Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery hợp tác cùng Gốc Creation tổ chức triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật “Alternate Existence/s” hay “Những thực tại thay thế” tại không gian Toong 198 Minh Khai. Đây là một triển lãm hết sức đặc biệt, trưng bày đa dạng các tác phẩm nhiếp ảnh và hiện vật trong suốt hơn 40 năm lao động sáng tác của nhiếp ảnh gia - nhà giáo dục nghệ thuật Tom Hricko, một người Mỹ đã tìm thấy quê hương thứ hai của mình ở Việt Nam.
Khai mạc 25/11/2022, 18h-21h.
Mở cửa 19/11 - 10/12/2022, thứ Hai đến Chủ Nhật, 9h - 20h
TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, p.6, Q.3, TP HCM
GIỚI THIỆU CHUNG
Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery là đơn vị tổ chức những trưng bày nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ tại Việt Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Dự án "An Exhibition by Noirfoto" do Noirfoto khởi xướng và hợp tác cùng Gốc Creation với triển lãm “Alternate Existence/s”, một triển lãm hồi tưởng rất hiếm gặp tại Việt Nam. Gốc Creation đã hoạt động với phương châm quảng bá và hỗ trợ phát triển văn hoá và nghệ thuật bản địa trong nhiều năm qua. Đồng hành với Gốc Creation, Noirfoto thực hiện một trưng bày biệt vị đa phương tiện tại ba tầng 6, 11, và 14 trong không gian mới của Toong 198 Minh Khai.
Đến với triển lãm, khán giả sẽ được ngắm nhìn các tác phẩm ảnh in kỹ thuật số chất lượng quốc tế và những tác phẩm in thủ công với kỹ thuật bậc thầy tận dụng phép màu của phòng tối, bao gồm cả một trong những bức ảnh in tay lớn nhất tại Việt Nam. Những tác phẩm Polaroid 4 x 5” sử dụng các loại kính lọc màu tạo ra những sắc độ không thể tồn tại trong hiện thực khiến ta hồ nghi về cái thật và cái ảo... Những bức ảnh phơi sáng nhiều lần với sự sắp đặt vật thể và ánh sáng tinh tế ghi lại sự dịch chuyển của thời gian trong một không gian hình ảnh tĩnh đầy suy tư.. Những phong cảnh nhân tạo đưa người xem vào thế giới song song, những khung cảnh thường nhật được nhìn qua con mắt của người nghệ sĩ nhiếp ảnh trở thành tấm màn với màu sắc lạ thường, phủ lên cánh cổng dẫn tới chốn vô định... tất cả đều hiện diện trong triển lãm hồi tưởng chặng đường thực hành 40 năm của Tom Hricko. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày những tư liệu thú vị và quý giá về tác giả nhưng phản ánh lịch sử của nhiếp ảnh từ những năm 70 tới nay - từ khi chỉ có nhiếp ảnh thủ công, phòng tối cho tới khi máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện và phát triển nhanh chóng.
Chiêm ngưỡng các tác phẩm đầy kỳ ảo vừa quen vừa lạ, khán giả có thể tìm thấy những phiên bản thực tại khác nhau của riêng mình. Rất có thể, trong mỗi một thực tại ấy, từng người xem lại rung động theo một cách khác nhau, và khám phá ra trong mình nhiều khía cạnh của cảm xúc. Khi dừng lại để nhìn lâu, ngắm kỹ, và cảm nhận những thực tại mới ấy, chúng ta sẽ thấy chính mình thực sự mới lạ với những cảm xúc mới lạ.
VỀ TRIỂN LÃM
Những tác phẩm được trưng bày tại “Alternate Existence/s” là minh chứng cho khả năng độc đáo của nhiếp ảnh: tạo ra những “bản thể thay thế" vừa giống lại vừa khác với những sự vật và sự kiện quen thuộc của thế giới thường nhật. Từ ấy, người nghệ sĩ kiến tạo nên những thực tại mới chỉ có thể thấy được qua biểu hiện của tác phẩm nhiếp ảnh. Đó là phép màu làm ta rúng động vì sự thân thuộc dung dị lẫn tính biến đổi vô thường của nó. Tom Hricko đã thực hiện những việc ấy bằng kỹ năng bậc thầy trong cả phương tiện thủ công và kỹ thuật số.
