Nhà thì phải có cửa. Đó là một điều hiển nhiên. Cửa không chỉ là nơi đi ra đi vào, là nơi mở ra đóng lại, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác. Cửa chính được coi như bộ mặt của ngôi nhà, của chủ nhân. Hơn thế nữa cửa là một giá trị tinh thần, một biểu trưng đậm tính văn hoá.
Cửa sổ – nơi đón nguồn ánh sáng
Theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (tác giả Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học xã hội – 1977): Cửa là chỗ mở ra ở buồng hoặc ở vách để thông với ngoài hoặc buồng khác.
Theo định nghĩa trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), thì: Cửa là bộ phận của kết cấu ngăn che của nhà và công trình nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng đi lại, giao lưu không khí, lấy ánh sáng. Được phân ra theo chức năng, hình dạng, theo cách đóng mở; theo vật liệu…
Theo định nghĩa trong các giáo trình kiến trúc: Cửa là kết cấu bao che, ngăn chia linh động để phân chia các không gian, các phòng chức năng nhằm phù hợp với yêu cầu sử dụng trong từng thời điểm cụ thể…
Cửa cũng là nơi bán hàng, kinh doanh
Ở định nghĩa thứ nhất, khái niệm cửa thiên về vị trí không gian, các định nghĩa sau thiên về mô tả đặc tính và chức năng. Tuy nhiên, các định nghĩa trên đều cho thấy cửa là một sự vật cụ thể, rất gần và gắn liền với kiến trúc. Thực tế ta cũng thấy rằng: Về cơ bản, các công trình kiến trúc được làm cho con người sử dụng để làm việc và sinh hoạt (không tính các công trình biểu trưng, công trình đặc biệt) thì đều có cửa, dù nhiều hay ít. Cửa gắn với công trình vừa có vai trò công năng vừa mang yếu tố thẩm mỹ.
Như trên đã đề cập, cửa là một bộ phận gắn liền với nhà, với công trình kiến trúc. Về mặt công năng, cửa là một yếu tố quan trọng của giao thông (cửa đi), hay về mặt vật lý kiến trúc như: chiếu sáng, thông gió (cửa sổ). Về mặt thẩm mỹ, cửa là những điểm nhấn cho mảng hay định tuyến cho không gian kiến trúc; ở mặt ngoài, cửa là thành phần tạo nên mặt đứng, hình thức kiến trúc cho công trình.
Cửa bức bàn trong công trình cổ với những song gỗ như một tấm mành
Từ xưa, trong kiến trúc dân gian, ông cha ta đã rất chú trọng tới cửa trong việc làm nhà. Cửa (chính) cũng mang ý nghĩa như là bộ mặt của ngôi nhà, của chủ nhân. Chính vì lẽ đó, cửa là một phần rất được quan tâm và đầu tư. Nhà tranh, nhà ngói, nhà nghèo, nhà giàu… dẫu thế nào cũng có một cái cửa chính tốt-nhất-có-thể. Nhà nghèo thì cửa có khi chỉ là cái liếp tre, nhà giàu thì cửa gỗ đinh, gỗ lim… Cửa đẹp, cửa chắc chắn, cửa gỗ tốt cũng là niềm tự hào của gia chủ. “Nhà cao cửa rộng” là một niềm mơ ước của bất kỳ ai. Cửa cũng có thể là nơi thể hiện đặc thù tính cách hay những ước mơ khát vọng của chủ nhân. Bài ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa có nhiều câu nói về nghề mộc, nhưng dừng lại ở chữ “cửa” nhiều nhất:
Cửa ván nẹp trong nhà ở nông thôn
“… Bốn cửa anh chạm bốn lươn,
Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.
Bốn cửa anh chạm bốn hoa,
Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.
Bốn cửa anh chạm bốn đèn…”
“Bốn cửa anh chạm…” lặp đi lặp lại thành điệp khúc cho thấy sự quan tâm và say mê của người thợ mộc, cũng cho thấy cửa có ý nghĩa nhường nào.
