Xu hướng ShEconomy – nền kinh tế do phụ nữ dẫn dắt đang ảnh hưởng như thế nào đến sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe?
Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về cách một thương hiệu có thể tạo nên điểm chạm với khách hàng khi tham gia tài trợ cho giải chạy, qua những chia sẻ của chị Bùi Thị Đông Bùi - Founder của Content Share, cũng là đơn vị tổ chức của Vietnam Women Run.
Chị Đông Bùi, Founder của Content Share – đơn vị tổ chức của Vietnam Women Run.
Nguồn: NVCC
Trước hết, đâu là những số liệu đáng chú ý khiến Content Share quyết định tổ chức một giải chạy bộ dành cho nữ?
Trước khi tổ chức giải chạy, bản thân tôi đã có hai năm gắn bó với bộ môn này. Nhiều người nghĩ rằng tôi làm giải chạy vì đam mê, nhưng thực tế, giữa việc yêu thích và việc tổ chức một sự kiện có tính bền vững về mặt kinh doanh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một sự kiện cần được xây dựng trên những cơ sở vững chắc về thị trường và xu hướng tiêu dùng.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng ShEconomy – nền kinh tế nữ giới đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo báo cáo của Deloitte Global Economic Research Center, phụ nữ đang kiểm soát 70% chi tiêu tiêu dùng toàn cầu và ngày càng dành nhiều ngân sách hơn cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khỏe, với mức tăng trưởng 15% mỗi năm.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2024, tại Việt Nam, phụ nữ đóng góp lớn vào tiêu dùng gia đình, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu cá nhân của phụ nữ Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm, trong đó mảng wellness – các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ sức khỏe ngày càng được ưu tiên. Họ sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ tập luyện, có thể thấy, lối sống năng động đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Sự kiện chạy bộ hướng đến phụ nữ không chỉ là hoạt động thể thao mà còn là nơi các thương hiệu thật sự tiềm năng có thể gặp gỡ nhóm khách hàng mục tiêu.
Nguồn: Vietnam Women Run
Sự quan tâm đến sức khỏe đã thúc đẩy nhu cầu đối với thực phẩm bổ sung, thiết bị tập luyện và các ứng dụng thể thao. Chế độ ăn kiêng, ăn thuần chay cũng ngày càng phổ biến. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cũng như thực phẩm chức năng hỗ trợ tiêu hóa, tăng năng lượng hoặc giảm cân. Nhóm nhân viên văn phòng – đối tượng làm việc căng thẳng và ít vận động – là một trong những nhóm khách hàng tiềm năng của các sản phẩm này.
Ngoài sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng đang trở thành mối quan tâm lớn. Theo khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường, trung bình một người Việt trải qua 1,98 lần căng thẳng mỗi tuần, và nhóm trẻ tuổi đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn do áp lực công việc, cuộc sống. Trong khi 68% người tiêu dùng đánh giá cao tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, thì nhu cầu về thiền định, công cụ thư giãn và dịch vụ tư vấn tâm lý cũng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Theo thống kê, trung bình một người Việt chi khoảng 1,38 triệu đồng/tháng cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe. Các quyết định mua hàng phần lớn dựa trên thành phần sản phẩm, tính minh bạch về nguồn gốc và lợi ích cụ thể. Dựa trên những xu hướng này, Content Share nhận thấy rằng một sự kiện chạy bộ hướng đến phụ nữ không chỉ là hoạt động thể thao mà còn là nơi các thương hiệu thật sự tiềm năng có thể gặp gỡ nhóm khách hàng mục tiêu.
Hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều giải chạy riêng dành cho nữ, nhưng trên thế giới, đã có quốc gia nào tổ chức các sự kiện tương tự chưa? Và nếu có, đâu là những hoạt động khiến chị ấn tượng nhất?
Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất cho bản thân tôi và Content Share về phụ nữ trong chạy bộ là câu chuyện diễn ra vào năm 1967. Vào thời điểm đó, phụ nữ chưa được tham gia các giải marathon chính thức. Tại Boston Marathon – một trong những giải chạy lâu đời nhất nước Mỹ, một nữ vận động viên đã phải bí mật đăng ký và tham gia thi đấu. Khi bị phát hiện, giám đốc đường đua đã cố gắng đuổi cô ra khỏi cuộc thi. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của bạn trai, cô đã tiếp tục chạy và hoàn thành quãng đường 42,195 km trong 4 giờ 20 phút.
Bất chấp việc bị đuổi khỏi đường đua, bà Kathrine Switzer tiếp tục chạy và hoàn thành quãng đường 42,195 km trong 4 giờ 20 phút.
