Ông Rad Kivette đến từ Bắc Carolina, Hoa Kỳ, người luôn mang trong mình sự thôi thúc mạnh mẽ và khát khao đóng góp, biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Nhiều năm qua, ông đã nỗ lực sử dụng nguồn lực, kỹ năng và kiến thức của mình nhằm cải thiện cuộc sống của những người bị thiệt thòi, yếu thế, dễ bị tổn thương và thường bị lãng quên.
Sau 12 năm làm việc ở cấp quản lý và điều hành tại một tổ chức phi chính phủ quốc tế về phát triển bền vững và cứu trợ khẩn cấp trên khắp thế giới, ông đã quyết định tập trung vào hỗ trợ y tế và giáo dục cho trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam sau chuyến đi đầu tiên đến Đông Nam Á.
Hiện nay, ông đảm nhiệm vai trò là Tổng Giám đốc của VinaCapital Foundation (VCF) và Men&life đã có cuộc trao đổi với ông về sứ mệnh cũng như kết quả hoạt động của tổ chức này tại Việt Nam trong thời gian qua.
Một bệnh nhi ung thư được ông rad kivette thăm và tặng quà
Chào ông, vì sao ông quyết định chọn làm việc tại VCF?
Tôi đã làm việc cho VCF tại Hà Nội với tư cách là cố vấn trong 2 năm và trở thành nhân viên chính thức tại đây vào năm 2010. Tôi giữ cương vị Tổng Giám đốc trong 4 năm qua. Lý do tôi chọn làm việc tại đây là bởi vì sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên, các chương trình hoạt động phù hợp với tâm huyết của tôi, tính minh bạch tài chính, quản lý dự án dựa trên kết quả, thiết kế chương trình dựa trên dữ liệu, đo lường và đánh giá, tính đa dạng và sự cam kết của cấp hội đồng quản trị.
Ông có thể chia sẻ đôi nét về VCF?
Được thành lập năm 2006, VCF là một tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký tại Mỹ và hoạt động tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế, trao quyền cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình y tế và giáo dục. Các hoạt động của VCF giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Việt trên khắp 63 tỉnh thành mỗi năm.
Hiện nay, sau 16 năm, VCF có đội ngũ 22 cán bộ tận tâm và hiểu biết, 77% trong số đó là phụ nữ, có 1 người chuyển giới và 2 người thuộc dân tộc thiểu số. Phụ nữ chiếm hơn 70% các cấp quản lý. Phương châm của chúng tôi là Văn hóa quan tâm, đại diện cho thái độ của nhân viên đối với tất cả các mối quan hệ, bắt đầu từ nơi làm việc, ban giám đốc, những người thụ hưởng, các nhà tài trợ, các đối tác và chính phủ Việt Nam.
Chúng tôi minh bạch trên mọi phương diện và cùng nhau thực hiện sứ mệnh của mình. Chính phủ Việt Nam là đối tác của chúng tôi trong mọi chương trình. VCF là một tổ chức từ thiện đăng ký tại Hoa Kỳ, chỉ hoạt động tại Việt Nam và được kiểm toán quốc tế hàng năm bởi một tổ chức dịch vụ tài chính quốc tế, và chia sẻ công khai trên trang web của chúng tôi. 100% những nguồn tài trợ tới VCF đều được sử dụng để thực hiện các chương trình của chúng tôi.
Ông Rad Kivette chụp ảnh cùng một em nhỏ tại một sự kiện của VCF
Trong lĩnh vực giáo dục, VCF được biết đến với chương trình Brighter Path - Mở đường đến tương lai, ông có thể chia sẻ với độc giả về chương trình này?
Brighter Path - Mở đường đến tương lai là tên gọi và cũng chính là sứ mệnh của chương trình, nhằm mang lại hy vọng và tương lai tươi sáng hơn cho nhóm người yếu thế nhất ở Việt Nam. Đó là những trẻ em gái người dân tộc thiểu số đang phải chịu đựng những hủ tục lạc hậu, những định kiến của xã hội trọng nam khinh nữ. Các em là nạn nhân của nạn tảo hôn, nạn buôn bán người, mang thai ở tuổi vị thành niên. Đây là ví dụ điển hình nhất trong các phương pháp tiếp cận khoa học của VCF nhằm thay đổi các hủ tục, định kiến xã hội lạc hậu không còn được chấp nhận trong thời đại văn minh nhưng vẫn tồn tại dai dẳng suốt bao thế hệ.
