Không chỉ được công chúng biết đến như là một gương mặt tài năng trong lĩnh vực chính luận của đài truyền hình HTV, biên tập viên Võ Huỳnh Tấn Tài còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đam mê truyền hình trong vai trò là một người thầy tận tụy, một nhà sản xuất gameshow truyền hình mang tính khoa giáo và sáng tạo cao.
Dưới đây là những chia sẻ thú vị của anh với độc giả Men&life.
TÔI LÀ NGƯỜI QUYẾT LIỆT VÀ THẲNG THẮN
Câu nói miêu tả rõ nhất về con người anh?
Đó là sự quyết liệt và thẳng thắn. Khi đã quyết định làm việc gì thì dù ở vai trò nào là MC, biên tập viên, nhà sản xuất hay một người lãnh đạo tôi cũng luôn nỗ lực đi đến tận cùng mục tiêu mình đặt ra. Và trong sự quyết liệt thì luôn có sự thẳng thắn. Thông thường người ta sẽ thích nghe những lời ngọt ngào, vì vậy sự thẳng thắn như một màng lọc giúp tôi có thể tìm thấy được những mối quan hệ bền vững, chân thật dù đó là mối quan hệ với bạn bè, cấp trên, cấp dưới hay đối tác…
Anh đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức dành cho các bạn trẻ muốn theo lĩnh vực truyền hình hiện nay?
Báo hình truyền thống và báo in ngày càng giảm sút, ít được sự quan tâm của công chúng, các bạn trẻ ngày nay cũng dành sự quan tâm chủ yếu đến lĩnh vực báo chí trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật số. Vì thế, trong thời điểm này nếu có những bạn còn tìm đến với truyền hình thì rất đáng trân trọng, tuy nhiên lại có rất ít các bạn trẻ hiểu sâu về lĩnh vực này.
Nếu báo hình truyền thông thường bó hẹp trong sự khuôn mẫu, nó giống như “những rào cản vô hình” khiến các bạn trẻ cảm thấy bị hạn chế khả năng sáng tạo thì các sản phẩm truyền hình dựa trên nền tảng mạng xã hội lại đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và lan truyền nhanh hơn... Vì thế, nếu cứ chạy theo những cách làm truyền thống sẽ mất đi phần lớn lượng khán giả, còn nếu chạy theo mạng xã hội thì lại mất đi độ tin cậy của truyền hình. Có quá ít phóng viên biết tận dụng mạng xã hội để lan tỏa sản phẩm của họ, và không nhiều phóng viên biết khai thác các vấn đề trên mạng xã hội cho lĩnh vực truyền hình truyền thống.
Tôi may mắn là người chứng kiến sự chuyển giao giữa 2 xu thế này nên hiểu được những điểm mạnh và điểm yếu của từng loại hình và từ đó có thể thay đổi bản thân, cân bằng thích nghi với sự phát triển báo chí truyền thống lẫn xu thế hiện đại để phục vụ cho nhiều nhóm đối tượng khán giả khác nhau.
NGƯỜI TRẺ KHÔNG NÊN ĐỂ “CÁI TÔI” QUÁ LỚN
Với những thử thách lớn như vậy thì các bạn trẻ cần trang bị cho mình kĩ năng gì để có thể làm tốt vai trò của mình trong lĩnh vực truyền hình?
Các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội. Như thời của tôi khi bước vào lĩnh vực truyền hình thì chỉ tập trung làm nghề. Người MC muốn công chúng biết đến mình thì chỉ có cách xuất hiện trên truyền hình và phải khẳng định mình bằng sản phẩm cụ thể. Còn bây giờ các bạn chỉ cần xuất hiện trong một livestream hay một bài review trên các kênh mạng xã hội là qua một đêm đã có thể nổi tiếng rồi. Bên cạnh đó, cơ hội học hỏi các kỹ năng nghề cũng thuận lợi hơn nhờ các tài liệu đều sẵn có trên mạng internet.
Tuy nhiên, chính điều này cũng là một thử thách khiến các bạn khó có thể chọn cho mình một con đường đi đúng giữa đầy rẫy những cơ hội, cám dỗ. Trong các lớp đào tạo, tôi luôn hỏi các học trò của mình về ước mơ hay mục tiêu của cuộc đời họ, nhưng thực tế thì nhiều bạn không biết ước mơ của mình là gì. Chính vì vậy, cần có một người định hướng tốt giúp các bạn xác định được bạn là ai? Đâu là sở trường hay đam mê của các bạn? Khả năng của bạn tới đâu? Bạn cần bổ trợ thêm yếu tố gì? Làm cách nào để các bạn kiên định với con đường mình lựa chọn?... Các bạn cần phải lắng nghe chính mình và phải tìm hiểu, học hỏi sâu hơn.