Vào thời kỳ khám phá nghệ thuật thuở ban đầu, ở tuổi ba mươi, Tom Hricko thành thạo các kỹ thuật thủ công và sáng tạo những thực tại mới ngay trong phòng tối của mình - với những mối bận tâm điển hình của nghệ thuật tiên phong Hiện đại: sự liên hệ giữa vật thể và hình ảnh, cũng như khả năng của nhiếp ảnh trong việc ghi lại một khoảng kéo dài thay cho một điểm duy nhất của thời gian. Tới nay, sau vô số những chuyến phiêu lưu và đi tới trải nghiệm phi thường khi tìm thấy ngôi nhà đích thực của mình ở Việt Nam, Hricko nhìn ra những cánh cổng thông giữa mọi chiều kích không gian, những lớp hiện thực mờ phủ đè trên những lớp khác trong mọi khung cảnh thiên nhiên và con người.
Sau 40 năm thực hành, một triển lãm hồi tưởng là xứng tầm với người nghệ sĩ. Nhưng còn hơn thế nữa, triển lãm chứng tỏ sự vô hạn của sáng tạo, tiềm năng của nhiếp ảnh, cũng như thực hành nghệ thuật không ngơi nghỉ của một tác giả. Bên cạnh đó, sự nghiệp của Hricko - được thể hiện bằng một triển lãm hồi tưởng - cũng phản ánh nửa thế kỷ phát triển nhanh chóng và đầy những biến đổi vừa qua của bộ môn nghệ thuật Nhiếp ảnh.
Chia sẻ về quan điểm xuyên suốt cuộc đời mình, Hricko nói “Nhiếp ảnh là một quá trình giúp tôi có thể trích xuất một hình ảnh từ thực tại được chấp nhận hoặc đồng thuận, và biến đổi hình ảnh đó thành một hiện thể của một thực tại khác, có lẽ là song song. Các khía cạnh của quy trình nhiếp ảnh cho phép điều này xảy ra là những ứng dụng và thao tác quang học, ánh sáng, bộ lọc, màu sắc, sắc độ, giấy, hoặc những điều kiện hỗ trợ khác và kích cỡ, bên cạnh các biến số chưa liệt kê. Kết quả cho ra là một vật thể vật lý cho ta cơ hội được liếc nhìn vào một thực tại mới và tách biệt..”
VỀ NGHỆ SĨ
Tom Hricko (1945) là một nhiếp ảnh gia mỹ thuật và một nhà giáo dục nhiếp ảnh đến từ nước Mỹ. Ông đã sống ở Việt Nam từ năm 1994. Tác phẩm của ông nằm trong rất nhiều bộ sưu tập tư nhân và doanh nghiệp, trong đó bao gồm Lincoln Financial Group, Phoenix Mutual, và People’s Bank. Trong tư cách một nhà giáo dục, ông giảng dạy nhiếp ảnh và in ấn ở trường Đại học bang của New York ở Purchase, và trường Đại học Fairfield. Vào năm 1980, ông nhận được Học bổng Nhiếp Ảnh của Hội đồng Nghệ thuật Connecticut. Vào đầu những năm 1990, Hricko làm việc với Lexington Labs để sản xuất ảnh cho các nhiếp ảnh gia thương mại và Mỹ thuật bao gồm Bert Stern trong series “Marilyn Monroe - The Last Sitting” nổi tiếng. Tác phẩm của ông được đại diện tại Mỹ bởi Mona Berman Fine Arts, New Haven, Connecticut.
Nhiếp ảnh gia - nhà giáo dục nghệ thuật Tom Hricko
VỀ DỰ ÁN
Dự án “An Exhibition by Noirfoto” do Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery khởi xướng nhằm tổ chức các triển lãm nghệ thuật cá nhân và triển lãm nhóm dành cho các nghệ sĩ sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là những người thực hành nhiếp ảnh.
VỀ CÁC ĐƠN VỊ TỔ CHỨC
Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, ra đời đầu năm 2017, là không gian sáng tác, chia sẻ, nuôi dưỡng các giá trị của nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh và in ảnh thủ công, cả về chuyên môn và phát triển cộng đồng. Noirfoto xây dựng và vận hành một không gian xưởng nghệ sĩ bao gồm một studio nhiếp ảnh và một phòng tối được trang bị chuyên nghiệp đầu tiên và tốt nhất tại Việt Nam dành cho các kỹ thuật in ảnh thủ công. Tại không gian này và ở nhiều nơi khác, hợp tác cùng các tổ chức trong nước và quốc tế, Noirfoto tổ chức các buổi workshop và lớp học cung cấp kiến thức và kỹ năng nhiếp ảnh, các cuộc thi ảnh, cũng như các buổi trò chuyện của các chuyên gia.
