Được đánh giá là một cuộc cách mạng lớn nhất về thanh toán quốc tế trong vòng 30 năm trở lại đây, SWIFT gpi (Global Payments Innovation) - Sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu của Tổ chức SWIFT đã trở thành xu thế của các Ngân hàng trên thế giới.
Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu triển khai SWIFT gpi đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cấp nhiều hệ thống công nghệ, cải tiến quy trình tác nghiệp, chính sách kinh doanh sản phẩm... Từ cái khó đã xuất hiện những Ngân hàng ưu tú của Việt Nam tham gia hệ thống SWIFT gpi.
SWIFT gpi rút ngắn thời gian, làm chủ giao dịch
SWIFT là một hiệp hội viễn thông toàn cầu,với thành viên là các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Thông qua giao diện kết nối SWIFT, các ngân hàng thành viên trên toàn thế giới có thể gửi/ nhận các lệnh thanh toán hoặc trao đổi thông tin qua lại dưới dạng điện SWIFT được chuẩn hóa. Với số lượng hơn 9.000 ngân hàng và tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tham gia SWIFT, khối lượng thanh toán qua SWIFT đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối lượng thanh toán toàn cầu.
Đối với giao dịch chuyển tiền qua Swift thông thường, điện chuyển tiền đi được thực hiện tuần tự qua các đối tượng liên quan trong chuỗi giao dịch từ Người chuyển tiền – NH người chuyển – NH trung gian – NH người hưởng – Người hưởng. Theo quy trình này, thông tin xử lý điện tại các ngân hàng là riêng tư, các đối tượng trong chuỗi không thể biết được tình trạng bức điện chuyển tiền đang/đã được xử lý ra sao từ lúc khởi tạo cho đến khi hoàn tất. Người chuyển hoặc người hưởng nếu muốn biết thông tin như: Số phí các ngân hàng đã thu, số tiền người hưởng được báo có, thời gian báo có, tại sao người hưởng chưa nhận được tiền?… đều phải đề nghị ngân hàng phục vụ thực hiện tra soát với các ngân hàng khác trong chuỗi để cung cấp thêm thông tin. Điều này rất mất thời gian và phát sinh thêm chi phí.
Quy trình chuyển tiền qua SWIFT thông thường
SWIFT gpi là sáng kiến thanh toán toàn cầu của SWIFT, bao gồm 1 chuỗi các sáng kiến được đề xuất, thực thi và hoàn thiện liên tục để hướng tới nhiều lợi ích cho khách hàng như: Tăng tốc độ thanh toán, minh bạch thời gian xử lý và phí giao dịch, khách hàng có thể quản lý tốt hơn dòng tiền do biết rõ thông tin xử lý giao dịch.
Các ngân hàng gpi toàn cầu đều phải tuân thủ một số quy tắc hoạt động thống nhất. Thông tin điện chuyển tiền (như tình trạng điện, thời gian xử lý, phí tại mỗi ngân hàng) phải được cập nhật liên tục lên kho dữ liệu chung của SWIFT gpi – được gọi là Tracker. Chỉ các đối tượng trong chuỗi giao dịch từ người chuyển tiền đến người hưởng có thể tra cứu thông tin, các ngân hàng khác không thể biết được các thông tin giao dịch này. Như vậy, giao dịch SWIFT gpi có tính minh bạch nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật cao.
Quy trình chuyển tiền SWIFT gpi
Điều kiện khó nhưng lợi ích to lớn
Hiện nay, hơn 220 ngân hàng trên thế giới đã đăng ký tham gia SWIFT gpi, trong đó có 72 ngân hàng chính thức triển khai dịch vụ này, hầu hết là các ngân hàng hàng đầu trên thế giới và khu vực như: JP Morgan Chase Bank, Wells Fargo, DeuschBank, HSBC…
Trong giai đoạn đầu phát triển của dịch vụ Swift gpi, những ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ đều là các ngân hàng lớn do các ngân hàng này có thế mạnh về tài chính, kỹ thuật và nguồn nhân lực để nâng cấp hệ thống công nghệ, cải tiến quy trình tác nghiệp, chính sách kinh doanh sản phẩm, nhằm đáp ứng các yêu cầu trong bộ nguyên tắc dịch vụ Swift gpi (SLA).
Ngoài ra, sáng kiến gpi xuất phát từ yêu cầu của các khách hàng doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia. Các ngân hàng lớn, với tư cách là ngân hàng phục vụ các doanh nghiệp này, nhận thấy sự cần thiết phải triển khai Swift gpi, đưa dịch vụ thanh toán hiện đại được áp dụng trên toàn cầu để mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, như:
Khách hàng sẽ được ghi có nhanh hơn; Biết được chi tiết thời điểm xử lý, số phí bị thu, tỷ giá hạch toán của từng Ngân hàng gpi trong chuỗi giao dịch. Từ đó giúp khách hàng: Quản lý tốt hơn dòng tiền, tăng tốc độ của giao dịch xuất nhập khẩu do có bằng chứng về thông tin chuyển tiền; Giảm chi phí tra cứu/tra soát giao dịch.
