Không chỉ là một đạo diễn tài năng, ghi dấu ấn trong làng điện ảnh Việt bằng những tác phẩm giàu cảm xúc và phong cách kể chuyện tinh tế, sáng tạo, Trịnh Đình Lê Minh còn là một giảng viên tận tâm, người truyền cảm hứng và tri thức cho thế hệ trẻ trên hành trình khám phá môn nghệ thuật thứ bảy.
Hành trình nghệ thuật của anh được định hình qua loạt tác phẩm đa dạng về thể loại và đặc sắc về nội dung. Từ những bộ phim tài liệu và phim ngắn đầu tay như “Chung cư của tôi,” “Ngọn gió về đâu,” “The Scent of Fish Sauce” - nơi anh tái hiện những câu chuyện đời thường qua lăng kính tinh tế, đến các bộ phim điện ảnh như “Thưa mẹ con đi” (2019) - một lát cắt dịu dàng về tình yêu và gia đình, “Bằng chứng vô hình” (2020) - đầy kịch tính và cuốn hút. Đặc biệt, năm 2024, cái tên Trịnh Đình Lê Minh một lần nữa gây chú ý trên truyền thông với tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình” - bộ phim không chỉ chạm đến trái tim mà còn ghi dấu sâu đậm trong lòng khán giả qua câu chuyện tình yêu sâu lắng, giàu cảm xúc.
Bên cạnh sự nghiệp đạo diễn, Trịnh Đình Lê Minh còn gắn bó với vai trò giảng viên tại Đại học Fulbright, nơi anh không ngừng truyền cảm hứng và dẫn dắt thế hệ trẻ trong lĩnh vực Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông.
Dù những ngày cuối năm bận rộn, anh vẫn dành thời gian để chia sẻ cùng Men&life những câu chuyện thú vị về nghệ thuật, công việc giảng dạy và những dự định của mình trong năm mới.
Chào anh, năm 2025 sắp đến rồi, nhìn lại một năm qua của mình, điều gì khiến anh hài lòng nhất? Điều gì còn chưa trọn vẹn và muốn hoàn thành tiếp?
Năm 2024 là một hành trình nhiều cảm xúc đối với tôi. Điều khiến tôi hài lòng nhất có lẽ là việc hoàn thành bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình”. Bộ phim này không chỉ là dự án tôi đóng vai trò đạo diễn, mà còn là cơ hội để tôi chia sẻ những cảm xúc, góc nhìn về tình yêu, tình bạn, ký ức đến với khán giả.
Điều chưa trọn vẹn cũng nằm ở bộ phim, bởi tôi luôn muốn bộ phim có độ phủ tới khán giả nhiều hơn nữa. Tôi cũng tự an ủi vì tin rằng sau nhiều năm nữa, “Ngày xưa có một chuyện tình” vẫn là một bộ phim để lại nhiều thương nhớ trong lòng khán giả.
Có sự giống và khác nhau giữa công việc làm phim và giảng dạy của anh hay không?
Cả hai công việc này của tôi đều yêu cầu sự sáng tạo và khả năng truyền đạt câu chuyện. Khi làm phim, tôi kể câu chuyện qua hình ảnh và cảm xúc, còn khi giảng dạy, tôi truyền tải kinh nghiệm và cảm hứng để giúp sinh viên tìm thấy tiếng nói riêng của họ. Một điểm chung nữa là dù làm việc với ê-kíp trên trường quay hay hướng dẫn sinh viên trong lớp học thì đều dựa vào sự cộng tác.
Tuy nhiên, mục tiêu của hai vai trò lại rất khác nhau. Trong khi làm phim tập trung vào việc tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh để khán giả thưởng thức, thì giảng dạy là hành trình đồng hành cùng sinh viên, giúp họ phát triển kỹ năng và tư duy lâu dài. Làm phim có thể mất nhiều năm, còn giảng dạy là một quá trình liên tục, mỗi ngày đều mang lại cho tôi những trải nghiệm mới.
Vậy anh thích vai trò nào hơn, giảng viên hay đạo diễn phim?
(Cười) Thật khó để chọn! Là đạo diễn, tôi có cơ hội kể những câu chuyện riêng, đặt dấu ấn cá nhân vào mỗi tác phẩm. Nhưng giảng dạy lại cho tôi niềm vui khi nhìn thấy các bạn trẻ trưởng thành và tiến bộ, đặc biệt là khi họ biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực.
Tôi nghĩ hai vai trò này bổ sung cho nhau. Giảng dạy giúp tôi duy trì góc nhìn mới mẻ, còn làm phim lại là nguồn cảm hứng để chia sẻ với sinh viên. Hiện tại, tôi thấy mình cân bằng được cả hai và may mắn vì có cơ hội làm những công việc mình yêu thích.
Từng hoàn thành Thạc sĩ Mỹ thuật, chuyên ngành Sản xuất phim của University of Texas at Austin (USA), anh nhận xét gì về môi trường đào tạo ngành này tại Việt Nam và tại Mỹ?