Nguồn: The New York Times
Câu chuyện này sau đó đã truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia trên thế giới, đến năm 1984, cuộc thi marathon dành cho nữ chính thức được đưa vào chương trình Olympic tại Los Angeles, Mỹ. Tại châu Á, một trong những giải chạy lớn nhất và có lịch sử lâu đời dành cho nữ là Nagoya Women's Marathon tại Nhật Bản, hiện nằm trong danh sách sáu giải marathon hàng đầu thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng đã tổ chức giải chạy dành cho nữ từ 10 đến 15 năm trước.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có giải chạy chính thức nào hướng đến phụ nữ. Đây cũng là câu hỏi mà đội ngũ Content Share đặt ra khi quyết định xây dựng Vietnam Women Run – một sân chơi thể thao giúp phụ nữ tự tin hơn và khám phá tiềm năng của bản thân.
Chính bản thân tôi cũng tin rằng thể thao là một trong những phương thức rèn luyện kỷ luật, bởi không giống nhiều môn khác, chạy bộ đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm - vốn là những yếu tố không chỉ giúp phụ nữ nâng cao sức khỏe mà còn tạo nền tảng cho sự thành công trong cuộc sống.
Nagoya Women’s Marathon tại Nhật Bản.
Nguồn: Japan Cheapo
Vậy những ngành hàng nào sẽ được xem là phù hợp nhất với một giải chạy hướng đến phụ nữ, thưa chị?
Thông thường, khi nhắc đến chạy bộ, chúng ta sẽ thường nghĩ đến các thương hiệu liên quan trực tiếp đến chạy bộ như nước uống điện giải, thực phẩm bổ sung, thiết bị tập luyện sẽ là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu của Content Share cho thấy bất động sản, ngân hàng, xe hơi và trang sức cũng là những ngành hàng tiềm năng. Một minh chứng điển hình là Tiffany & Co., thương hiệu trang sức cao cấp đã tài trợ cho giải chạy nữ tại Nhật Bản từ năm 2017 đến nay.
Thay vì chỉ quảng bá sản phẩm, Tiffany & Co. đã ghi dấu ấn bằng cách thay thế huy chương truyền thống bằng một chiếc vòng bạc khắc biểu tượng của giải, tạo nên một kỷ vật ý nghĩa đồng hành cùng các nữ runner. Tiffany & Co. cũng chia sẻ rằng chiếc vòng bạc dành tặng các nữ runner không chỉ là phần thưởng mà còn là minh chứng cho việc mỗi người phụ nữ đều xứng đáng được tôn vinh, bất kể vị trí về đích của họ. Bởi lẽ, trong cùng một chặng marathon 42 km, có người hoàn thành dưới 4 giờ, có người cần tới 6 giờ, nhưng tất cả mọi nỗ lực thì đều đáng được trân trọng như nhau.
Và thực tế thì doanh thu của Tiffany & Co. tại Nhật Bản đã tăng từ 17% năm 2017 lên 35% vào năm 2023. Case study mà với bản thân tôi là một cách tiếp cận rất hay và sáng tạo, và cũng là minh chứng cho chuyện một thương hiệu trang sức xa xỉ tưởng chừng như không liên quan gì đến giải chạy vẫn hoàn toàn có thể tiếp cận khách hàng theo cách riêng của thương hiệu.
Với Tiffany & Co., chiếc vòng bạc dành tặng các nữ runner không chỉ là phần thưởng mà còn là minh chứng cho việc mỗi người phụ nữ đều xứng đáng được tôn vinh.
Nguồn: Tổng hợp
Ngoài ngày chạy chính thức, thương hiệu có thể đồng hành với giải chạy thông qua những hoạt động nào khác, thưa chị?
Tại sự kiện offline, thương hiệu sẽ xuất hiện tại nhiều điểm khác nhau, từ khu vực chính của giải đến các hoạt động tương tác với runner. Với các vật phẩm tại sự kiện, thương hiệu có thể xuất hiện trên áo chạy, huy chương và race kit, từ đó giúp gia tăng mức độ hiện diện trong cộng đồng runner.
Thế nhưng trên thực tế, một thương hiệu nếu chỉ xuất hiện trong ngày chạy là chưa đủ, theo tôi, các thương hiệu cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức để tạo ra những trải nghiệm sáng tạo, mang lại giá trị thực tế cho người tham gia.
Chẳng hạn, với Vietnam Women Run, ngoài ngày chạy chính thức vào tháng 10, giải cũng tổ chức nhiều hoạt động xuyên suốt trong năm nhằm duy trì sự kết nối với các runner, giúp mọi người duy trì thói quen chạy bộ. Trước thềm giải chạy chính thức, Vietnam Women Run sẽ tổ chức các talkshow chuyên sâu, nơi những nhân vật truyền cảm hứng trong thể thao chia sẻ câu chuyện của họ.
