Ai là CEO của Amazon? Câu trả lời khá dễ dàng; nhưng nếu bạn hỏi ai là CEO của UPS thì câu trả lời sẽ không dễ cho lắm.
Jeff Bezos đã trở thành cái tên quen thuộc, mang đến cho Amazon nhiều sự chú ý miễn phí và giúp công ty này trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhận được sự quan tâm lớn ở tầm quốc tế. Trong khi đó, UPS có lẽ phải chi rất nhiều để chuyển tải những thông điệp của họ nếu muốn có được sự lan tỏa và kết nối cảm xúc như Amazon.
Thương hiệu cá nhân của CEO có ảnh hưởng lớn đối với danh tiếng của một công ty và sau cùng là kết quả tài chính của công ty đó. Theo một nghiên cứu do công ty quan hệ công chúng Weber Shandwick và KRC Research phối hợp thực hiện, các quản trị viên toàn cầu ước tính rằng 44% danh tiếng của một công ty là nhờ vào danh tiếng của CEO. Ngày nay, các quản trị viên cao cấp cũng đồng thời nắm giữ vai trò “trưởng đại sứ thương hiệu”.
Các CEO cũng đại diện cho tầm nhìn của công ty. Công chúng có thể bị mê hoặc bởi những câu chuyện thành công của doanh nghiệp nhưng chỉ có con người mới tạo được cảm giác kết nối chứ không phải sự vật. Các buổi nói chuyện, bài viết thể hiện tư tưởng lãnh đạo, sự xuất hiện tích cực trên truyền thông là cách hiệu quả, giúp tạo dựng hình ảnh tích cực cho nhà điều hành chủ chốt trong tâm trí của những cá nhân, tổ chức có quan hệ với doanh nghiệp.
“Nếu các ngôi sao điện ảnh là dấu hiệu bảo chứng cho chất lượng của một bộ phim sắp ra mắt thì các CEO là cũng là dấu hiệu bảo chứng cho thành tích của một công ty” – tác giả Marc Fetscherin viết trong cuốn sách CEO Branding.
Cho đến tận bây giờ, sự liên tưởng tích cực của nhiều người đối với Apple vẫn gắn kết rất chặt với tầm nhìn sáng tạo do Steve Jobs để lại. Ngày Jobs rời vị trí CEO, cổ phiếu của Apple giảm 3% - tương đương khoảng 10 tỷ USD. Đơn giản là các cổ đông không còn chắc chắn về tương lai của Apple khi không còn nhà lãnh đạo này.
Danh tiếng của một CEO cũng đóng vai trò quan trọng giúp thu hút nhân sự tài năng và động viên họ gắn bó lâu dài với công ty. Ngược lại, tiếng xấu của CEO sẽ làm cho việc tuyển dụng trở nên khó khăn hơn. Nhưng trên thực tế, nhiều CEO khá lúng túng khi nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Sự khiêm tốn làm cho một số người cảm thấy khó khăn khi phải “thể hiện”. Đa số lại không biết bắt đầu từ đâu dù cho họ có mong muốn xây dựng thương hiệu cá nhân.
Tuy nhiên, cũng giống như việc kết giao với đồng nghiệp hoặc tổ chức các cuộc họp với đối tác quan trọng, người điều hành cấp cao phải thực hiện những điều cần thiết, có thể mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất công ty, dù điều đó khiến họ không thoải mái lắm.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ phải trở thành một Richard Branson kế tiếp. Song, bạn cần thực sự quyết tâm và vận dụng tốt các chiến lược để biến một người chuyên đứng sau chỉ đạo thành một biểu tượng trước công chúng. Dưới đây là 5 cách đơn giản, hiệu quả trong số chúng.
1. Cải thiện kết quả tìm kiếm
Sự thật là, chúng ta đang sống trong một thế giới thích tìm kiếm. Nếu bạn vừa nói chuyện với một khách hàng, vừa mới kết giao hoặc trao danh thiếp cho ai đó, nhiều khả năng bạn sẽ được họ tìm kiếm trên Google. Vậy, họ sẽ tìm thấy gì khi tìm kiếm về bạn trên mạng?
Kết quả tìm kiếm cho thấy bạn đang đại diện cho một công ty hàng đầu hay đó chỉ là tập hợp ngẫu nhiên những thông tin không phù hợp hoặc những hình ảnh “quá thật đến mức gây bất lợi” từng xuất hiện từ nhiều năm về trước. Dù cho bạn có đưa ra bao nhiêu danh thiếp đi nữa, phần đông mọi người vẫn bị ảnh hưởng bởi những thông tin mà họ tìm thấy. Trái lại, một sự hiện diện ấn tượng trên kênh trực tuyến sẽ giúp củng cố và lan rộng những trải nghiệm tích cực mà bạn đã tạo được với các đối tác trong môi trường ngoại tuyến.
2. Những bài viết chuyên sâu
Các bài viết dựa trên kiến thức ngành, nắm bắt tốt xu hướng hiện tại và có tầm nhìn sâu, bao quát về những vấn đề hay thách thức tiềm năng là một trong những cách tốt nhất để tăng cường sự tín nhiệm và khẳng định khả năng tư duy lãnh đạo của một nhà điều hành trong lĩnh vực đó.
Dù xuất bản nội dung trên một ấn phẩm nào đó, trên trang blog của công ty hay trang web cá nhân, một nhà lãnh đạo cũng cần tạo cho mình nền tảng để thường xuyên nói về những thành tựu, thách thức và cơ hội mà công ty và ngành của họ đang đối mặt. Với nhiều nhà điều hành, việc tìm đề tài hoặc tìm thời gian để viết là chuyện khó khăn. Một trong những giải pháp là thuê đối tác bên ngoài để giúp họ xây dựng chiến lược nội dung, phát triển ý tưởng và phổ biến nội dung hoàn chỉnh.
3. Giải thưởng và sự tôn vinh
Sự tôn vinh và những giải thưởng quan trọng là một cách tạo dựng thương hiệu, độ khả tín của công ty và đội ngũ lãnh đạo. Đừng quên chia sẻ thông tin trong nội bộ và khuyến khích nhân viên tiếp tục chia sẻ thông tin trong mạng lưới quan hệ của họ. Hãy nhân cơ hội này khẳng định với nhân viên về những đóng góp của họ cho thành tựu của công ty.
4. Xuất hiện trên các phương tiện truyền thông
Sự công nhận của một bên thứ ba luôn mang tính thuyết phục hơn là “tự nói về mình”. Truyền thông là phương tiện giúp bạn tăng sự hiện diện và độ khả tín. Xây dựng mối quan hệ với các biên tập và phóng viên của các ấn phẩm quan trọng – họ sẽ thường xuyên cần đến tầm nhìn chuyên môn của bạn cho những nội dung và cả ý kiến trích dẫn trên truyền thông.
5. Truyền thông xã hội
Đây là một kênh giá trị để liên tục truyền thông thương hiệu của bạn và tương tác với những đối tượng mà bạn quan tâm nhất. Khi sử dụng phối hợp các nền tảng khác nhau như LinkedIn, Facebook…, bạn có thể tiếp cận được nhiều đối tượng, gia tăng độ nhận biết thương hiệu, thu hút các đối tượng tiềm năng. Nhưng mạng xã hội cũng là “con dao hai lưỡi” nếu bạn quá vội vàng thể hiện cảm xúc và những suy nghĩ riêng tư.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Bình Luận