“The Godfather” là thương hiệu điện ảnh huyền thoại với nhiều câu chuyện hậu trường khó tin dành cho người hâm mộ.
Ba tập phim Bố già từng nhận tổng cộng 24 đề cử giải Oscar, và nhận được tổng cộng 9 tượng vàng. Trải qua thời gian, The Godfather trở thành thương hiệu kinh điển của lịch sử điện ảnh. Đằng sau các tập phim là nhiều câu chuyện hậu trường ly kỳ, thú vị.
Có thể nói The Godfather (1972) đã đặt ra khuôn mẫu cho hình tượng mafia thời hiện đại. Bộ phim thành công đến mức nhiều tay tội phạm bắt đầu vay mượn các câu thoại như “Tôi sẽ cho hắn một đề nghị mà hắn không thể từ chối” ra ngoài đời thật.
Mỉa mai thay, chính các tổ chức xã hội đen từng ra sức ngăn tác phẩm bước lên màn ảnh. Trước khi bấm máy, The Godfather đã bị Liên minh Dân quyền người Mỹ gốc Italy lên án vì lo sợ những định kiến nhắm tới cộng đồng này.
Nhiều tổ chức mafia từng nhòm ngó The Godfather.
Tuy nhiên, nhóm này thực chất lại do Joseph Colombo - thủ lĩnh của băng đảng Colombo - lập nên. Mục đích của gã là giữ cho các hoạt động tội phạm nằm trong bóng tối, chứ chẳng phải đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Colombo đã phát động nhiều cuộc biểu tình để phản đối The Godfather. Thậm chí, nam ca sĩ Frank Sinatra từng biểu diễn tại một sự kiện của nhóm ở Công viên Quảng trường Madision, New York.
Khi việc lên án thất bại, tay tội phạm bắt đầu “chơi bẩn”. Gã cho những tên côn đồ bám đuôi nhà sản xuất Al Ruddy và đập nát hết kính xe hơi của ông. Robert Evans - giám đốc điều hành Paramount - nhận được một cuộc điện thoại dọa hành hung con ông. Tệ hơn, văn phòng của hãng phim tại New York đã hai lần phải sơ tán khi nhận lời đe dọa đánh bom.
Cuối cùng, Al Ruddy đành phải nhận lời gặp mặt tay trùm. Cả hai nhất trí rằng The Godfather sẽ tiếp tục sản xuất trong bình yên nếu cắt hết những từ “mafia” ra khỏi kịch bản. Trùng hợp là Joe Colombo bị ám sát trong một cuộc họp của Liên minh trong lúc phim đang quay cảnh cao trào chỉ cách đó vài dãy phố. Sự kiện đã truyền cảm hứng cho cái chết của Zoey Zasa (Joe Mantegna) trong The Godfather Part III (1990) sau này.
Tuy chỉ xuất hiện vài phút, nhưng Luca Brasi (Lenny Montana) - tay sát thủ số một của nhà Corleone - gây ấn tượng mạnh bởi vẻ ngoài đáng sợ. Trên thực tế, Lenny Montana vốn là một đô vật chuyên nghiệp với biệt danh The Zebra Kid.
Tuy nhiên, gã cũng là tay đàn em kiêm vệ sĩ thân tín của Joe Colombo. Lenny được ông trùm phái đến trường quay để giám sát đoàn phim ngay khi vừa ra khỏi tù. Song, gã lại lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Francis Coppola ngay lập tức.
Lenny Montana vốn xuất thân là một gã côn đồ.
Dĩ nhiên, Lenny là một tên côn đồ chứ không phải diễn viên chuyên nghiệp. Do đó, tay cựu đô vật trở nên lúng túng khi phải đứng cạnh Marlon Brando. Phân đoạn Luca Brasi hồi hộp luyện giọng trước khi vào gặp Vito Corleone thực chất là do Lenny đang cố gắng học thuộc lời thoại.
Đạo diễn Francis Coppola quyết định đưa cảnh quay này vào phim để thể hiện sự đáng sợ của bố già, ngay cả với một tên sát thủ máu lạnh.
Ngoài Lenny Montana, nhiều tên giang hồ khác cũng xuất hiện trên trường quay và được Francis Coppola tuyển luôn vào dàn diễn viên. Alex Rocco - người thủ vai ông trùm sòng bạc Moe Green - là một ví dụ. Trước khi chuyển đến Hollywood, gã là thành viên của băng đảng Winter Hill ở Boston.
Gianni Russo trong vai Carlo Rizzi cũng là một diễn viên có gốc gác tội phạm. Gã hé lộ rằng bản thân là cộng sự của tay sát thủ sừng sỏ Frank Castello thuộc băng đảng Colombo và từng giết chết ba người.
Trên thực tế, không ít diễn viên trong phim từng là thành viên băng đảng.
Trong lúc chuẩn bị cho vai diễn Sonny Corleone, nam diễn viên James Caan kết bạn với tên tội phạm Carmine “The Snake” Persico. Cả hai vẫn giữ mối quan hệ thân thiết ngay cả khi Persico trở thành thủ lĩnh của nhà Colombo. Thậm chí, James còn bị cảnh sát nghi ngờ có dính tới các hoạt động phi pháp của tổ chức tội phạm.