Cửa cũng quan trọng với nhà bởi hướng. Làm nhà xem hướng cửa như một sự tất yếu. Xem hướng hợp với địa lý và khí hậu tự nhiên; xem hướng hợp với tuổi, mệnh của chủ nhân. Rồi khi đóng cửa phải chọn kích thước đẹp, số tốt để may mắn, để ăn nên làm ra, phát tài phát lộc. Loại bỏ các yếu tố phi khoa học ra, thì chúng ta thấy rằng “cửa” là một yếu tố mang tính truyền thống tín ngưỡng ăn sâu vào tiềm thức người dân ở mọi tầng lớp.
Ngày xưa, trong kiến trúc dân gian, cửa đều được làm bằng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như tre, gỗ. Những vật liệu này có sẵn và dễ làm với phương thức thủ công. Từ những tấm phên, liếp bằng tre, tới cửa ván nẹp, cửa bức bàn thượng song hạ bản; cửa đã mang tới cho công trình kiến trúc những ưu việt về công năng và giá trị thẩm mỹ. Yếu tố liên kết bằng kim khí trong các loại cửa thời gian đầu hầu như không có. Cửa được liên kết bằng mộng, bằng keo, bằng chốt tre; bản lề cửa được cấu tạo theo kiểu “ngõng” có trục gỗ xuyên qua lỗ mộng tròn. Các bộ phận cấu tạo khác như tay cầm, then cửa đều bằng gỗ. Hình thức và cấu tạo cửa bức bàn trong nhiều công trình kiến trúc truyền thống còn tới bây giờ là minh chứng cho sự thông minh và tài hoa của những người thợ thủ công. Những công trình cổ được tôn tạo, phục chế ở thời điểm bây giờ, người ta vẫn làm y nguyên theo cách thức người xưa.
Cửa trong kính ngoài chớp rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới
Một biến thể trong kiến trúc hiện đại: Cửa ngoài kính trong chớp lật
Khi người Pháp vào, họ đã mang theo lối kiến trúc của nước bản địa, sau đó chuyển hoá sang kiến trúc Đông Dương phù hợp với văn hoá, khí hậu của Việt Nam. Hệ thống cửa trong kính ngoài chớp là một đặc điểm lớn của lối kiến trúc này. Nó trở thành mẫu mực và là lựa chọn duy nhất phù hợp với hình thức kiến trúc đó cũng như khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Những công trình thời đó đa phần là biệt thự, công thự, công sở và các công trình công cộng khác. Hệ thống cửa trong kính ngoài chớp trở nên phổ cập mãi về sau, cho dù hình thức kiến trúc có thay đổi và có thêm những loại hình kiến trúc mới.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, xã hội nói chung và kiến trúc nói riêng trong những năm gần đây đã đem lại sự đa dạng về chủng loại cửa. Nhiều loại cửa mới ra đời, với sự khác biệt cả về vật liệu, hình thức, màu sắc, cấu tạo, cơ cấu hoạt động… Những công trình mới, hiện đại ra đời không thể dừng lại ở những loại cửa xưa cũ khi không còn phù hợp về hình thức kiến trúc và tính năng sử dụng. Các vật liệu mới cũng dần được nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn thay cho vật liệu truyền thống là gỗ – vốn là tài nguyên rừng đang cạn kiện khắp toàn cầu. Kiến trúc sư thiết kế cũng luôn phải cập nhật thông tin về công nghệ và vật liệu cửa để đưa ra những giải pháp tối ưu trên nhiều phương diện: công năng, khí hậu, hình thức, kinh tế… Nếu như ngày xưa chỉ có cửa gỗ tự nhiên thì bây giờ có cửa gỗ công nghiệp, cửa nhựa, cửa U-PVC, cửa nhôm, cửa thép… Các chủng loại kính cũng đa dạng hơn và bền hơn. Nếu như ngày xưa hầu như chỉ có một cơ chế cửa mở quay, thì bây giờ cửa có thể mở trượt, mở hất, mở lật. Có cả một thế giới về cửa trong bối cảnh xây dựng hiện nay.
