Rõ ràng, có những quy định không còn phù hợp với những chủ thể lớn như TP. HCM. Do vậy việc trao quyền tự chủ trong một số trường hợp để TP. HCM phát triển ở một tầm mức cao hơn là điều mà bộ máy chính trị cần tính đến.
Theo một thông tin mới nhất, TP. HCM đã nhận được văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Đây là cơ sở để UBND TP. HCM tiếp tục triển khai hai dự án này theo mức điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 từ 17.400 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, và tuyến metro số 2 từ khoảng 26.000 tỷ đồng lên gần 48.000 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm chờ đợi, đây là một tin vui cho lãnh đạo, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị và người dân. Dẫu biết quy trình thẩm định các dự án bị đội vốn hàng nghìn tỷ đồng là một việc rất phức tạp, nhưng với người dân TP. HCM thì sao thấy nó lâu thế!
Nhà đô thị học Nguyễn Minh Hòa
Đã hơn 1.000 ngày, công trình bị đình trệ thi công, tuyến đường bê tông trên cao dài 19km khi trước nhộn nhịp là thế nay im ắng lạ thường, các thiết bị kỹ thuật phơi mình dưới nắng mưa đã thấy có chỗ rỉ sét, cong vênh; nhiều cán bộ Ban quản lý đường sắt chán nản bỏ việc. Việc chậm thanh toán khiến cho các nhà thầu nước ngoài doạ kiện tụng, tranh chấp.
Hơn thế nữa việc lình xình ở dự án được coi là tầm cỡ nhất của thành phố lớn nhất cả nước không thể không gây ra hình ảnh phản cảm, nhất là các lô cốt trên đường Lê Lợi kéo dài nhiều năm và tác động xấu đến tâm lý ngán ngại ở các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn lớn với TP. HCM. Bởi tuyến Bến Thành – Suối Tiên chỉ là 1 trong 8 tuyến trong dự án phát triển giao thông tổng thể của TP. HCM.
Trong cùng một thời điểm, có rất nhiều công trình, dự án cần được triển khai ở phạm vi quốc gia và các tỉnh, thành. Dự án nào cũng có ý nghĩa và tầm quan trọng, nhưng rõ ràng, trong số hàng nghìn dự án đó có một số dự án được coi là trọng điểm và quan trọng bậc nhất.
Một khi dự án đó hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ, hoặc sớm hơn sẽ tạo ra những phản ứng tích cực cho toàn bộ hệ thống, thậm chí có cả những dự án khác không cần phải triển khai tiếp nữa. Bởi lẽ, các dự án quan trọng này một khi hoàn thành có thể đã đáp ứng được luôn cả nhiệm vụ cho các dự án thành phần khác được đề xuất mang tính chất đối phó.
Dự án metro là một loại dự án như thế, nó giải quyết những chuyện trước mắt và cả chuyện cho vài trăm năm sau. Giả dụ khi các tuyến metro số 1 đưa vào sử dụng năm 2020, sẽ giải quyết được việc tắc nghẽn giao thông ở phía Bắc, Đông - Bắc thành phố, kéo theo đó là giảm ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực phát triển vùng kết nối với Đông Nam Bộ và dải đô thị miền Trung, chuẩn bị cho sự ra đời đô thị sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội phát triển dịch vụ, việc làm dọc theo tuyến metro này,…
Những tác động tích cực dây chuyền này nay đã bị kéo chậm lại và có thể một vài động thái trong số đó bị mất cơ hội xuất hiện.
Tất nhiên việc tuyến metro số 1 bị chậm lại, hy vọng có thể đưa vào vận hành thử năm 2022 (theo kế hoạch là 2020), tương tự tuyến số 2 có thể kéo dài đến năm 2026 thay vì 2023 như dự kiến còn liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nữa như năng lực tư vấn, trình độ quản lý, tiến độ giải phóng mặt bằng...
Nhưng muốn nói gì thì nói, công tác thẩm định kéo dài hơn 3 năm như vậy là lâu, nhất là ở một quốc gia mà các quyết định quan trọng được tập trung ở một đầu mối, khác với các nước mà Chính phủ và Quốc hội được cấu tạo đa thành phần, cho nên nhiều dự án tốt nhưng không sao triển khai được do bất đồng quan điểm giữa các đảng phái, phe nhóm trong thượng viện, hạ viện.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định cấp 2.186 tỷ đồng vốn cho dự án Trung lương - Mỹ Thuận ngay tại công trường sáng ngày 27/9 vừa qua tạo ra một hình ảnh đẹp và gây ra cảm xúc mạnh đến mọi người, nhất là các nhà đầu tư, bởi đây là dự án trọng điểm của trọng điểm, quyết định đến sự phát triển hay tụt hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, thế mà nó bị vướng phải không biết bao nhiêu trắc trở sau hơn 10 năm triển khai không biết đến hồi kết.
Nhận ra tầm quan trọng của một dự án trong điểm và ưu tiên tập trung cao độ cho nó về vốn, cơ chế, chính sách, nguồn lực, nhân lực để hoàn thành dứt điểm trong thời gian hạn định là điều cực kỳ quan trọng không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà còn liên quan đến niềm tin của nhân dân. Đó là giá trị lớn của bài học xương máu rút ra từ tuyến metro số 1 và số 2.
Quy định các dự án có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, khi muốn điều chỉnh phải được các bộ ngành thẩm định, phải báo cáo Chính phủ, phải đưa vào chương trình nghị sự báo cáo Quốc hội để nhận được sự tán đồng. Nên nhớ con số 10.000 tỷ đồng này thật ra chỉ bằng 6 đến 7 ngày thu ngân sách của TP. HCM (mỗi ngày TP. HCM thu ngân sách được từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng).
Rõ ràng, có những quy định không còn phù hợp với những chủ thể lớn như TP. HCM. Do vậy việc trao quyền tự chủ, khai mở tiềm năng, giải phòng nguồn lực, tháo dỡ các rào cản để cho TP. HCM phát triển ở một tầm mức cao hơn là điều mà bộ máy chính trị cần tính đến.
Sau quyết định này, một lần nữa niềm tin và hy vọng lại được nhen lại trong người dân TP. HCM.
"Như vậy về phía Trung ương, cả Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính đã thống nhất, phần thủ tục còn lại thuộc thẩm quyền của thành phố", đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM nói với VnExpress chiều 24/10.
Bước tiếp theo, hồ sơ sẽ được hoàn chỉnh để trình UBND thành phố, Ban thường vụ Thành ủy, rồi xin HĐND thành phố ghi vốn. Tiếp đó, UBND thành phố sẽ duyệt vốn và làm thủ tục với Trung ương. Khi đó tổng mức đầu tư mới của hai tuyến metro mới có giá trị pháp lý để bố trí vốn và ký lại hợp đồng vay.
Trước đó, hôm 8/10, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản khẩn cầu cứu Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính vì lo ngại không kịp hoàn tất thủ tục trình HĐND thành phố ghi vốn vào kỳ họp cuối năm.
Theo TheLEADER
Bình Luận