Bài học đáng nhớ nào trong quá trình làm nghề mà anh muốn chia sẻ với các bạn trẻ?
Các bạn có thể hình dung nghề MC tức nghề đi bán giọng nói hay nghề phóng viên cũng giống như những người lao động khác, đầu tiên mình phải đáp ứng được yêu cầu và tạo được giá trị cho người sử dụng sức lao động của mình. Đặc biệt đừng để cái tôi của mình quá lớn.
Ngày mới vào nghề được khoảng 5 năm, lúc đó tôi đã có chút kinh nghiệm và mối quan hệ nên “cái tôi” khá lớn. Tôi tham vọng làm nhiều thứ hay ho nhưng những gì mình muốn làm lại chưa thật sự là những gì mà cả tập thể hay tổ chức mong muốn. Cứ thế, loay hoay mãi 3-4 năm tôi vẫn không có được thành tựu gì. Sau một thời gian tôi nhận ra mình cần phải thay đổi, cần bớt cái tôi lại. Trước hết mình phải hoàn thành tốt công việc theo những yêu cầu của tổ chức, sau đó mới tính đến những mong muốn của cá nhân mình. Cần có sự uyển chuyển và dung hòa giữa 2 yếu tố này. Tôi nghĩ “cái tôi” quá lớn là một trong những yếu tố mà nhiều người trẻ bây giờ hay mắc phải.
Nếu không theo nghề phóng viên, biên tập viên, nhà sản xuất truyền hình thì anh sẽ làm nghề gì?
Tôi sẽ đi dạy và làm một nhà giáo trong ngành khoa học xã hội. Thực ra trong quá trình theo đuổi lĩnh vực truyền hình có giai đoạn gặp khó khăn tôi đã định về ĐH Cần Thơ để dạy. Nhưng cuối cùng tôi vẫn kiên trì và đạt được thành quả ngày hôm nay.
Đi dạy rất thú vị, ngoài kinh nghiệm cá nhân thì mỗi ngày mình luôn phải trau dồi rất nhiều kiến thức, nâng cao trình độ bản thân. Khi tôi đi dạy và góp ý cho một học trò của mình thì cũng là lúc tôi đang được học hỏi. Có những quan điểm mình bảo thủ giữ khư khư trong nhiều năm nhưng khi lắng nghe học trò mình chia sẻ thì mình lại vỡ ra và mình lại thay đổi rất tích cực. (Cười)
Nếu được mở kênh riêng cho mình, anh sẽ mở kênh như thế nào?
Đó là kênh thiên về khoa giáo. Hơn 10 năm làm nghề, ngoài kinh nghiệm truyền hình thì tôi còn xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội tốt. Đồng thời, tôi có thể thoải mái tận hưởng những gì mình làm, đầu tư xây dựng format chương trình mới, chăm lo được cho nhiều người. Bên cạnh đó, xuất thân của những người làm tin tức khi họ đưa ra những câu chuyện thiên về khoa giáo thì sẽ dễ đi vào lòng người. Ví dụ, format chương trình “Gương mặt truyền hình” mà tôi đã thực hiện có tính khoa giáo rất cao, có đào tạo và thử thách kỹ năng cho các bạn trẻ muốn trở thành một MC truyền hình chuyên nghiệp chứ không phải chỉ chuyện thi thố, thắng thua. Và bất kể thí sinh nào tham gia chương trình, dù được giải hay không thì họ đều được lợi.
Và dự định sắp tới của anh là gì?
Đó cũng là thực hiện một chương trình mang tính khoa giáo. Thự ra, dự án này tôi đã làm từ đầu năm, đã quay xong hết và đang trong giai đoạn hậu kỳ chờ ngày công bố, đó là talkshow “Người cùng tên”. Format chương trình là chúng tôi sẽ mời những người cùng tên trong nhiều lĩnh vực, họ đến gặp gỡ và chia sẻ về ý nghĩa cái tên của mình. Tôi tin chắc rằng nếu như mỗi người đều hiểu được ý nghĩa của cái tên mình, cũng như hiểu được kỳ vọng, mong muốn mà cha mẹ đặt cho lúc sinh ra đời… thì họ sẽ sống tốt, sống đẹp với cái tên đó.
