Cốt truyện và phát triển nhân vật là yếu tố quan trọng làm nên thành công của một bộ phim. Tuy nhiên, một bộ phim cũng có thể bị hủy hoại vì sai lầm trong khâu tuyển diễn viên.
Chọn người nhà: Trong The Godfather III (1990), Francis Ford Coppola đã chọn con gái ông, Sofia, để vào vai Mary Corleone. Giới phê bình đã gọi đây là một sự ưu ái "con ông cháu cha" vô lý.
Vai diễn của Sofia Coppola hoàn toàn thừa thãi với tổng thể bộ phim, chưa kể diễn xuất của cô còn non nớt với biểu cảm khô cứng. Cảnh cái chết của nhân vật Corleone cũng được cho là ví dụ trực quan nhất ghi lại những điều diễn viên phải tránh khi diễn xuất.
Chọn diễn viên với chất giọng không phù hợp: Bộ phim Dracula (1992) của đạo diễn Francis Ford Coppola có thể hoàn hảo hơn nữa, nếu vai Jonathan Harker – người “khách” của bá tước Dracula – được giao cho một nam diễn viên khác thay vì Keanu Reeves. Nam diễn viên đã gặp rất nhiều khó khăn khi cố thoại bằng giọng Anh - Anh theo đúng mô tả nhân vật trong nguyên tác tiểu thuyết của Bram Stoker.
Chưa kể, khuôn mặt mang vẻ đẹp hiện đại hòa trộn giữa các đặc trưng chủng tộc của người Hawaii bản địa, Bồ Đào Nha, Anh và Trung Quốc của Reeves cũng khiến anh lạc ra khỏi tổng thể bộ phim lấy bối cảnh thế kỷ 19.
Chọn diễn viên có diện mạo thiếu thuyết phục: Người đẹp Denise Richards hoàn hảo để vào vai Bond girl trong một phần phim 007. Tuy nhiên, trong The World is not Enough (1999), phần phim thứ 19 về James Bond, việc nhà sản xuất chọn cô vào vai một nhà vật lý nguyên tử lại tỏ ra thiếu thuyết phục.
Ngoại hình của Richards khiến khán giả khó mà tin được cô là một chuyên gia về vũ khí. Thêm vào đó, sự sến súa và thiếu hòa hợp của cô với Pierce Brosnan càng khiến Denise Richards “mất điểm” nặng nề. Sau hơn 20 năm, người đẹp vẫn được nhớ đến với danh xưng “Bond girl tệ nhất mọi thời đại”.
Chọn nữ diễn viên không đảm nhận được vai diễn yêu cầu kỹ thuật phức tạp: Bộ phim Gangs of New York (2002) của Martin Scrosese gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ diễn xuất của dàn diễn viên nam gồm những tên tuổi lớn như Daniel Day-Lewis, Leonardo DiCaprio, Liam Neeson.
Dù là bóng hồng của bộ phim, Cameron Diaz gây thất vọng vì khả năng giả giọng Iceland bản xứ vụng về. Những cảnh phim cô xuất hiện đều khiến khán giả tinh ý buồn cười thay vì chìm vào cảm xúc cùng nhân vật. Diaz cũng bị cho là lý do khiến Gangs of New York trượt giải Oscar cho Phim xuất sắc vào tay bộ phim Chicago.
Chọn diễn viên thiếu đi khí chất siêu anh hùng: Rất lâu sau khi Daredevil (2003) ra mắt, quyết định lựa chọn Ben Affleck vào vai Matt Murdock / Daredevil của đạo diễn Mark Steven Johnson vẫn là một câu hỏi lớn với người hâm mộ.
Trên phim, Affleck dường như không nhớ nhân vật của mình bị mù. Thêm vào đó, hình ảnh người siêu anh hùng với rất nhiều trăn trở nội tâm kiên cường vượt qua nghịch cảnh mà Ben Affleck thể hiện trên màn ảnh bị Todd McCarthy, cây bút phê bình của Variety ví von như một kẻ giả mạo đứng giữa hàng ngũ các siêu anh hùng.
