Hơn 10 năm miệt mài với nghệ thuật, 5 năm kể từ bộ phim điện ảnh đầu tay, “Nhà Gia Tiên” đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Huỳnh Lập, phản chiếu rõ nét sự trưởng thành của anh. Dẫu đi xa đến đâu, anh vẫn giữ vững phần hồn, sự chân thành của những ngày đầu chập chững. Qua từng thước phim, anh và cả khán giả không chỉ chạm đến một cõi vô hình, mà còn chiêm nghiệm về hơi thở, ký ức và chất hồn Việt.
“TÔI CHẲNG DÁM NHẬN MÌNH LÀ BẢO CHỨNG CHO DÒNG PHIM TÂM LINH ĐÂU”
Xin chào Huỳnh Lập! Chúc mừng anh đã được vinh danh với giải thưởng “Young Film Director Of The Year” tại Men&life Awards 2024. Nếu dùng một từ để mô tả năm vừa qua của mình anh sẽ chọn từ gì?
Năm 2024 hầu như tôi chỉ tập trung cho điện ảnh. Nếu phải dùng một từ để mô tả quá trình mình đã đầu tư, chắc tôi sẽ chọn “hết sức”.
“Hết sức” ở đây nghĩa là tôi dành hết sức lực, thời gian và kinh phí cho bộ phim “Nhà Gia Tiên”. Tôi cũng tận dụng những khoảng thời gian đáng lẽ nên nghỉ ngơi để làm các sản phẩm mà tôi tin đó làm tiền đề cho năm 2025, khi “Nhà Gia Tiên” chính thức ra mắt.
Mọi người hay gọi anh là “bảo chứng nội dung” cho dòng phim tâm linh, anh có thấy áp lực với danh xưng này không?
Cũng áp lực chứ (cười)! Bởi tôi chỉ đang tưởng tượng thế giới tâm linh, rồi bắt đầu hình ảnh hóa nó lên những sản phẩm. Nhiều người nghĩ rằng Huỳnh Lập đang truyền tải 100% yếu tố tâm linh vào các sản phẩm, nhưng thật ra không phải vậy. Tôi luôn tìm cách biến tấu, điều chỉnh sao cho phù hợp với nhiều đối tượng khán giả nhất. Ví dụ, trong “Ai Chết Giơ Tay”, tất cả những thuật pháp đó đều dựa trên nền tảng gốc và tôi điều chỉnh để làm chúng trở nên thú vị hơn.
Cũng trộm vía, nhiều người thích cái điều đó ở mình, có nghĩa là tần số nghệ thuật của mình và khán giả có sự giống nhau. Còn nếu nói Huỳnh Lập là cái tên bảo chứng cho dòng phim tâm linh thì thú thật, tôi không dám nhận. Cái đó là khán giả thương, khán giả tặng cho mình thôi (cười)!
“VỚI ĐIỆN ẢNH, TÔI HỌC CÁCH NHÌN GẦN HƠN”
Nhìn lại hành trình từ Cười Xuyên Việt hay những ngày còn ở DAMtv đến hiện tại, anh cảm nhận Huỳnh Lập bây giờ đã khác gì so với trước đây?
Thay đổi rất nhiều (cười)! Tôi vẫn chưa có thời gian để ngồi xem lại hết chặng đường mình đã đi qua. Nhưng một lần vô tình lướt TikTok, tôi thấy có những người tổng hợp lại những tấm hình, sản phẩm từ trước của tôi, và lúc đó, tôi mới có dịp nhìn lại ngày xưa. Tôi nhận ra mình non nớt dữ vậy!
10 năm làm nghề, 10 năm trau dồi, một hành trình không quá dài cũng không quá ngắn, nhưng đủ để tôi có từng ngày, từng năm thay đổi, và đến gần hơn với khán giả. Đương nhiên, tôi vẫn phải giữ giá trị cốt lõi của mình, những điều đã khiến khán giả yêu thích từ lúc tôi còn chập chững.
So với trước đây, điều gì đã thay đổi lớn nhất trong cách anh tiếp cận một dự án điện ảnh?
Trước đây, “Pháp Sư Mù” là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Lúc đó tôi muốn làm quá, phải làm cho bằng được. Máu nghề nó hừng hực mà. Nhưng bây giờ, mọi thứ chậm hơn. “Chậm” ở đây là do tôi cần thời gian nghiên cứu, chọn kịch bản phù hợp, và biết mình nên làm gì với kịch bản đó.
Đã 5 năm, tôi quay trở lại con đường điện ảnh, và trong khoảng thời gian đó, tôi đã nghiên cứu và học rất nhiều. Học từ những bộ phim đi trước, học về cách thức vận hành một bộ phim, phát triển kịch bản, xây dựng đường dây câu chuyện. Sau đó, tôi đưa tất cả vào “Nhà Gia Tiên”. Dù thực tế, phim vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng đây chính là tác phẩm phản ánh rõ nhất sự thay đổi của tôi trong suốt 5 năm qua.
Theo anh, sự kết hợp yếu tố tâm linh, tình cảm gia đình và tín ngưỡng thờ cúng có phải là hướng đi bền vững cho anh và cho dòng phim kinh dị Việt Nam không?
Nói về việc phát triển dòng phim kinh dị trong tương lai, có rất nhiều điều để truyền tải. Nhưng thật ra, nó không phải là định hướng riêng của tôi. Nói đúng hơn, bản chất bộ phim “Nhà Gia Tiên” không phải là phim kinh dị, thực chất, đây là một bộ phim tâm linh. Chính xác hơn, đây là một bộ phim ma hài tâm linh.