Thời gian học về điện ảnh ở nước ngoài, tôi nhận thấy các thầy cô của mình gợi mở và cố gắng tạo điều kiện để sinh viên phát huy được tiếng nói, giọng kể của mình. Lớp học có những sinh viên đến từ nhiều nơi khác nhau, với nhiều quan điểm khác nhau về nghệ thuật và làm phim. Trong môi trường đó, sinh viên được va chạm với và thử thách để từng bước xây dựng phong cách mà mình đang theo đuổi.
Với cá nhân anh, khi giảng dạy cho sinh viên của mình, điều anh muốn truyền đạt nhất cho họ là gì?
Học hỏi từ các thầy cô của mình, khi giảng dạy, điều tôi muốn truyền đạt nhất cho sinh viên không chỉ là kỹ năng làm phim, mà còn là cách nhìn nhận điện ảnh như vừa có tính riêng tư, vừa có tính kết nối với xã hội.
Tôi luôn nhấn mạnh rằng, làm phim không chỉ là kể một câu chuyện hay, mà còn là hành trình tìm ra và thể hiện được tiếng nói riêng của mình. Quan trọng hơn, tôi muốn các bạn hiểu rằng, thành công không đến từ sự hoàn hảo, mà từ sự dấn thân, từ những lần thử và sai, và từ việc không ngừng học hỏi.
Ở “Thưa mẹ con đi” và “Ngày xưa có một chuyện tình”, các nhân vật chính rất đẹp, cao thượng, vị tha… Nhưng trong quá trình trưởng thành, để được tự do trong hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, họ thường phải đối mặt với những thách thức, định kiến, áp lực... từ phía bên ngoài (nạn nhân của hoàn cảnh), chứ không phải trả giá cho sai lầm của lựa chọn cá nhân (nạn nhân của chính mình), nhưng cuối cùng lòng vị tha đã đưa đến những cái kết có hậu… Vậy hành trình trưởng thành của Trịnh Đình Lê Minh đã diễn ra như thế nào? Anh chịu áp lực từ phía ngoài, hay có phải trả giá cho sai lầm của bản thân, cái nào nhiều hơn?
Tôi nhận ra sau tất cả, chúng ta đều là những con người với tất cả điểm tốt, và cả những điểm xấu: ganh tỵ, nhỏ nhen, hờ hững… Tôi cũng thường thất vọng về chính bản thân mình vì trong nhiều hoàn cảnh, tôi đã không hoàn hảo. Nhưng rồi, tôi hiểu rằng điều quan trọng không phải là che giấu hay phủ nhận những khuyết điểm đó, mà là việc nhận ra, chấp nhận chúng như một phần tự nhiên của bản thân. Chính sự chấp nhận này giúp tôi vượt qua nỗi thất vọng và từng bước hoàn thiện chính mình. Và ở tận cùng của hành trình ấy, tôi tìm thấy sự chân thành và lòng vị tha - với bản thân và với người khác.
Còn xét về góc độ làm phim, từ những bộ phim đầu tay như phim tài liệu và phim ngắn “Chung cư của tôi”, “Ngọn gió về đâu”, “The Scent of Fish Sauce”, đến phim điện ảnh như “Thưa mẹ con đi”, “Bằng chứng vô hình” và “Ngày xưa có một chuyện tình”, sự trưởng thành của anh thể hiện như thế nào?
Những bộ phim trong giai đoạn đi học luôn là cơ hội để tôi khám phá về đề tài, thể loại, và phong cách làm phim. Đó không chỉ là hành trình trưởng thành về mặt kỹ thuật, mà còn là sự phát triển về mặt con người. Sau mỗi bộ phim, tôi cảm nhận rõ ràng mình đã tiến bộ hơn, không còn rụt rè khi đảm nhận vai trò “đầu tàu”, người kết nối hàng chục thành viên trong một dự án bài tập nhỏ, hay thậm chí hàng trăm con người trên một trường quay chuyên nghiệp.
Tôi dần hiểu rõ hơn về những điều mình đang hướng tới và có đủ sự tự tin để truyền đạt ý tưởng của mình đến với ê-kíp. Quá trình làm phim không chỉ là công việc, mà còn là niềm vui khi chứng kiến các yếu tố sáng tạo - từ hình ảnh, cho đến diễn xuất - cộng hưởng với nhau để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Đây chính là những trải nghiệm giúp tôi nhận ra rằng, trưởng thành không chỉ đến từ việc làm chủ kỹ thuật, mà còn từ việc học cách lắng nghe, giao tiếp và truyền cảm hứng cho những người đồng hành cùng mình.
Doanh thu và các giải thưởng của bộ phim có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Anh đánh giá như thế nào là một bộ phim thành công?
Đối với tôi, doanh thu hay giải thưởng là một thước đo về mặt con số, quan trọng nhưng không là yếu tố duy nhất. Cuối cùng, một bộ phim thành công là khi nó có thể ở lại trong lòng khán giả, khi câu chuyện và cảm xúc mà bộ phim mang lại vẫn còn nguyên giá trị, không hề phai mờ theo thời gian. Một bộ phim thực sự thành công là bộ phim mà sau 10 năm, hay thậm chí hàng chục năm sau, người xem vẫn cảm thấy nó mới mẻ, hay ho và đáng nhớ.