Chọn diễn viên có diện mạo quá hiền vào vai phản diện: Trong series truyền hình nổi tiếng Dexter, Dexter Morgan đã phải đối đầu với rất nhiều tên giết người hàng loạt gây ám ảnh. Danh sách này chắc chắn không bao gồm Travis Marshall - tên giết người Ngày tận thế trong mùa thứ bảy ra mắt năm 2012.
Vai diễn được giao cho Colin Hanks, con trai của nam diễn viên gạo cội Tom Hanks. Giống như bố, Colin Hanks có vẻ ngoài quá lương thiện để vào vai một tên sát nhân tâm thần.
Chọn diễn viên kém thanh nhạc vào phim ca vũ nhạc: Về tổng thể, Les Misérables (2012) là một bộ phim hay và cảm động. Anne Hathaway đã nhận một giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai diễn nàng Fantine tội nghiệp, và Hugh Jackman đã có một vai diễn Jean Valjean để đời, một lần nữa chứng minh khả năng của anh trong những bộ phim ca vũ nhạc.
Tuy nhiên, với Russell Crowe trong vai thanh tra Javert, anh vẫn làm rất tốt cho tới khi cất giọng. Đoạn đơn ca kéo dài ba phút của Crowe trong cảnh phim Javert tự sát là phần khó nghe, khó cảm nhất trong suốt chiều dài bộ phim dù diễn xuất của nam diễn viên không hề tệ.
Chọn diễn viên chỉ vì ngoại hình giống nguyên mẫu nhân vật: Dù Ashton Kutcher trông hao hao Steve Jobs ngày trẻ, nhưng ngoại hình ấy không giúp nam diễn viên thể hiện được thần thái của vị tổng giám đốc quá cố của Apple. Điều gì đến cũng phải đến, Kutcher đã thất bại trong việc hóa thân thành một trong những nhân vật tiêu biểu nhất thế kỷ XXI trong Jobs (2013), bộ phim tiểu sử về ông.
Chỉ hai năm sau, Michael Fassbender, nam diễn viên có ngoại hình không hề tương đồng với Jobs, đã vào vai vị doanh nhân, và thành công khắc họa tính cách cũng như con người ông trên màn ảnh trong Steve Jobs (2015) – bộ phim vẫn thường được nhắc đến như “bộ phim hay hơn về Steve Jobs”.
Chọn diễn viên hài vào một vai đen tối: Năm 1998, Vince Vaughn từng gây thất vọng khi vào vai tên sát nhân tâm thần trong bản làm lại từ bộ phim kinh điển Psycho. Tới năm 2015, nam diễn viên nhận một vai trong mùa thứ hai của phim truyền hình ăn khách True Detective – lần này, hậu quả của việc chọn sai vai diễn của Vaughn còn nghiêm trọng hơn 17 năm về trước.
Nhân vật tên tội phạm khét tiếng Frank Semyon của Vince Vaughn đã khiến người hâm mộ True Detective phẫn nộ. Sau khi series phim chết yểu ở mùa thứ tư, Vince Vaughn quyết định quay về với thể loại thế mạnh của mình – những bộ phim hài.
“Tẩy trắng” nhân vật: Rất nhiều bộ phim Hollywood đã chịu chỉ trích nặng nề từ khán giả khi cố tình chọn những diễn viên da trắng vào vai nhân vật thuộc các sắc tộc khác như The Lone Ranger chọn Johnny Depp vào vai một người da đỏ hay Prince of Persia: The Sands of Time cố tình chọn Jake Gyllehaal vào vai một người Ba Tư.
Năm 2017, bộ phim Ghost in the Shell tiếp tục đi vào vết xe đổ khi chọn Scarlett Johannson vào vai Motoko Kusanagi, một cô gái người Nhật. Người hâm mộ nguyên tác thậm chí còn ký tên kiến nghị yêu cầu nhà sản xuất tuyển lại diễn viên. Tuy sự khác biệt về chủng tộc được lý giải một cách khá hợp lý, Ghost in the Shell vẫn không đủ sức thuyết phục những người hâm mộ khó tính.
Theo Zing News
Bình Luận