Để đạt đỉnh cao khiến thế giới phải ngưỡng mộ, Việt Nam chọn chim ưng hay bò sát?
Có một câu nói nổi tiếng được nhiều người biết đến:
“Những đỉnh cao muôn trượng chỉ có chim ưng và loài bò sát là vươn tới được”.
Để đạt đỉnh cao khiến thế giới phải ngưỡng mộ, Việt Nam chọn chim ưng hay bò sát?
Các nhà khoa học gọi loài bò sát (kỳ đà) khổng lồ trên các đảo Komodo, Rinca, Flores, Gili Motang và Padar thuộc Indonesia là Rồng Komodo. Gọi là “rồng” nhưng loài vật này chỉ bò trên mặt đất, không phải loài rồng mà giới vua chúa châu Á chọn làm biểu tượng vương quyền, càng không phải loại “rồng mới nổi” mà thế giới gán cho hai quốc gia Singapore, Hàn Quốc và hai vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan thuộc khu vực châu Á. Việt Nam đang muốn là con rồng thứ năm nhưng xem ra có quá nhiều khác biệt nếu lựa chọn con đường thành “rồng” như Singapore, Hàn Quốc.
Có người nhấn mạnh đến khác biệt về thể chế chính trị, số khác nói về tài nguyên thiên nhiên hoặc vị trí địa lý,…Người viết cho rằng khác biệt lớn nhất không nằm ở thể chế chính trị. Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật là bốn quốc gia hàng đầu thế giới về quy mô kinh tế, quân sự nhưng thể chế chính trị lại không giống nhau. Mỹ là nhà nước cộng hòa, Trung Quốc theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Anh và Nhật là các quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến. Yếu tố chi phối từ mục tiêu đến phương pháp là đội ngũ lãnh đạo, những người nắm trong tay quyền hoạch định chính sách và những người thực thi công vụ.
Ảnh: kienthuc.net.vn
Tại Việt Nam, phần lớn những người ấy lại là sản phẩm của một nền giáo dục chứa đựng rất nhiều ung nhọt nhưng không mấy khi được minh bạch. Sự khác biệt về chất lượng giáo dục thể hiện ở trình độ văn hóa, đạo đức và phương cách xử lý công việc của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu phải nói rõ hơn nữa thì đó là chất lượng giáo dục bậc đại học bởi bậc phổ thông chưa đào tạo ra cán bộ lãnh đạo. Tham gia đào tạo ra cán bộ lãnh đạo có hai khối trường, khối trường chuyên môn và khối trường chính trị mà quyết định lại là các trường chính trị.
Báo Tienphong.vn trong bài “Tệ mua quan, bán chức” viết: “Báo cáo của các cơ quan Nhà nước đã thừa nhận có hiện tượng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tội, “chạy” dự án, “chạy” bằng cấp, “chạy” khen thưởng và kể cả chạy tuổi nữa”. Không ít cán bộ, không loại trừ một số thuộc diện trung ương quản lý tiến thân bằng con đường “mua quan, bán chức”, để có thể “mua quan” việc đầu tiên họ buộc phải làm là mua bằng cấp. Có người mua bằng thật chất lượng giả, có người mua cả bằng giả.
Bài viết “Tư duy lý luận chính trị của cán bộ lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam hiện nay” đăng trên Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam viết: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý cần phải có trình độ tư duy lý luận chính trị cao. Điều đó thể hiện ở sự hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và sự giải quyết đúng đắn những nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, trình độ tư duy lý luận chính trị của nhiều người còn thấp kém…”. Bài báo cho biết: “Đến tháng 6/2017, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị trở lên tại tỉnh Đắk Lắk là 95,58%. Các địa phương khác trong cả nước, hầu hết cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp cũng có trình độ cơ bản về lý luận chính trị như ở Đắk Lắk”.