Gốc Creation tập hợp các tài năng trong lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật, văn hóa, công nghệ, thiết kế, và truyền thông. Gốc Creation chuyên cung cấp các giải pháp thấu đáo giúp nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản khai thác tối đa tiềm năng của không gian đô thị và ngoại ô thành phố, tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, Gốc Creation còn thiết kế và thiết lập cơ chế vận hành lâu dài các mô hình dịch vụ thế hệ mới, phục vụ nhu cầu về không gian Làm việc, Lưu trú, Nghệ thuật, Bán lẻ, Giải trí, Nghỉ ngơi; và thường xuyên kết hợp hai hay nhiều trong số đó.
CÁC TÁC PHẨM TRONG TRIỂN LÃM
Niềm cảm hứng của Tom Hricko dường như không đến từ đâu cả, hoặc bất cứ đâu, hoặc đơn giản là từ não trạng luôn đặt câu hỏi “nếu thế thì sao?”. Với cả sự tò mò và nền tảng học thuật bài bản, Tom Hricko luôn bắt đầu với kế hoạch và phác thảo cụ thể, tận dụng các đồ vật ông tìm thấy ngay trong xưởng làm việc của mình, rồi từ bỏ chính kế hoạch đó để linh tính nghệ thuật thăng hoa, dẫn lối...
Triển lãm hồi tưởng của Tom bao gồm 11 bộ tác phẩm được sáng tác trải dài từ 1977 tới 2022 như sau:
In Vitro Landscape (1977)
(TD: Những phong cảnh trong ống nghiệm)
Đây là nỗ lực đầu tiên của người nghệ sĩ trong việc tạo ra một thế giới hoàn toàn mới để chụp ảnh lại. Với nền tảng đào tạo và thực hành nhiếp ảnh tại Mỹ, trước đó, Tom Hricko đã chụp rất nhiều ảnh phong cảnh tới mức ông không còn tìm thấy bất cứ phong cảnh nào thú vị ngoài kia nữa. Ông quyết định tách mình khỏi bề dày truyền thống nhiếp ảnh phong cảnh lãng mạn kiểu Mỹ và tạo ra những phong cảnh nhân tạo “in vitro" (trong ống nghiệm) để chụp. Đồng thời, ông cũng muốn chơi đùa với những kỹ thuật độc đáo của nhiếp ảnh: thay đổi những quan hệ về sắc độ, kích cỡ, ánh sáng...v.v. của các vật thể và không gian nhằm tạo ra những thế giới mới được nhìn thấy thông qua tác phẩm nhiếp ảnh.
Trong In Vitro Landscapes, ông làm cho mọi yếu tố trong bức ảnh càng nhẹ càng tốt, như thể phát sáng hoặc được nâng lên từ bên trong, biến chính những vật thể thành một nguồn sáng.
Để làm được việc đó, ông sử dụng các vật trong suốt, màu trắng, hoặc màu vàng với kính lọc để biến màu vàng thành trắng, tạo ra tổng thể là những khung cảnh kỳ lạ hoàn toàn chỉ có màu trắng. Những đồ vật nhận ra được như lông chim, viên bi, một loại hoa hay quả nào đó... những tính chất nhận ra được của các địa hình núi và đồng bằng... xuất hiện với sắc độ và tỉ lệ kích thước không đúng với hiện thực thường nhật của chúng ta - tạo thành những khung cảnh tại một thế giới song song, một thực tại khả dĩ nào đó với logic của riêng nó...
Loạt ảnh Polaroid 4x5” (1977)
Các thử nghiệm khác nhau với những chủ đề khác nhau sử dụng kính lọc màu để tạo ra không gian sắc độ trắng trên trắng với chất liệu Polaroid.
Object/Image (1979) và Feather-Stone (1979 - 2022)
(TD: Vật thể/Hình ảnh và Lông Vũ - Đá)
Sê-ri bao gồm 3 tác phẩm (Feather, Stone, và Feather-Stone), tất cả đều tận dụng kỹ thuật phơi sáng kép. Sê-ri bắt đầu với một vật thể tồn tại đơn nhất lơ lửng trong không gian của hiện thực và hình ảnh phản chiếu của chính vật thể đó trong một tấm phim (Feather). Ở tác phẩm tiếp theo (Stone), hình ảnh bắt đầu bước ra từ tấm phim và bước vào hiện thực (hình ảnh bắt đầu trở thành vật thể). Ở tác phẩm cuối cùng (Feather - Stone), hình ảnh hoàn toàn thoát khỏi tấm phim và trở thành vật thể, nhưng đồng thời mang theo thế giới của riêng nó - một hiện thực khả dĩ khác với hiện thực thường nhật của ta. Thế giới ấy có logic khả dĩ của riêng nó, nơi một chiếc lông vũ nâng được một viên đá. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh dùng công cụ nhiếp ảnh để trực quan hoá một tưởng tượng hay một thế giới song song.