Việc liên tục tuyển thành viên trong băng đảng làm diễn viên của Coppola đã khiến các tay trùm “nóng mặt”. Trong lúc đang quay The Godfather Part III, một thành viên cấp cao của nhà Colombo là John Gotti đã yêu cầu được gặp vị đạo diễn gốc Italy. Tuy nhiên, ông cáo bận và nhờ trợ lý mời tay trùm ra về.
Vào thời điểm năm 1971, Paramount tỏ ra lo lắng về khả năng thành công của The Godfather cùng tham vọng của vị đạo diễn trẻ. Họ không thích bối cảnh thời gian những năm 1940, cũng như sự góp mặt của Marlon Brando và Al Pacino. Thậm chí, các lãnh đạo hãng cũng chẳng ưa bất cứ cảnh quay nào và dự tính đuổi Coppola khỏi ghế chỉ đạo.
Cảnh quay giúp Paramount đặt trọn niềm tin ở Francis Ford Coppola.
May mắn thay, cảnh quay trong nhà hàng đã thay đổi tất cả. Các giám đốc điều hành bị thuyết phục bởi màn trình diễn của Al Pacino khi Michael Corleone ám sát hai đối thủ ngay giữa bữa ăn. Lúc này, hãng Paramount mới rút lui và để Coppola thoải mái sáng tạo.
Khi The Godfather thành công vang dội cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật, Paramount tha thiết muốn thực hiện phần tiếp theo. Tuy nhiên, Coppola lại từ chối vì sợ tiếp tục vướng vào những lùm xùm hậu trường như tác phẩm vừa ra mắt.
Ông cũng sợ rằng nếu phần hậu truyện thất bại thì sẽ phá nát những di sản mà kiệt tác trước để lại. Ngoài ra, vị đạo diễn muốn tập trung vào các dự án cá nhân, thay vì tiếp tục thực hiện một bom tấn.
The Godfather suýt chút nữa đã dừng lại chỉ sau một phần phim.
Tuy nhiên, hãng phim đã cho Coppola “một đề nghị mà ông không thể từ chối”. Đầu tiên, họ mời ông vào ghế sản xuất kèm quyền tự chọn đạo diễn. Tuy nhiên, khi Coppola tiến cử Martin Scorsese thì nhanh chóng bị từ chối. Lúc này, Paramount “lật bài ngửa” và trả cho ông khoản tiền 1 triệu USD. Ngoài ra, họ còn đồng ý tài trợ cho một số dự án độc lập khác của Coppola trong tương lai.
Trong phần phim đầu tiên, Richard Castellano thủ vai Peter Clemenza - một trợ thủ đắc lực của Vito Corleone. Ngạc nhiên thay, đây mới chính là diễn viên có thù lao cao nhất The Godfather. Sang phần hậu truyện, ông đòi cát-xê cao hơn và thậm chí là một biên kịch viết thoại riêng.
Coppola không đồng ý và Clemenza bị giết chết trong khoảng thời gian giữa hai phần phim. Vị đạo diễn cũng tạo ra Frankie Pentangeli (Michael V. Gazzo) để lấp vào chỗ trống này.
Tranh chấp thù lao từng khiến thương hiệu đánh mất một số ngôi sao.
Sang phần ba, đến lượt Robert Duvall rời khỏi loạt phim khi không nhận được mức thù lao ngang bằng với Al Pacino. Tuy nhiên, Coppola tỏ ra hối tiếc với quyết định này và cho rằng The Godfather Part III không hoàn hảo khi thiếu vắng Tom Hagen.
Lẽ ra, viên cố vấn này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành các quỹ từ thiện của nhà Corleone, đồng thời cũng là kẻ phản bội trong phân đoạn cuối cùng.
Sau khi thực hiện hai phần phim, Coppola lần này quyết tâm từ chối làm tiếp phần ba với lý do câu chuyện đã kết thúc. Hãng phim đành phải tìm sự thay thế và viết đến 18 kịch bản khác nhau.
Trong một phiên bản, Connie Corleone (Talia Shire) đầu độc Michael. Một kịch bản khác chứng kiến việc ông trùm tự sát bằng súng. Thậm chí, có một ý tưởng còn cho băng đảng kết hợp với CIA để tiêu diệt một tổ chức ma túy lớn.
The Godfather Part III từng trải qua quá trình phát triển lâu dài với vô số kịch bản khác nhau.
Kỳ lạ hơn, Paramount còn tính chuyện mời Sylvester Stallone viết kịch bản và góp mặt trong phim. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức ý tưởng khi Coppola quay trở lại ghế đạo diễn. Lý do là ông cần tiền để cứu vãn xưởng phim riêng đang trên đà phá sản. Có thể nói sự trở lại của ông đã cứu vãn cả thương hiệu khỏi một cái kết thảm họa.
Theo Zing News
Bình Luận