Một ngày anh dành bao nhiêu thời gian cho công việc?
Tôi không quy định là mình sẽ làm việc 8 tiếng hay 12 tiếng mà cứ hoàn thành hết những việc cần làm thì nghỉ ngơi. Ví dụ một ngày tôi sẽ có danh sách những công việc cần phải hoàn thành, chừng nào hoàn thành hết thì tôi sẽ ngưng.
Anh thường ngủ lúc mấy giờ và ngủ được mấy tiếng/ngày?
Thường tôi đi ngủ sau 23h và ngủ 5 tiếng mỗi ngày
HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC LÀM ĐIỀU MÌNH YÊU THÍCH
Làm nhiều việc như thế thì điều gì khiến anh hạnh phúc?
Mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Có người cho rằng nếu có được một tình yêu hay sự nghiệp mỹ mãn, có nhiều tiền… là hạnh phúc. Nhưng với tôi, hạnh phúc lớn nhất là được làm điều mà mình đam mê. Mỗi ngày tôi thức dậy và được làm công việc thật sự yêu thích, đủ nuôi sống mình, đủ giúp cho mình phát triển và luôn giữ được nguồn cảm hứng sống, đó chính là hạnh phúc. Thậm chí có những lời mời làm việc rất hấp dẫn và nhàn hạ nhưng tôi lại không chọn lựa bởi khi làm đúng điều mình mong muốn thì dù có vất vả mình vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Anh làm gì để đối phó với stress?
Sử dụng thời gian của mình một cách hợp lý và khoa học, phân bổ giờ nào việc nấy, làm những việc quan trọng một cách dứt khoát. Tôi cũng có thói quen không mang công việc về nhà. Khi đã về nhà là hoàn toàn nghỉ ngơi. Ngoài ra, đọc sách, đi du lịch và tập luyện thể thao đều đặn là cách giúp mình cân bằng cuộc sống rất hữu hiệu.
Môn thể thao mà anh yêu thích nhất?
Bơi lội.
Anh ghét món ăn gì nhất?
(Cười) Tôi chưa ghét ăn món nào cả và rất thích các món ăn làm từ tinh bột. Bạn bè hay gọi tôi là “Hoàng tử tinh bột”.
Anh bắt đầu yêu khi nào?
Chính thức yêu say đắm là năm 32 tuổi.
Đã bao giờ anh bị thất tình chưa?
Chưa bao giờ.
Chân dung mẫu người yêu lý tưởng của anh là như thế nào?
Không muốn tiết lộ (Cười)
Nếu bị người khác ức hiếp anh sẽ làm gì?
Sẽ tự tìm lại cho mình cảm giác quân bình, không có ý định phản kháng, sẽ nhận nhịn và lùi một bước.
Câu khen ngợi nào mà anh thích nhất?
“Khả năng đứng độc lập trong mọi tình huống”.
Đó chính là lời động viên tốt nhất từ một người bạn. Người bạn này đã rất hiểu tôi về nhiều mặt từ năng lực, mối quan hệ, sự phát triển độc lập, quân bình mọi thứ.
Câu chê bai của người khác khiến anh buồn nhất?
“Cứ nỗ lực đi rồi cuối cùng thì mình được cái gì?”.
Đây là câu khiến tôi tổn thương nhất, tổn thương về mọi mặt. Cái mình làm là để cho chính bản thân mình, mình cảm thấy ý nghĩa, thấy giá trị và thấy vui chứ đâu phải để thể hiện cho người khác nhìn thấy.
Trong mắt phụ huynh thì anh là người như thế nào?
Ngoan ngoãn, an toàn và là niềm động viên cho gia đình.
Còn trong mắt học trò của anh?
Là một người cực kỳ khó tính và thậm chí rất là khó tìm được những học trò để họ hiểu được mình mà không sợ mình.
Ước mơ ngay lúc này của anh là gì?
Có thêm thời gian, có thêm sức khỏe, có thêm động lực để có thể triển khai những ý tưởng trong đầu mình thành hiện thực.
Làm sao để chinh phục được trái tim của Võ Huỳnh Tấn Tài?
Người đó phải làm cho tôi cảm nhận được từ họ sự chân thành. Tuy nhiên để cảm nhận được sự chân thành của một người thì thật sự khó. Tôi phải cảm nhận được từ nội tại
|
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Men&life
Bình Luận