Bản in năm 2022 của Feather - Stone là một trong những bức ảnh in thủ công lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (120x200cm). Trong phiên bản này không có tấm phim xuất hiện nữa và lông vũ và đá hiện lên hoàn toàn như những vật thể và với kích cỡ lớn bất thường.
Requiem (1982)
(TD: Lễ cầu siêu)
Vào thời kỳ này, Tom Hricko tập trung vào việc thể hiện một quãng thời gian kéo dài thay cho một thời điểm đơn nhất trong tác phẩm nhiếp ảnh. Ông sử dụng kỹ thuật phơi sáng nhiều lần với mối bận tâm tới việc sắp đặt các vật thể lặp lại. Số “3” là nền tảng của bộ tác phẩm: ba vật thể, ba lần phơi sáng, ba vị trí sắp đặt. Tác phẩm - được đặt tên là “Requiem" hay “Lễ cầu siêu" - là cuộc ăn mừng cho sự ra đi của một cuộc hành trình cảm xúc...
Nếu so với “khoảnh khắc quyết định" (decisive moment) nổi tiếng của Henri Cartier-Bresson nơi nghệ sĩ tìm kiếm “một khoảnh khắc mà tất cả các yếu tố đang chuyển động đạt được trạng thái cân bằng", có thể nói rằng phương pháp của Tom Hricko là ngược lại.
Tulips (1988)
(TD: Hoa tuy-líp)
Tiếp tục thể hiện khả năng của nhiếp ảnh trong việc “thấy" và “cho thấy" thời gian trong một khoảng kéo dài và do đó là nhiều hơn những gì mắt thường của con người có thể thấy. Cùng một bông hoa được nhìn từ hai điểm khác nhau trong thời gian và không gian trong cùng một lúc. Chủ thể hoa mang lại cảm giác thơ mộng và lãng mạn nhưng đồng thời cũng khiến ý niệm về khoảng thời gian trở nên kín đáo hơn. Được in ở kích thước lớn, cũng giống như Requiem,
Tulips tạo ra một cảm giác siêu thực khi chúng ta đối diện với những bông hoa to lớn bất thường.
Apples (1991)
(TD: Táo)
Lần đầu tiên, Hricko quay lại với phơi sáng đơn sau khoảng thời gian dài thử nghiệm với phơi sáng nhiều lần (chụp chồng hình). Ông cố gắng thể hiện sự cân bằng phi lý của các vật thể trong khi vẫn tiếp tục sử dụng các loại kính lọc màu - mang màu sắc ra khỏi những hình ảnh bằng kính lọc và tạo ra những mối quan hệ sắc độ siêu thực.
Arrangement (1992)
(TD: Sắp đặt)
Tiếp tục với phơi sáng đơn, Tom Hricko tạo ra một tác phẩm ca ngợi cách mà một số vật thể đặc biệt phản ứng với ánh sáng. Ông sắp đặt giấy can mờ đục, gương phản chiếu, lọ thuỷ tinh trong suốt... và hoa trong một bố cục vọng lại nền tảng đào tạo hội hoạ ban đầu của ông. Trực giác hoạ sĩ dẫn dắt Hricko hoàn thành một sắp đặt “được thực hiện một cách vô thức nhưng khiến tôi thoả mãn” gợi ra những bố cục tĩnh vật kinh điển.
Trong bố cục của Hricko, chúng ta nhìn thấy những hình dạng hình học vọng lại ở các phần khác nhau của tác phẩm đặt giao nhau ở tách rời ở những kích cỡ khác nhau và các góc độ tương tự nhau, với các chất liệu khác nhau. Chúng ta cũng thấy các hình dạng hữu cơ mềm mại của hoa và lá. Không gian ánh sáng giàu sắc độ này có lẽ phần nào cũng là một sự tôn kính tới tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Tiệp Josef Sudek - người mà Tom Hricko coi là anh hùng trong nhiếp ảnh tĩnh vật. Sự đối lập giữa hình học - hữu cơ, to - nhỏ, hình - bóng, nhân tạo - tự nhiên, rõ ràng - mơ hồ... khiến người xem càng nhìn lâu càng nhận ra nhiều điều để khám phá.