Cũng tại tỉnh Đắk Lắk, thông tin truyền thông đăng tải như sau:
“Kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lăk; lãnh đạo huyện Krông Pắk” (Baochinhphu.vn 13/04/2018)
“Xem xét kỷ luật nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk”, (Daidoanket.vn12/09/2018)
“Đắk Lắk kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng hàng loạt đảng viên” (Vtc.vn 02/04/2019)
“Kỷ luật nhiều lãnh đạo Cty Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk” (Laodong.vn 07/12/2018)
“Đắk Lắk: Hàng loạt cán bộ biên phòng dính kỷ luật” (vanhoadoanhnghiepvn.vn)
Không thể không chú ý từ ngữ mà Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam sử dụng: “trình độ tư duy lý luận chính trị của nhiều người còn thấp kém” trong khi “nhiều người” ở đây đã được mặc định ở phần đầu đoạn văn, tức là“đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý”. Trình độ tư duy và lý luận chính trị của nhiều người còn “thấp kém” chứ không phải là yếu nhưng họ lại là lãnh đạo, quản lý, thậm chí còn là lãnh đạo chủ chốt? Một khi phải “chạy chức, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng,…” thì về mặt nhân cách người ta không thể đứng thẳng như con người chân chính mà chỉ có thể bò như loài bò sát.
Tự biến mình thành “bò sát” để leo cao đương nhiên không thể xếp chung với những người liêm chính, nhưng lỗi chủ yếu lại thuộc về người/cơ quan bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu và bổ nhiệm, nói chính xác là những cơ sở giáo dục đã cấp văn bằng, chứng chỉ cho họ. Có phải vì trình độ yếu kém, vì giáo dục đại học trong nước không cập nhật kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới nên cán bộ, công chức Việt Nam luôn chọn hình thức ra nước ngoài “học tập kinh nghiệm” hoặc “trao đổi chuyên môn”,…?
Báo Nld.com.vn đăng tải kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cử cán bộ đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 như sau:
“Trong vòng 5 năm, các đơn vị (bộ, ngành, địa phương - NV) đã cử hơn 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ đi nước ngoài với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng. Thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu”.
Báo Tienphong.vn viết:
“Thanh tra Chính phủ cũng từng có kết luận thanh tra về việc này, đồng thời chỉ ra “nhiều đoàn có thành phần là những người chuẩn bị nghỉ hưu cho đi nước ngoài mang tính “tri ân”, mời thành phần là người của đơn vị khác không phù hợp nội dung chuyến đi...”. Sau khi có kết luận trên, chính TTCP cũng đã cử nhiều cán bộ thuộc diện sắp nghỉ hưu đi nước ngoài công cán”. [4]
Người viết cho rằng nếu quả thật việc cử cán bộ ra nước ngoài công tác chỉ nhằm mục đích “tri ân” thì đúng là “hồng phúc” của dân tộc bởi thế có nghĩa là trình độ của cán bộ nước Việt không kém gì thế giới, chẳng việc gì phải học tập người nào!!! Điều đáng sợ là không ít cán bộ lãnh đạo lựa chọn cách “bay” ra nước ngoài “học tập, khảo sát” song lại chọn cách “bò” để tiến thân hoặc xử lý công việc. Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng năm 2014 tham gia tới 23 đoàn đi nước ngoài, năm 2015 tham gia 22 đoàn.
Riêng năm 2015, tổng số thời gian ông Hoàng ở nước ngoài là 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm. Kết quả là 12 dự án của Bộ Công thương có nguy cơ thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Lối sống “bò” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có thể kiểm chứng bằng tốc độ rùa bò tại không ít dự án kinh tế, kỹ thuật hay công trình trọng điểm mà họ chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới.
Chỉ một đoạn đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông dài 13,1 km được khởi công vào ngày giải phóng thủ đô 10/10/2011 đến nay đã 9 năm vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Vốn đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh đã lên khoảng 892 triệu USD, quy ra tiền Việt là xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài khoảng 60 km với mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng của doanh nghiệp chỉ trong vòng 2 năm đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được biết đến với rất nhiều bài báo, chẳng hạn: “Dự án 8.100 tỷ 10 năm hoang tàn, 'chim đầu đàn' gãy cánh”. “Gãy cánh” thì đương nhiên không thể bay, điều đáng suy ngẫm nằm ở chỗ “Chim đầu đàn” bị gãy cánh thì “cả đàn” sẽ thế nào, bay hay bò?
Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều người có “tư duy thấp kém”, sống theo kiểu “bò sát” thì liệu đất nước có thể thành chim ưng?
Theo Giaoduc.net.vn
Bình Luận