận một cách nhanh chóng các sản phẩm tài chính, công nghệ mới.
Với những điều kiện thuận lợi đó, các ngân hàng đều quan tâm và tập trung khai thác thị trường bán lẻ với những giải pháp như: Đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển dịch vụ mới thông qua internet banking, home banking, mobile banking... Các hình thức cho vay, huy động vốn cũng mở rộng và đa dạng phù hợp với từng loại hình khách hàng, tạo điều kiện cải thiện đời sống kinh tế xã hội.
Ngân hàng bán lẻ trong cách mạng công nghệ 4.0
Số hóa là một xu thế bắt buộc đối với hoạt động ngân hàng bán lẻ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt trong cuộc sống. Việc khách hàng sử dụng công nghệ trong giao dịch với ngân hàng trở nên quen thuộc. Điều này thể hiện rõ nhất ở số liệu giá trị thanh toán qua di động năm 2018 đã tăng 126% và qua internet là 18% (theo VnEconomy). Hơn nữa, do áp lực từ tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng đang chạy đua trong việc đầu tư vào công nghệ, số hóa để giảm thiểu chi phí và buộc phải giảm dần phụ thuộc vào tín dụng.
Đón đầu xu thế này, các ngân hàng đã đầu tư mạnh để hoàn thiện ứng dụng mobile banking. Đơn cử BIDV SmartBanking, ngoài các tính năng quen thuộc như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại,... ứng dụng này còn được tích hợp nhiều chức năng mới như đặt phòng, đặt vé máy bay hay vé xem phim... Với các tính năng mới này, khách hàng có thể đặt vé máy bay từ điện thoại, mua vé xem phim trực tuyến, chọn vị trí ngồi trong rạp;, đặt phòng khách sạn, mua sắm online,theo dõi danh mục đầu tư chứng khoán, chuyển tiền qua số điện thoại, thực hiện các loại giao dịch bằng giọng nói, thanh toán hóa đơn qua mã QR... Với BIDV SmartBanking, khách hàng có thể thanh toán hơn 300 loại dịch vụ trong các lĩnh vực: giáo dục, viễn thông, giao thông, điện, nước, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính tiêu dùng, truyền hình, giải trí, mua sắm trực tuyến, đấu thầu… Nhờ vậy, trong năm 2018, số lượng khách hàng sử dụng BIDV SmartBanking tăng mạnh, đạt 1,8 triệu khách hàng.
Cuộc đua giữa các ngân hàng thương mại
Bước vào sân chơi ngân hàng bán lẻ đòi hỏi các ngân hàng phải đặt tâm lý khách hàng làm trung tâm để xây dựng chiến lược riêng biệt, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân của khách hàng. Và quan trọng hơn, cái ngân hàng cần mang đến cho khách hàng là niềm tin, cảm xúc và sự tiện lợi trong từng sản phẩm, dịch vụ.
Cuộc đua giữa các ngân hàng để mang đến dịch vụ tối ưu cho các khách hàng diễn ra sôi động. Tuy mỗi ngân hàng có những chiến lược phát triển rất khác nhau nhưng đều tập trung vào các hoạt động như: mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện dịch vụ…
Trong hoạt động mở rộng mạng lưới giao dịch, các ngân hàng xác định phục vụ tối đa khách hàng mục tiêu cũng như gia tăng độ phủ sóng thương hiệu mà vẫn phải đảm bảo bài toán quản lý chi phí và lợi nhuận. Trong hướng đi này, Argibank tập trung mở rộng đối tượng khách hàng nông thôn, còn LienVietPostBank mở rộng mạng lưới tích hợp với 1.300 phòng giao dịch bưu điện. Riêng BIDV lại tập trung theo các địa bàn trọng điểm với mạng lưới mở rộng. Đến nay, ngân hàng này đã mở rộng với khoảng hơn 1.000 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp cả nước cùng với hơn 56.000 điểm kết nối ATM/POS.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm cũng là một hướng đi quan trọng của các ngân hàng, giúp ngân hàng có thể tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng. Ngoài hai hoạt động cốt lõi là tiền gửi và tín dụng, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, yhanh toán hóa đơn, bảo hiểm cũng được các ngân hàng nghiên cứu và đưa ra nhiều chương trình, chính sách khuyến mãi để thu hút khách hàng. Chỉ tính riêng BIDV hiện nay đang triển khai trên 100 sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân.
Thêm vào đó, việc phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp cũng đang là hướng đi mới dành cho các ngân hàng khi có tới hàng triệu người mong muốn được sử dụng dịch vụ cao cấp của ngân hàng. Dịch vụ dành cho khách hàng ưu tiên của các ngân hàng có thể kể đến như: Techcombank Piority, VP Pank Diamond, MB Private… BIDV cũng cung cấp gói sản phẩm Khách hàng ưu tiên BIDV Premier khá ấn tượng với nhiều ưu đãi và dịch vụ vượt trội như: được hưởng những ưu đãi khi giao dịch; tiện ích đưa đón và phòng chờ hạng sang tại sân bay; tiện ích chăm sóc sức khỏe, chơi golf, ăn uống hay spa.
Cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng là một trong những vấn đề cốt lõi trong xu thế phát triển của các ngân hàng bán lẻ khi cảm xúc, niềm tin của khách hàng trở thành yếu tố then chốt cho việc lựa chọn sử dụng dịch vụ. Trong hoạt động này, một số ngân hàng như Techcombank hay TP Bank đã nắm bắt xu hướng khách hàng để xây dựng đội ngũ nhân viên, giao dịch viên trẻ, năng động và thân thiện. Đối với các ngân hàng quy mô lớn và lâu đời cũng không ngoại lệ khi luôn luôn nỗ lực cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng của mình. BIDV đã trở thành ngân hàng tiên phong thành lập Trung tâm mạng xã hội (SMCC) giúp lắng nghe tất cả thông tin, thảo luận và đặc biệt là những ý kiến của khách hàng trên mạng xã hội liên quan đến ngân hàng; từ đó ngân hàng có thể tìm ra những khúc mắc của khách hàng để cải thiện chất lượng dịch vụ và việc chăm sóc khách hàng ngày một hiệu quả hơn.
Cuộc đua để trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 tại Việt Nam đã và sẽ luôn nóng bỏng. Nhưng cho dù là ngân hàng nào về nhất, thì cuối cùng khách hàng mới là người chiến thắng.
Men&Life
Bình Luận