Đồng thời, để hỗ trợ người tham gia chạy bộ một cách khoa học và hiệu quả, chúng tôi sẽ kết nối với chuyên gia, bác sĩ chuyên môn về tim mạch, cơ xương khớp để tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật chạy đúng cách. Đây là một trong những hoạt động giúp các runner chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào đường chạy chính thức.
Talkshow “Cách để phụ nữ tái tạo năng lượng mỗi ngày” được tổ chức trước thềm giải chạy.
Nguồn: Vietnam Women Run
Một yếu tố khác giúp thương hiệu tạo dấu ấn là các hoạt động trách nhiệm xã hội gắn liền với thể thao. Năm 2024, Vietnam Women Run đã hợp tác cùng tổ chức Nơ Xanh – đơn vị hoạt động với sứ mệnh nâng cao nhận thức về phòng chống ung thư cổ tử cung. Với mỗi BIB bán ra, chúng tôi đã trích 50.000 đồng để hỗ trợ phụ nữ bị ung thư cổ tử cung. Sau giải, đại diện Ban tổ chức trực tiếp trao tặng quỹ hỗ trợ này đến các bệnh nhân, thay mặt cộng đồng runner gửi đến họ sự quan tâm và sẻ chia.
Như vậy, khi đã chọn đồng hành cùng giải chạy, thương hiệu hãy cố gắng đồng hành xuyên suốt trong cả trước, trong và sau giải chạy, từ truyền thông online, xuất hiện tại sự kiện, gắn kết với đại sứ, KOLs, cho đến các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng. Đây chính là cách để thương hiệu không chỉ gia tăng độ nhận diện mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến khách hàng tiềm năng.
Khi chọn đồng hành cùng giải chạy, thương hiệu không chỉ gia tăng độ nhận diện mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến khách hàng tiềm năng.
Nguồn: Vietnam Women Run
Cuối cùng, chị có thể chia sẻ thêm về kế hoạch và lộ trình giải chạy năm nay của VietNam Women Run, đâu là điểm khác biệt so với năm trước?
Năm 2024, Vietnam Women Run đã thí điểm mô hình kết hợp cả online và offline với quy mô nhỏ. Kết quả ghi nhận được rất tích cực: hơn 1.000 runner tham gia trực tiếp tại TP.HCM và hơn 1.000 người từ 54 tỉnh thành trên cả nước tham gia chạy online. Việc thu hút người chạy từ 54 tỉnh thành cũng đã mang lại động lực lớn để Ban tổ chức phát triển giải chạy theo hướng đồng nhất trải nghiệm từ online đến offline trong những năm tiếp theo.
Hiện nay, các giải chạy trên thị trường thường tách biệt hoàn toàn giữa hình thức online và offline. Những giải chạy offline quy mô lớn thường chỉ diễn ra tại một số thành phố lớn, khiến nhiều runner ở các tỉnh thành khác không có điều kiện tham gia. Điều này đặt ra cho team Content Share một câu hỏi lớn: Làm thế nào để tất cả phụ nữ, dù ở bất kỳ đâu, đều có cơ hội tham gia một giải chạy chính thống?
Từ trăn trở đó, Vietnam Women Run quyết định tích hợp cả hai hình thức. Những runner tham gia online vẫn được đảm bảo quyền lợi đầy đủ như người chạy offline như huy chương và race kit. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc tham gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết: chỉ cần một chiếc điện thoại, người chạy có thể mở ứng dụng để ghi nhận quãng đường minh bạch, đồng thời có thể thi đấu theo cá nhân hoặc đội nhóm.
Năm 2024, Vietnam Women Run ghi nhận hơn 1.000 runner tham gia trực tiếp tại TP.HCM và hơn 1.000 người từ 54 tỉnh thành trên cả nước tham gia chạy online.
Nguồn: Vietnam Women Run
Về hình thức thi đấu, bên cạnh sự kiện chạy offline với ba cự ly: 5 km, 10 km và 21 km, Vietnam Women Run còn tổ chức chương trình chạy online kéo dài 21 ngày trong tháng 10, nhằm khuyến khích mọi người hình thành thói quen chạy bộ với nhiều cự ly như 50 km, 100 km hay 160 km. Năm ngoái, các cự ly này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiều người tham gia coi đó là một thử thách cá nhân và đã chia sẻ hành trình của mình trên mạng xã hội.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!
Men&life
Bình Luận