Chương trình này đã có những hoạt động cụ thể và hiệu quả đạt được như thế nào, thưa ông?
Chương trình đã chọn ra những nữ sinh người dân tộc thiểu số sáng giá nhất để trao học bổng 7 năm với chương trình đào tạo phát triển cá nhân một cách toàn diện nhất, nhằm đảm bảo cho các bạn một tương lai tươi sáng, đồng thời khuyến khích các bạn chung tay thay đổi cuộc sống của cộng đồng nơi mình đang sinh sống.
Kể từ khi chương trình được triển khai vào năm 2010, đến nay, 78 nữ sinh dân tộc thiểu số nhận học bổng đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng; có công việc ổn định hoặc đang xây dựng gia đình của mình. Trong đó, có 4 nữ sinh tốt nghiệp đại học Y và trở thành bác sĩ. Hiện tại, chương trình đang hỗ trợ cho 49 nữ sinh khác học đại học và theo đuổi ước mơ của mình.
Ông Rad Kivette trao học bổng cho các em nữ sinh dân tộc thiểu số
Bên cạnh đó, dự án thí điểm mô hình Câu lạc bộ Nữ sinh Mở đường đến tương lại đã mang lại những cải thiện đáng kể về kiến thức và nhận thức của các thành viên. Sau 2 năm, số lượng câu lạc bộ tăng từ 2 lên 17 và số lượng thành viên tăng từ 60 nữ sinh ở 2 trường thí điểm lên 680 nữ sinh ở 17 trường trung học phổ thông. Dự án thí điểm cho thấy 97% thành viên câu lạc bộ có ý thức đầy đủ về quyền được đi học và phát triển cá nhân, trong khi tỷ lệ này là 0% trước khi tham gia câu lạc bộ. Bên cạnh đó, 96,6% các thành viên hiện đã hiểu rõ về giai đoạn dậy thì và phát triển ở tuổi vị thành niên và gần 90% hiểu rằng tảo hôn chính là rào cản cho việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và sinh kế.
Ông Rad Kivette và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'hen Niê cùng các em học sinh bên hệ thống lọc nước do VCF lắp đặt
Ông nhận xét gì về tình hình cải thiện bình đẳng giới đối với phụ nữ ở Việt Nam?
Tất cả các phép đo về bình đẳng kinh tế, chính trị và xã hội tại Việt Nam đang được cải thiện. Ví dụ như tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã tăng từ 37,9% năm 2017 lên 43% năm 2019. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, hơn 30% Đại biểu Quốc hội là phụ nữ, điều này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 51 trên thế giới và thứ 4 ở châu Á về tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội. Tỷ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có vị trí lãnh đạo chủ chốt (bao gồm bộ trưởng/thứ trưởng) là nữ tháng 12 năm 2020 đạt 40%, trong đó tỷ lệ này ở các Bộ là 38,9%. Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực ASEAN cả về số lượng phụ nữ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và số lượng phụ nữ tham gia HĐQT của các công ty được niêm yết công khai.
Nhưng mặt khác, có 2 trong 3 phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất 1 lần trong đời và gần 1 trong 3 phụ nữ từng bị bạo lực trong 12 tháng qua do chồng hoặc bạn tình gây ra (UN Women 2021). Hơn 11% tổng số phụ nữ từng bị quấy rối và lạm dụng ở nơi làm việc, trường học hoặc nơi công cộng.
Vì vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Điều đáng mừng là Việt Nam đã có luật Bình đẳng giới và tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện khi quyền của phụ nữ được chính phủ ưu tiên hàng đầu. Năm 2021, chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, những cam kết về bình đẳng rất cụ thể và khả thi. Tại VCF, chúng tôi thấy rằng vẫn còn rất nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ xã hội và bình đẳng giới. Do đó, Câu lạc bộ Nữ sinh là một giải pháp cần thiết giúp xóa bỏ những cộng đồng còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ này và đem đến một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Men&life
Bình Luận