Hơn nữa, khách hàng được trải nghiệm dịch vụ mới đi đầu trong xu hướng thanh toán toàn cầu. Đồng thời, gián tiếp hưởng lợi từ việc các ngân hàng giảm phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch khi mọi thông tin xử lý giao dịch đều minh bạch, có thể tra cứu để duy trì và nâng cao vị thế trong hệ thống thanh toán toàn cầu.
Với các Doanh nghiệp có mã BEI (do SWIFT cung cấp) khi triển khai dịch vụ mới gpi4C còn có thêm lợi ích khi quản lý và tra cứu tức thì thông tin giao dịch bằng chính nền tảng công nghệ sẵn có. Có thể phát triển hệ thống để đối chiếu tài khoản tức thì, tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Ngân hàng Việt vượt khó bắt kịp xu thế toàn cầu
Tại Việt Nam, do những đòi hỏi trong bộ nguyên tắc dịch vụ SWIFT gpi (SLA) nên chưa nhiều Ngân hàng có thể triển khai SWIFT gpi. Có thể kể đến ba Ngân hàng đi đầu trong triển khai SWIFT gpi gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Trong đó, Ngân hàng BIDV là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai SWIFT gpi với đồng thời 3 vai trò: Ngân hàng Người chuyển tiền (Instructing Bank), Ngân hàng Trung gian (Intermediary Bank), Ngân hàng Người hưởng (Intructed Bank), cùng với phương thức trao đổi thông tin gpi là kết nối API trực tiếp với SWIFT, giúp liên tục cập nhật 2 chiều với Tracker để truyền tải thông tin xử lý giao dịch.
Đại diện Tổ chức Swift tại Việt Nam, Bà Lê Diệu Hồng, trong một buổi công bố Ngân hàng BIDV của Việt Nam đạt chuẩn SWIFT gpi
BIDV đăng ký tham gia SWIFT gpi vào cuối tháng 12/2017 và đã chính thức triển khai dịch vụ ngày vào ngày 28/09/2018.
Trong 9 tháng triển khai dự án SWIFT gpi, dưới sự tư vấn hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia cao cấp của Tổ chức SWIFT, BIDV đã hoàn thành cải tiến nâng cấp hệ thống công nghệ nội bộ để phù hợp với chuẩn SWIFT gpi, đảm bảo dự án triển khai hiệu quả, đúng tiến độ tại BIDV.
Theo đó, BIDV thực hiện cải tiến cơ chế chính sách, quy trình nội bộ để gia tăng tỷ lệ điện SWIFT xử lý tự động, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế. BIDV cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ để chia sẻ tức thời thông tin gpi xử lý giao dịch tới khách hàng qua các kênh phân phối dịch vụ ngân hàng điện tử, cũng như sẵn sàng triển khai thêm các dịch vụ gpi mới của SWIFT.
Với việc triển khai đồng thời cả 3 vai trò: Ngân hàng GPI gửi điện, nhận điện và trung gian, kết hợp thêm điều kiện thuận lợi là hơn 93% ngân hàng đại lý của BIDV đã là ngân hàng gpi, dự kiến 98% số lượng điện SWIFT tại BIDV là điện gpi trong thời gian tới.
Vì vậy, kể từ ngày 28/09/2018, khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán của BIDV sẽ được hưởng tất cả các lợi ích to lớn mà SWIFT gpi mang lại.
Ngân hàng BIDV chia sẻ những lưu ý khách hàng nên thực hiện để trải nghiệm phương thức thanh toán hiện đại tại BIDV như: (1) Mở tài khoản thanh toán theo các loại ngoại tệ thường xuyên giao dịch tại BIDV để giao dịch được xử lý tự động (2) Cung cấp chỉ dẫn thanh toán chuẩn, đầy đủ, chính xác cho đối tác (số tài khoản đúng loại tiền tệ mà khách hàng muốn nhận tiền; ngân hàng giữ tài khoản là BIDVVNVX, Tên tài khoản và địa chỉ của khách hàng đúng với thông tin đã đăng ký với BIDV...). (3) Kết nối giao dịch điện tử với BIDV để cập nhật tự động các thông tin GPI xử lý giao dịch. (4) Cung cấp số UETR của điện chuyển tiền cho người hưởng để dễ dàng tra cứu tình trạng giao dịch với ngân hàng phục vụ.
Đáp ứng tốc độ phát triển không ngừng của nền kinh tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Ngân hàng Việt hiểu rõ lợi ích mà SWIFT gpi mang lại. Với những nỗ lực vươn lên của Ngân hàng Việt, chúng ta đã nhìn thấy thành tựu không nhỏ và hơn thế nữa, điều đó phần nào khẳng định Việt Nam không đứng ngoài cuộc và luôn bắt kịp sự phát triển chung của thế giới.
Men&Life
Bình Luận