Anh thường được đồng nghiệp và mọi người nhắc đến với hình ảnh một đạo diễn hiền lành, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, “chưa bao giờ nổi giận với diễn viên”... Làm cách nào anh giữ được sự điềm tĩnh như vậy? Điều gì có thể khiến anh nổi giận?
Diễn viên luôn là những người rất nhạy cảm. Tôi muốn dành cho họ sự tôn trọng tuyệt đối và tạo ra một không gian khiến họ hoàn toàn thả mình vào vai diễn. Vì vậy, tôi hiếm khi to tiếng trên trường quay.
Điều khiến khiến tôi nổi giận chỉ có thể là khi diễn viên hay bất kỳ ai bước vào trường quay mà thiếu sự chuẩn bị, hời hợt và cẩu thả.
Một ngày của đạo diễn, giảng viên như anh diễn ra như thế nào?
Tôi thường thức dậy sớm, chăm sóc mèo rồi pha một ly cappuccino và ăn sáng. Sau đó tôi sẽ dọn sơ nhà cửa và bắt đầu làm việc. Vào buổi chiều, tôi sẽ đến phòng tập. Hiện tại, tôi mất thói quen chuẩn bị bữa tối cho chính mình, thường chỉ nấu khi có bạn bè.
Khi đi quay phim, lịch trình của tôi đơn giản hơn, chỉ thức dậy, kịp pha cà phê cho vào bình giữ nhiệt và lên xe đến trường quay. Kết thúc một ngày, tôi cũng chỉ kịp tắm rửa rồi nhanh chóng đi ngủ để giữ sức cho ngày quay tiếp theo.
Ngoài công việc giảng dạy và làm phim thì thú vui đời thường của anh là gì?
Tôi thích chăm sóc mèo và dành thời cho bản thân như tận hưởng và khám phá thức ăn ngon, tập thể dục, xem phim và đọc sách.
Anh từng xuất bản 2 cuốn sách “Khi đạo diễn trẻ già dặn” và “10 bí quyết hình ảnh” (NXB Văn hóa Sài Gòn), anh có dự định ra mắt thêm cuốn sách nào nữa không? Nếu có anh sẽ viết về đề tài gì?
Khi đạo diễn trẻ già dặn đã ra mắt cách đây 15 năm, thế hệ đạo diễn trong sách đã trở thành những đàn anh. Vì vậy, tôi dự định sẽ làm phần 2 của cuốn sách này, tập trung vào thế hệ tiếp theo của điện ảnh Việt Nam, những người đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường phim thương mại trong nước hay vươn ra các liên hoan phim quốc tế. Tôi hy vọng phần 2 này sẽ tiếp tục là một tài liệu quý giá cho những nhà làm phim trẻ và những ai yêu thích và quan tâm đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Anh có những dự định trong năm mới 2025 hoặc thời gian tới?
Trong năm 2025, tôi sẽ tập trung vào công việc sản xuất các bộ phim của những đạo diễn phim đầu tay, bao gồm cả phim thương mại, độc lập và tài liệu. Bên cạnh đó, tôi đang phát triển một dự án phim dài có phần táo bạo hơn so với những tác phẩm trước đây của mình. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của một nhóm chàng trai với số phận đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại. Tôi muốn khai thác sâu hơn những mảng tối và sáng trong hành trình của họ, từ đó phản ánh thời đại quay cuồng mà chúng ta đang sống.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh, chúc cho những dự án sắp tới của anh sẽ thành công như ý!
QUOTE:
“Những trải nghiệm làm phim giúp tôi nhận ra rằng, trưởng thành không chỉ đến từ việc làm chủ kỹ thuật, mà còn từ việc học cách lắng nghe, giao tiếp và truyền cảm hứng cho những người đồng hành cùng mình.”
“Làm phim không chỉ là kể một câu chuyện hay mà còn là hành trình tìm ra và thể hiện được tiếng nói riêng của mình. Thành công không đến từ sự hoàn hảo, mà từ sự dấn thân, từ những lần thử và sai, và từ việc không ngừng học hỏi.”
CÂU HỎI NHANH:
1. Câu nói anh thích nhất?
“The most important thing is to enjoy your life - to be happy - it’s all that matters.” - Steve Jobs.
2. Con vật thể hiện rõ nhất con người anh?
Mèo, vì nó độc lập nhưng vẫn nương tựa.
3. Đạo diễn mà anh yêu thích?
Lý An.
4. Điều gì khiến anh hạnh phúc?
Khi cảm xúc thực sự rung động.
5. Cuốn sách yêu thích nhất?
Suối nguồn.
6. 3 từ tự miêu tả chân dung của mình?
Chân thành, nhạy cảm và bình tĩnh.
7. Nghệ sĩ hoặc nhà làm phim mà anh muốn hợp tác?
Ocean Vương
8. Ước muốn cho năm 2025?
Đến những vùng đất chưa đặt chân đến.
Men&life
Bình Luận