Văn hóa xếp hàng là cách giữ trật tự theo hàng, lối và sẵn lòng nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ... Văn hóa này không mới khi chúng ta làm rất tốt từ thời bao cấp và trong thời kỳ kinh tế thị trường mở cửa vẫn cần phát huy.
Giáo dục là giải pháp quan trọng để hình thành văn hóa, thói quen xếp hàng.
Thế nhưng thực tế cho thấy, việc xô đẩy, chen ngang trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn là thói quen xấu của không ít người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Để thay đổi hành vi xấu đó, giáo dục là biện pháp quan trọng hàng đầu được nhiều người đề cập khi trao đổi với phóng viên Báo Hà nội mới.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Đẩy mạnh giáo dục để hình thành thói quen tốt
Theo tôi, thói quen chen lấn, xô đẩy, chen ngang khi xếp hàng của người dân Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nó xuất phát từ một xã hội nông nghiệp, ai cũng muốn tranh hơn về lợi ích. Thứ hai, do yếu tố lịch sử của thời kỳ chiến tranh để lại. Trong chiến tranh, nếu ai không nhanh sẽ gặp rủi ro. Vì các thói quen đó nên trong xã hội hiện tại vẫn còn nhiều người muốn nhanh nên đã tranh giành để đạt được mục đích của mình. Để sửa thói quen xấu này không dễ và phải có thời gian. Theo tôi, một trong những giải pháp để xây dựng văn hóa xếp hàng, đồng thời từng bước loại bỏ thói quen xấu trên, là cần đẩy mạnh công tác giáo dục. Mỗi công dân từ khi là học sinh, nếu được dạy cách xếp hàng trật tự, không chen lấn thì khi lớn lên thói quen ấy sẽ được duy trì.
Ở bất cứ giai đoạn nào, việc xếp hàng có trật tự cũng cần thiết, đây không phải là việc làm xấu, nhưng không hiểu sao một bộ phận người dân vẫn cố tình không chấp hành. Phải khẳng định rằng, xếp hàng không có gì là xấu và thời bao cấp chúng ta đã làm rất tốt. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc xây dựng văn hóa xếp hàng, tạo thói quen tốt là việc cần làm thường xuyên nhằm xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong mắt bạn bè quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, giáo viên Trường Tiểu học Văn Khê, quận Hà Đông:
Xây dựng chuyên đề giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh
Cảnh tượng chen ngang vào dòng người đang xếp hàng mà tôi hay nhìn thấy nhất đó là khi vào một số bệnh viện, siêu thị. Trước đây, các bệnh viện áp dụng hình thức xếp sổ khám, chữa bệnh, hay nay cho người dân xếp theo hàng để vào lấy số khám, chữa bệnh thì tình trạng một bộ phận người dân cố tình chen ngang để được khám trước, khiến những người đang xếp hàng rất bất bình. Không ít người đã lên tiếng phê phán hiện tượng này nhằm bảo đảm sự công bằng, người mắc lỗi cũng xấu hổ và thực hiện xếp hàng theo tuần tự, nhưng cảnh chen lấn vẫn tái diễn.
Qua theo dõi tôi thấy, còn rất nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa xếp hàng của người Việt bị lên án như vụ hàng nghìn người dân chen lấn, xô đẩy nhau rồi trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí cách đây mấy năm; hay như xô đẩy nhau, leo qua rào khi mua vé xem đá bóng tại Sân vận động Mỹ Đình... Theo tôi, để xây dựng văn hóa xếp hàng, các nhà trường nên lồng ghép nội dung này vào bài giảng để giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc xây dựng chuyên đề giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh.
Khán giả xếp hàng xem nhạc kịch tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace, Hà Nội).
Ông Chu Văn Tuấn, Công ty cổ phần Ao Vua, huyện Ba Vì:
Cần xây dựng một thế hệ công dân mới biết xếp hàng
Trong hoạt động du lịch của công ty tôi, tình trạng khách hàng chen lấn, xô đẩy nhau khi xếp hàng mua vé, hay vào các khu vui chơi vẫn diễn ra phổ biến. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi phải đưa ra các giải pháp như bố trí lực lượng duy trì việc sắp xếp hàng cho khách, hay dùng đường dích dắc để tránh du khách vượt hàng... nhưng các hành vi xấu vẫn xảy ra, gây tâm lý bức xúc cho du khách khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều đoàn khách có ý thức tốt, họ xếp hàng trật tự và tuân thủ hướng dẫn. Đối với các đoàn là học sinh, sinh viên, khi đến khu du lịch của chúng tôi, trường lớp nào rèn luyện tốt thì ý thức học sinh, sinh viên rất tốt, thể hiện từ việc tự giác xếp hàng đến không xả rác ra môi trường. Điều đó cho thấy, khi cả xã hội cùng chung tay thay đổi ý thức, nhà trường coi trọng giáo dục học sinh, sinh viên thì trong tương lai sẽ xây dựng được một thế hệ công dân mới biết xếp hàng. Lâu dần từ ý thức sẽ trở thành nếp sống, thành văn hóa.
Anh Đỗ Ngọc Hà, phường Kim Liên, quận Đống Đa:
Giáo dục nền nếp xếp hàng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Hồi nhỏ đi học, tôi được thầy, cô rèn dạy phải xếp hàng trật tự và kiên nhẫn chờ đến lượt của mình khi ra, vào lớp, hay khi vào bếp ăn bán trú... Khi lớn lên, bản thân tôi luôn ý thức phải duy trì thói quen đó. Thế nhưng, khi ra xã hội, tôi thấy còn nhiều người chưa tự giác khi xếp hàng. Gần đây, qua theo dõi tôi được biết, trước một xã hội còn nhiều hành vi xấu thì tại một quán phở Bát Đàn nổi tiếng ở Hà Nội vẫn đều đặn duy trì văn hóa xếp hàng từ nhiều năm nay. Hàng chục thực khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt - đây chính là nét đẹp, nét văn hóa của người Tràng An. Để nâng cao ý thức người dân, việc giáo dục nền nếp xếp hàng ngay trên ghế nhà trường cho lớp trẻ là một việc làm vô cùng cần thiết, góp phần xây dựng người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng văn minh, thân thiện.
Theo Báo Hà Nội Mới
Bình Luận