Cần thay đổi cách nghĩ thất thoát nhân tài là sau khi họ vào doanh nghiệp (DN) rồi bỏ việc mới là thất thoát, vì có rất nhiều thất thoát diễn ra trước khi họ gia nhập hoặc với cả những nhân sự còn ở lại nhưng mất động lực làm việc.
Tại Hội nghị Nguồn nhân lực hạnh phúc 2018, các DN cho rằng khi văn hóa DN tối ưu hóa được tiềm năng con người thì mới giúp DN tăng trưởng bền vững.
Coi chừng "zombie công sở"
Khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017 do Anphabe thực hiện với 674 DN hàng đầu tại Việt Nam cho thấy trung bình một DN bị thất thoát đến 95% "nhân tài mục tiêu" trước khi họ gia nhập tổ chức. Lý do lớn nhất được nhận diện là có đến 25% nhân tài mục tiêu không biết đến sự tồn tại của DN, đã gây thất thoát do "không nhận biết".
Có 75% nhận biết DN đó nhưng chỉ có 11 người thực sự quan tâm đến cơ hội việc làm là sự thất thoát do "không quan tâm". Trung bình trong 11 người quan tâm có 6 người quyết định ứng tuyển, dẫn đến sự "thất thoát ứng tuyển"; trong 6 người ứng tuyển, trung bình có 5 người thực sự muốn làm việc tại DN, DN bị thất thoát người còn lại do họ "thiếu khát khao".
Một thất thoát lớn sinh ra sau khi các nhân tài gia nhập DN rồi bỏ đi với tỷ lệ lên đến 51%. Con số này thật đáng lo ngại, vì tính trung bình tại mỗi DN chỉ còn 49% nguồn nhân lực. Khảo sát cũng dự báo tỷ lệ nghỉ việc được các công ty tuyển dụng đưa ra cho năm 2018 là 20%, trong đó 19% cho biết cảm thấy thiếu sự gắn kết, 1% có gắn kết nhưng vẫn ra đi vì tìm được chỗ làm tốt hơn - là tỷ lệ cao nhất theo khảo sát trong vòng ba năm qua.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với DN không phải ở sự thất thoát "nhân tài tiềm năng" hay "người bỏ việc", mà ở tỷ lệ 31% cho biết họ không gắn kết nhưng cũng không có ý định ra đi. "Việc mất động lực khiến họ không còn nỗ lực trong công việc, sẽ tạo ra những "zombie công sở", là thách thức lớn cho cả văn hóa lẫn hiệu suất của DN.
"Trong cuộc chiến giữ chân nhân tài, chúng ta đã làm sai, không phải ngẫu nhiên tỷ lệ nghỉ việc hay "zombie công sở" ở mức cao nhất trong ba năm qua, mà do cách DN tạo động lực cho nhân viên đang mắc phải nhiều sai lầm", khảo sát nhận định.
Các nghiên cứu chuyên sâu về động lực và hành vi người đi làm cho thấy DN thường tác động bằng tiền bạc hoặc những lời đề nghị hấp dẫn để khuyến khích nhân viên, nhưng phương cách này có thể không phù hợp với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy giải quyết vấn đề, có thể làm giảm hiệu suất lẫn chất lượng công việc.
Việc tưởng thưởng sai không kích thích những yếu tố tự thân nhân tài mà khiến họ tập trung vào các "yếu tố bên ngoài" và dần mất đi động lực, tính sáng tạo cũng như khả năng tư duy. Đó cũng có thể là lý do khiến DN có thêm nhiều "zombie công sở", gây áp lực lên việc tạo động lực để giữ chân nhân tài.
Văn hóa DN thúc đẩy cá thể tài năng
Để giữ chân nhân tài, theo các DN, không chỉ cần phát huy tính đồng bộ mà còn phải tìm ra tài năng đột biến của những cá thể. Theo ông Lê Trí Thông - CEO của PNJ, cần có sự phát triển tương hỗ giữa chiến lược và văn hóa DN - là hai yếu tố không thể tách rời vì chiến lược kinh doanh là sự kết nối bên trong với bên ngoài, giúp DN thực thi chiến lược.
