Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện việc lập, trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể.
Đây là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh tái cấu trúc lại không gian đô thị, gỡ bỏ 'chiếc áo' chật hẹp để phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục đảm nhận vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
(nguồn: Ashui.com)
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trải qua gần 10 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, dân số thành phố đã tăng nhanh, hiện có hơn 13 triệu người sinh sống, làm việc và khách vãng lai, phân bổ không đồng đều. Trong khi đó, mạng lưới kết nối giao thông đang trong tình trạng quá tải hoặc chưa được đầu tư tương xứng. Mô hình đô thị phát triển theo kiểu “dầu loang,” nhiều dự án dân cư nhỏ hình thành, thiếu kết nối.
Một số khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị Tây Bắc chậm đầu tư, đang điều chỉnh quy hoạch; Khu đô thị cảng Hiệp Phước vẫn chưa triển khai. Hay như Khu đô thị Nam Thành phố chỉ mới phát triển được 30-35% diện tích, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cũng đang trong giai đoạn điều chỉnh quy mô.
Mặt khác, trong khi Thành phố đang thực hiện chương trình di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khu dân cư thì ngành logistic tại các khu công nghiệp lại đang phát triển mạnh, đặt ra nhu cầu bố trí các kho ngoại quan để giảm thiểu thời gian thông quan.
Trong bối cảnh đó, chủ trương chung của việc điều chỉnh quy hoạch là phát triển một thành phố hiện đại, có bản sắc, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo đề bài mà Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố xây dựng, Thành phố sẽ củng cố mô hình phát triển tập trung đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và bốn cực phát triển ở bốn hướng gồm hướng Đông và hướng Nam ra biển, hướng Tây Bắc và hướng Tây Nam.
Đáng chú ý, định hướng trong điều chỉnh quy hoạch chung phát triển Thành phố về phía các hướng đều lấy trung tâm hiện hữu làm hạt nhân, các đô thị vệ tinh được quy hoạch hầu hết được bao bọc bởi hệ thống sông, kênh, vốn là đặc trưng mang tính Nam bộ của Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, Thành phố tái thiết, tái phát triển khu trung tâm (khu trung tâm hiện hữu 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới, tập trung phát triển một số khu đặc thù, hình thành khu đô thị sáng tạo, phát triển khai thác khu vực dọc sông Sài Gòn.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Thành phố xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có sông Sài Gòn bọc quanh, đối diện với trung tâm hiện hữu, xây dựng Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc có sông Sài Gòn chảy quanh, Khu đô thị Thanh Đa bọc bởi sông Thanh Đa, Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) dọc sông Soài Rạp.
Các chương trình ưu tiên chiến lược như chống ngập và vệ sinh môi trường cũng gắn với việc chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch như cải tạo các tuyến kênh nội đô, bảo tồn giá trị sông nước như kênh Hàng Bàng, kênh Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch vẫn là điểm yếu lâu nay của thành phố trong khi Thành phố phát triển liên tục. Quy hoạch bổ sung sắp tới sẽ phải đáp ứng được hai tiêu chí là hấp dẫn đối với doanh nghiệp và tạo đồng thuận của xã hội, tránh tình trạng quy hoạch mà không được biết, không phát huy thế mạnh địa phương, quy hoạch trên giấy, không khả thi. Thành phố sẽ bổ sung quy hoạch theo hướng mở, đồng thời ban hành quy chế quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch với trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tỷ lệ đô thị hóa tại Thành phố ngày càng tăng, diện tích đất xây dựng đô thị ngày càng lớn dẫn tới dư địa phát triển trên mặt đất ngày càng hạn chế.
Trong khu trung tâm, các dự án phát triển cao tầng có mật độ nén cao đặt ra yêu cầu cung cấp bổ sung hạ tầng kỹ thuật đồng thời hình thành không gian ngầm quy mô lớn. Bên cạnh đó là tiến độ xây dựng, phát triển các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn như metro, đòi hỏi kết nối không gian ngầm với các tuyến đi bộ ngầm, phục vụ đi lại cũng như hoạt động thương mại, dịch vụ.
Vì thế, việc quy hoạch không gian ngầm nhằm tạo ra nguồn lực không gian dưới mặt đất để khai thác, phục vụ người dân, phát triển kinh tế; tạo không gian bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất để dành quỹ đất phía trên làm nguồn lực phát triển.
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Về định hướng cụ thể, Thành phố sẽ lập quy hoạch không gian ngầm đô thị đối với hai khu vực trọng điểm là khu trung tâm hiện hữu 930ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với khu trung tâm hiện hữu quy mô 930ha, một số khu vực sẽ được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm, các khu vực dự kiến phát triển nhiều công trình cao tầng có khả năng kết nối phần hầm, hình thành các trục đi bộ ngầm. Một số địa điểm có thể phát triển không gian ngầm như khu vực Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn, sân vận động Hoa Lư, Công viên 23/9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Công trường Quốc tế, Chợ Bến Thành, đường Tôn Đức Thắng-Công viên Bạch Đằng...
Một số khu vực được giới hạn bởi các tuyến đường dự kiến sẽ quy hoạch không gian ngầm như khu vực đường Hai Bà Trưng-Tôn Đức Thắng-Lê Thánh Tôn-Lê Lợi, khu vực đường Nguyễn Thái Học-Trần Hưng Đạo-Phạm Ngũ Lão, khu vực đường Hồ Tùng Mậu-Hàm Nghi-Tôn Đức Thắng-Võ Văn Kiệt, khu vực cảng quận 4, khu vực đường Nguyễn Thông-Võ Thị Sáu-Lý Chính Thắng-Cách Mạng Tháng Tám...
Trong khi đó, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được định hướng phát triển không gian ngầm với chức năng làm bãi đậu xe công cộng, kết nối ngầm giữa tầng hầm các công trình thành tuyến kết nối với nhà ga metro ngầm.
Không gian ngầm cũng là tài nguyên. Và vì vậy, việc quy hoạch không gian ngầm không những để giúp Thành phố Hồ Chí Minh hội đủ, bắt kịp những yếu tố hiện đại của các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới mà còn khai thác tiềm năng không gian đô thị đang bị bỏ quên suốt thời gian qua.
Theo Ashui
Bình Luận