Huế (2016)
Huế thể hiện mối bận tâm tới những cấu trúc giàu lịch sử ở cố đô Huế và tiếp tục khám phá khả năng tạo ra các ảo ảnh, những bản thể siêu thực của nhiếp ảnh. Với bộ tác phẩm này, Tom muốn tạo ra những bức ảnh kỹ thuật giống nhất có thể với những bức phong cảnh chụp phim đen trắng mà ông đã thực hiện 40 năm trước. Ông sử dụng cùng một loại ánh sáng mà ông đã dùng khi ấy - ánh sáng cực kỳ phẳng tức là tương phản thấp và gần như không có bóng đổ. Khi không có bóng che khuất các chi tiết, người xem dễ dàng nhìn kỹ vào không gian hình ảnh và đồng thời bị mất phương hướng vì thiếu các điểm tham chiếu về chiều sâu phối cảnh.
Echo Beach (2017)
(TD: Bãi biển tiếng Vọng)
“Echo Beach" được lấy từ tên của một bài hát nổi tiếng của nhóm nhạc Canada Martha and the Muffins. Bãi biển tiếng Vọng không đề cập tới một bãi biển có thật mà thay vào đó là một ý niệm tượng trưng cho một nơi chốn nào đó mà nhân vật “tôi" muốn tới thay bằng nơi họ đang ở, nơi nào đó “xa mãi trong thời gian".
Tương tự, “Echo Beach" của Tom Hricko sử dụng những khung cảnh quen thuộc của bãi biển ở Vũng Tàu nơi ông sinh sống lúc bấy giờ và kết hợp với việc biến đổi độ bão hoà màu, sắc độ, cũng như dựa trên thực tế là bãi biển này vốn thường rất đông đúc người nhưng lại gần như trống hoàn toàn trong tác phẩm của ông. “Echo Beach" lại tiếp tục miêu tả một thứ gì đó ta nhận ra được nhưng không phải thứ ta biết.
I know it's out of fashion
And a trifle uncool
But I can't help it
I'm a romantic fool
It's a habit of mine
To watch the sun go down
On Echo Beach
I watch the sun go down [...]
The only thing that helps me pass the time away
Is knowing I'll be back at Echo Beach someday
Echo Beach, far away in time
Echo Beach, far away in time
Echo Beach, far away in time
Tôi cũng biết rằng thế là hơi lỗi thời
Là một chuyện vặt vãnh không gì hấp dẫn
Nhưng tôi không thể làm khác
Tôi là một kẻ khờ lãng mạn
Đó là thói quen của tôi
Ngắm nhìn mặt trời buông xuống
Trên Bãi biển tiếng Vọng
Tôi ngắm mặt trời buông [...]
Điều duy nhất giúp tôi vượt qua được quãng thời gian ấy
Là việc biết rằng mình rồi sẽ trở lại
Bãi biển tiếng Vọng, một ngày nào đó
Bãi biển tiếng Vọng, xa mãi trong thời gian...
Pixel Postcard (2020)
(TD: Bưu ảnh số)
Tác phẩm Pixel Postcard được thực hiện tiếp nối những cảm hứng của Echo Beach. Thay bằng giảm thiểu màu sắc như trong Echo Beach, ông gia tăng bão hoà màu và đưa vào không gian hình ảnh một làn sương mờ, kiến tạo những bãi biển phi thực mới với những hoà sắc lãng mạn ngọt ngào như kẹo.
Portals (2022)
(TD: Những cánh cổng)
Bộ ảnh gần nhất của Tom Hricko được thực hiện trong khoảng thời gian ông trở lại Mỹ khá lâu, một phần do sự bùng phát của dịch bệnh. Khi ông đi dạo trong những khu vực thiên nhiên hoang sơ gần New Haven là thành phố nơi ông sinh ra, Hricko đã nhận thấy những thời điểm ánh sáng hiện lên như thể đến từ chiều không gian hoàn toàn khác, mà không rõ là của sự sống hay cái chết. Ông bắt đầu chụp ảnh lại chúng và tiếp tục xử lý hậu kỳ, điều chỉnh cả màu sắc và sắc độ nhằm gọi lên chiều không gian ấy một cách còn mạnh mẽ hơn nữa.
Những “cánh cổng” của ông thu hút người xem, mời gọi họ bước vào vùng của cái không biết như chúng đã kêu gọi ông. Những mảng cành cây dày đan xen nom giống như một tấm rèm hay bức màn chia cách chúng ta và phía bên kia. Nơi ấy hẳn có rất nhiều điều để khám phá nhưng cũng khiến ta phải kinh sợ. Chúng gọi mời ta, hấp dẫn ta, nhưng chúng ta có thực sự muốn đi về nơi ấy hay không?
Men&life
Bình Luận