Khi môi trường thay đổi đòi hỏi chiến lược phải thay đổi nhanh để thích ứng, nhưng văn hóa bên trong DN là một thực thể sống không thể thay đổi nhanh như môi trường bên ngoài. Vậy giải quyết bài toán thế nào khi bên ngoài thay đổi đòi hỏi văn hóa DN thay đổi để thích nghi?
Ông phân tích: "Văn hóa DN là "phần giao" của những bộ phận, những giá trị, niềm tin, sự tương tác, cách ứng xử và cả sự cạnh tranh giữa cái chung và cái riêng của từng cá nhân. "Phần hợp" là những khác biệt đòi hỏi lãnh đạo DN phải nhìn ra, trong môi trường thay đổi nhanh như hiện nay không chỉ cần sự đồng bộ mà còn phải tìm ra sự đột biến của từng cá thể”.
Ông Trần Đình Cường - CEO E&Y Vietnam định nghĩa văn hóa DN là đặc thù riêng của từng DN, có thể đó là văn hóa bao dung, phục vụ tận tụy hay chụp giựt..., nó làm cho DN này khác biệt với DN khác. Nó có thể thay đổi tùy thuộc vào chiến lược là cách thức của người lãnh đạo nhưng xuyên suốt dài hạn là quy trình, quy chế, cách ứng xử hằng ngày để hoàn thiện DN.
Văn hóa của từng DN trong từng ngành nghề cũng khác nhau, bản thân từng bộ phận trong DN cũng có những văn hóa khác nhau cùng vận hành trong một khung chung về văn hóa và giá trị. "Cần xem xét những yếu tố đột biến tác động tích cực đến sự tiến bộ, thúc đẩy DN phát triển hay hướng đến tiêu cực; cần xác định những yếu tố đột biến có tính thích nghi, giúp quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra nhanh hơn, kể cả chấp nhận sự xung đột chọn lọc để giữ vững chiến lược DN", ông Cường nhấn mạnh.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc - Giám đốc Nhân sự Coca-Cola Việt Nam cho rằng phát triển được con người là phát triển tổ chức và phát triển được DN. Một tổ chức tốt thậm chí cho phép những "sai lầm xinh đẹp" có thể xảy ra để lãnh đạo nhận diện được vai trò của các quản lý cấp trung, khuyến khích họ tạo ra môi trường hạnh phúc. Nếu không sẽ có nhiều người rời công ty, hoặc họ ở lại nhưng thiếu niềm tin để vực dậy động lực cá nhân.
Ngày nay môi trường thay đổi nhanh, nỗi sợ của các tập đoàn hàng đầu không phải là các đối thủ hiện diện trên thị trường, thậm chí họ không biết đối thủ là ai và ai sẽ xuất hiện nên họ hướng đến mục tiêu lớn nhất là khách hàng. "Tôi thay đổi không phải nhìn vào đối thủ mà hướng vào khách hàng, khi khách hàng thay đổi sẽ tạo ra các trào lưu mới, xu hướng mới ra đời, phải thay đổi để giữ vững vị thế trên thị trường", bà Trúc nói.
Ông Thông chia sẻ, thách thức cụ thể với PNJ là DN vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà bán lẻ, đòi hỏi tính thực thi và sự sáng tạo phải cao. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, sự tích hợp kiến thức và kinh nghiệm không còn biên giới, luôn xuất hiện những đối thủ mới DN chưa hề biết tới, họ đã, đang và sẽ xuất hiện.
Văn hóa phải được xem là khoản đầu tư được lượng hóa theo cấp số nhân chứ không phải chi phí kinh doanh, vì nó có giá trị lâu bền. "Muốn thay đổi phải quan tâm đến cái mới, quá trình thay đổi là quá trình chọn lọc gene diễn ra. Bất kể chiến lược của DN là gì, DN châu Âu, Mỹ hay châu Á thì gene của nó vẫn phải bắt đầu từ chữ "nhân" để tạo nên động lực", ông Thông nhận định.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Bình Luận