Không rõ cửa xuất hiện và gắn với công trình kiến trúc tự bao giờ, nhưng rõ ràng cửa là một bộ phận đặc thù không thể thiếu trong công trình kiến trúc. Thế cho nên cửa luôn gắn với nhà thành cụm từ Nhà-Cửa. Nhà cửa không còn đơn thuần là Nhà và Cửa nữa, mà là một nơi chốn, một cơ ngơi, một khái niệm mang cả yếu tố tinh thần.
Cửa chạm hoa văn các tích Phật giáo ở chùa Bảo Sái – Yên Tử
Cửa Bắc thành Hà Nội
Cửa vượt ra khái niệm thông thường của một bộ phận, một thành phần trong kiến trúc. Dân gian có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có chữ “Cửa” đầy tinh tế để nói về những vấn đề khác trong cuộc sống và xã hội, như: Nhà cao cửa rộng; Cửa đóng then cài; Vợ chồng đóng cửa bảo nhau; Khôn ngoan ra cửa quan mới biết; Đánh trống qua cửa nhà sấm…hay ca dao: Nghèo thì dễ ở dễ ăn/ Giàu thì cửa ngáng, cửa ngăn khó vào… Như vậy, cửa đã đại diện cho một không gian hay một tầng bậc, ý niệm nào đó.
Cửa ô (Ô Quan Chưởng)
Ở một nghĩa đen khác, cửa là nơi chuyển tiếp cả về mặt không gian và địa lý, dĩ nhiên ở đây có thể không còn cánh cửa nữa, hoặc nếu có thì mang tính chất tượng trưng nhiều hơn. Đó là: cửa lò, cửa ga, cửa thành, cửa ô, cửa khẩu, cửa biên giới, cửa rừng, cửa hang, cửa sông, cửa biển… Vẫn là chữ “cửa” nhưng quy mô, khái niệm và sự tác động vào ý thức hoàn toàn khác. Có những “cửa” vẫn rất gần với nghĩa ban đầu ở góc độ nào đó, như là cửa thành, cửa khẩu, cửa ô… Với những “cửa” này, kiến trúc có thể hiện lên rất cụ thể và có mối quan hệ trực tiếp với “cửa”.
Cửa thiền
Ở một lớp nghĩa cao hơn, “cửa” là ranh giới của một không gian khác, thời gian khác, không cụ thể và có màu sắc của triết lý, tôn giáo hay thể hiện một quan điểm nhân sinh. Đó là: cửa ải, cửa sinh, cửa tử, cửa Phật, cửa thiền, cửa Khổng, cửa thiên đàng…
Hình như, mỗi khung cửa đều lưu dấu thời gian. Hình như thời gian đi qua khung cửa đều đọng lại một chút gì đó: nắng, mưa, buồn, vui, kỷ niệm và nỗi nhớ… Hình ảnh người mẹ ngồi ở cửa đợi con, hình ảnh người vợ tựa cửa ngóng chồng… không phải là hình ảnh hư cấu trong văn học. Đó là những hình ảnh rất thật; bởi nó chính là cuộc sống. Người đi làm về hạnh phúc dừng lại trước cửa nhà, người đi xa về thành phố bồi hồi ở cửa ô… Cửa như một khoảng dừng, một dấu lặng, một cái gì đó luôn tác động sâu vào tiềm thức con người.
Cửa là một khoảng dừng, một dấu lặng
Nơi suy tư hay chờ đợi
Rồi một ngày nào đó, ta đã đi qua bao nhiêu nơi, vào bao nhiêu công trình, đi qua những khung cửa sáng loáng, trong suốt, những cửa quay, cửa tự động… chợt xúc động dâng trào trước một ô cửa cũ kỹ rêu phong, một cành hoa rủ – gần gũi và thân thương như thế!
Cửa đóng lại khi đêm đã về khuya
Lá vàng rụng trước cửa
Khung cửa thời gian
Theo Tạp chí Kiến trúc
Bình Luận