Tôi chỉ vay mượn yếu tố tâm linh để thổi vào câu chuyện, giúp khán giả có một góc nhìn khác về gia đình. Còn về tương lai của dòng phim kinh dị hay tâm linh tại Việt Nam, tôi nghĩ mỗi nhà làm phim sẽ có cách khai thác khác nhau. Riêng tôi, tôi chọn diễn giải câu chuyện đời sống qua lăng kính tâm linh.
“DÒNG PHIM TÂM LINH VIỆT ĐANG BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN THỊNH HÀNH”
Phản hồi của khán giả về bộ phim “Nhà Gia Tiên” có khiến anh bất ngờ không?
Nếu nói về phản hồi, dĩ nhiên tôi luôn mong chờ những phản hồi tốt chứ (cười)! Một điều khiến tôi bất ngờ nhất là qua bộ phim, khán giả bắt đầu quan tâm hơn đến việc thờ phượng. Nhiều người sau khi xem xong muốn về quê liền để thắp nhang cho ông bà. Ngoài ra, nhiều khán giả đồng cảm với gia đình Mỹ Tiên, và họ đã rủ cha mẹ, ông bà đi xem “Nhà Gia Tiên”, như một cách thay lời muốn nói.
Trong 5 năm qua, phim mang yếu tố tâm linh ở Việt Nam ngày càng được đón nhận, anh có nghĩ đây là giai đoạn hoàng kim của thể loại này không?
Theo góc nhìn của tôi, dòng phim này đang bước vào thời kỳ thịnh hành. Chỉ là thịnh hành thôi, chứ để gọi là “hoàng kim” thì tôi không dám chắc. Vì theo tôi hiểu, “hoàng kim” nghĩa là giai đoạn đỉnh cao nhất, “thịnh hành” chỉ đơn giản là mọi người đang làm nhiều về nó, quan tâm nhiều đến nó.
Còn về lý do vì sao dòng phim này thịnh hành ư? Một phần là do kiểm duyệt bây giờ không còn quá khắt khe, tạo điều kiện để các nhà làm phim sáng tạo. Và quan trọng nhất, người tiếp nhận vẫn là khán giả. Dù phim có kinh dị đến đâu, có cực đoan thế nào, khi soi chiếu lại, khán giả vẫn có thể nhận ra một thông điệp nào đó. Nói chung, nhìn về phía tích cực, dòng phim này sẽ còn phát triển hơn nữa.
HUỲNH LẬP - Đạo diễn, Diễn viên
Các bộ phim điện ảnh đã sản xuất và đạo diễn: Nhà Gia Tiên (2025), Pháp Sư Mù (2019)...
Anh có nghĩ rằng Việt Nam đã định hình được chất riêng trong thể loại này chưa?
Thật ra, nhiều nhà làm phim cũng đang cố gắng mang văn hóa Việt vào các tác phẩm của mình. Làm sao để khi nhìn vào poster, một câu chuyện hay một hình ảnh, người ta có thể nhận ra: “À, đây là phim Việt Nam”. Chẳng hạn, trong phim ảnh nước ngoài, những trường hợp chết sông có thể có những cách gọi khác nhau, nhưng ở Việt Nam, mình gọi đó là “ma da”. Hay ở nước ngoài, không biết họ có căn nhà nào để chuyên thờ phượng ông bà hay không? Nhưng ở Việt Nam, mình có “nhà từ đường”.
Hoặc ở nước ngoài, không biết có căn nhà nào do ông bà nhiều đời trước xây lên rồi truyền lại cho nhiều đời sau ở và giữ gìn, căn nhà đó được gọi là “nhà gia tiên” theo góc nhìn của Lập, và trong căn nhà của gia tiên để lại, nó có đời sống, có quy tắc, có văn hóa gia đình, có đám giỗ một cách rất riêng của Việt Nam.” Tôi sẽ thiên về mô-típ “tâm linh đời sống”. Tâm linh đời sống là một thứ rất gần gũi, không có gì xa vời.
Tôi cảm thấy đây là hướng đi phù hợp với bản thân và cũng là điều khán giả yêu thích. Mục đích khi làm phim tâm linh của tôi không phải để khán giả cảm thấy sợ hãi một cách cực đoan, mà là để họ nhận ra tâm linh vốn dĩ là một phần trong đời sống.
Sau hai bộ phim tạo được tiếng vang, anh có dự định tiếp tục khai thác thể loại tâm linh không, hay đang cân nhắc một hướng đi khác?
Thật ra, nếu nói về một bộ phim không có yếu tố tâm linh, thì tôi cũng đã từng làm rồi. Chẳng hạn như “Cậu Út Cậu Con Cúc”, đó là một bộ phim hài, tình cảm, gia đình, xã hội, hoàn toàn không có yếu tố tâm linh. Trong tương lai, nếu có một kịch bản không mang yếu tố tâm linh nhưng đủ để khiến tôi hứng thú, thì tôi sẵn sàng làm thôi!
Cám ơn những chia sẻ của anh!
Bài: Châm Khanh
Giám đốc Sáng tạo: Henri Hubert
Nhiếp ảnh: Phan Thành Cân
Ánh sáng: Khánh Trần
Địa điểm: Sedona Suites Ho Chi Minh City
Men&life
Bình Luận