GS Bernard Tan Cheng Yian - phó giám đốc đào tạo ĐH Quốc gia Singapore đã chia sẻ như vậy về kinh nghiệm phát triển giáo dục được thực hiện ở quốc đảo có nền giáo dục phát triển hàng đầu châu Á.
GS Bernard Tan Cheng Yian chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học với giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 23-4 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trao đổi với cán bộ, giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM về chủ đề "Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo đại học từ kinh nghiệm của ĐH Quốc gia Singapore trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4" sáng nay 23-4, GS Bernard Tan Cheng Yian nhấn mạnh: "Để giáo dục phát triển trong thời đại hiện nay phải đảm bảo không bị ràng buộc và thực hiện phi truyền thống".
Loại bỏ ba yếu tố ràng buộc trong giáo dục
Theo GS Bernard Tan Cheng Yian để tiến nhanh về phía trước giáo dục phải không bị ràng buộc bởi ba yếu tố: thời gian, không gian và truyền thống.
Giáo dục không bị ràng buộc bởi thời gian. Theo đó sinh viên không chỉ học đại học trong 4 năm mà có thể ít hơn hoặc nhiều hơn…
Giáo dục không bị ràng buộc bởi không gian, cụ thể đó là các hoạt động trải nghiệm ngoài giảng đường, sinh viên không chỉ học trong lớp học mà có thể học ở nhiều nơi khác.
Và cuối cùng là giáo dục không bị ràng buộc bởi truyền thống, tức là phải phi truyền thống. Theo đó sinh viên không nhất thiết phải học theo cách truyền thống. Ngay cả cách kiểm tra, đánh giá không giữ yêu cầu sinh viên phải học thuộc lòng mà thực hiện các bài kiểm tra gắn với nghề nghiệp chuyên ngành.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: "Với triết lý đó, giáo dục đại học phải "phá" đi làm lại hết, thực hiện phi truyền thống. Để thực hiện được điều này các trường phải được tự chủ hết cỡ".
Đảm bảo chất lượng kiểu Singapore
Cũng theo GS Bernard, để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học phải thực hiện đồng bộ nhiều khâu với suốt tiến trình liên quan đến chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.
Quá trình tuyển chọn sinh viên đầu vào của ĐH Quốc gia Singapore, trong đó đặc biệt nhà trường thực hiện "cơ chế" đáp ứng nhanh. Theo đó, đối với những hồ sơ thí sinh xuất sắc nộp và trường vào hôm trước, ngay hôm sau đã có kết quả ngay.
Chất lượng quá trình đào tạo liên quan đến cấu trúc chương trình, nội dung chương trình, giảng viên và phương pháp sư phạm.
Về cấu trúc chương trình được chia làm ba phần: giáo dục tổng quát, giáo dục nghề cốt lõi và giáo dục tự chọn. Với cấu trúc này, chương trình đào tạo của đào tạo đại học của Singapore có khoảng 40 môn (gồm 5 môn giáo dục đại cương, 27 môn giáo dục nghề nghiệp chuyên ngành, và phần còn lại là các môn tự chọn với các tín chỉ học online). Cấu trúc chương trình được thiết kế khá mềm dẻo.
Về nội dung chương trình, ông đề cập tới việc thiết kế nội dung. Khi xây dựng chương trình đào tạo ĐH Quốc gia Singapore thực hiện việc đối sánh với các trường đại học hàng đầu trên thế giới để đưa ra quyết định vì sao Viện công nghệ Massachusetts - MIT, ĐH Harvard (Mỹ) có dạy một số môn mà ĐH Quốc gia Singapore lại không dạy những môn học đó.
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Singapore có các tổ chức nghề nghiệp đã đóng góp nhiều trong việc xây dựng chương trình, thực tế nền công nghiệp, nghiên cứu của các giáo sư và định hướng của chính phủ.
Về giảng viên, ĐH Quốc gia Singapore có phương pháp đánh giá, chính sách khen thưởng, thăng tiến nghề nghiệp cho giảng viên rất hấp dẫn. Nhà trường có những trung tâm hỗ trợ giảng viên thực hành, phương pháp sư phạm và đồng thời cũng có chính sách để loại bỏ những giảng viên không đạt yêu cầu.
Về đầu ra được đánh giá dựa vào ba khảo sát quan trọng: khảo sát của sinh viên, khoả sát của doanh nghiệp và khảo sát của cựu sinh viên. Nhà trường phải giải trình với chính phủ về vấn đề sinh viên không có việc làm.
"Có khoảng 93-94% sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Số còn lại không có việc làm một phần là sinh viên khuyết tật, một phần sinh viên có kết quả học tập kém và một phần sinh viên con nhà giàu không muốn đi làm ngay sau khi ra trường", GS Bernard cho biết.
Đào tạo liên thông theo chiều dọc và chiều ngang
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, buổi trao đổi chuyên đề này được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức nhằm chuẩn bị triển khai thực hiện tiến trình đảm báo chất lượng trong toàn hệ thống.
"GS Bernard đã chia sẻ các kinh nghiệm đảm bảo chất lượng đào tạo đại học dưới góc độ quản lí chương trình đào tạo là những thách thức mà chúng tôi đang muốn làm. ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng các giá trị cốt lõi giống như ĐH Quốc gia Singapore.
Thời gian tới, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ cấu trúc lại chương trình đào tạo theo dạng giáo dục tổng quát, giáo dục nghề và giáo dục tự chọn, để đào tạo sinh viên theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Các trường đang xây dựng chương trình đào tạo liên thông theo chiều ngang giữa các ngành đào tạo trong một trường và giữa các trường thành viên với nhau. Đồng thời thực hiện liên thông theo chiều dọc, với việc cho phép sinh viên học một số học phần sau đại học.70
Như vậy, với liên thông theo chiều ngang sau 5 năm sinh viên có thể lấy được hai bằng đại học hoặc liên thông theo chiều dọc sinh viên có thể lấy bằng đại học và bằng thạc sĩ", ông Quân cho biết.
Theo Tuổi trẻ Online
Bình Luận