Tương tự như việc làm mẹ kế, trở thành bố dượng không phải là một điều dễ dàng đối với các quý ông. 12 lưu ý sau sẽ giúp bạn thích ứng tốt hơn trong mối quan hệ nhạy cảm này.
1. Đừng vội vàng biến mình trở thành bố dượng
Ngay khi trở thành bố dượng của trẻ vì bạn mới kết hôn với mẹ bé hay dọn về sống chung chính thức thì cũng đừng vội lao ngay vào vai trò mới. Bởi bạn sẽ làm mất cân bằng mối quan hệ gia đình vốn đã tồn tại từ trước trong lòng trẻ. Trước khi thiết lập được mối quan hệ thực sự tốt với trẻ và thích nghi với việc chung sống dưới một mái nhà với người bạn đời mới, bạn hãy tránh xa lĩnh vực nuôi dạy con riêng của cô ấy. Bạn chỉ cần giữ mình ở vai trò hỗ trợ mẹ của bé và giúp đỡ khi được cô ấy yêu cầu.
2. Giữ mình ở vai trò bố dượng
Bạn muốn trở thành một người bố dượng như thế nào? Bạn muốn xây dựng mối quan hệ như thế nào với con riêng của vợ? Thành người thân thực sự hay chỉ cần hòa hợp với nhau trong một gia đình. Biết rõ điều mình muốn sẽ giúp bạn có kế hoạch và cách cư xử phù hợp với trẻ. Bạn cũng nên bàn bạc với bạn đời của mình về điều này, hiểu điều cô ấy kỳ vọng và bạn có đáp ứng được kỳ vọng đó hay không hay chỉ ở một mức độ nào đó?
Nhiều quý ông thực sự yêu mẹ của đứa trẻ nhưng lại không thể nào yêu con riêng của vợ. Đặc biệt là khi đứa trẻ đó cũng không thích họ. Trường hợp này phải làm sao? Tình cảm là điều không thể ép buộc, bạn hãy cứ cư xử đúng mực và tôn trọng, thời gian sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ một cách tự nhiên.
3. Đừng mong chờ được hoan nghênh nhiệt liệt
Kết đôi với một người đã từng ly hôn là bạn đang bước vào mối quan hệ với một gia đình mới vẫn còn tổn thương vì những điều xảy ra trước đó. Những đứa trẻ trong gia đình có thể vẫn còn chưa chấp nhận được sự chia ly của cha mẹ và đang cố gắng thích nghi. Thế nên không có gì phải thất vọng nếu trẻ tỏ ra ghét bạn, khó chịu với bạn. Chúng chỉ là đang phản đối tình huống chứ không phải con người bạn. Hãy bình tĩnh, giữ khoảng cách và chờ đợi trẻ dần chấp nhận.
4. Không nói xấu bố ruột của trẻ
Điều quan trọng nhất là bạn cần tránh tỏ thái độ thiếu tôn trọng bố ruột của trẻ khi ở bên cạnh trẻ. Nếu bị đối xử bất lịch sự bởi chồng cũ của bạn đời, bạn có thể thảo luận với bạn bè của mình để giải tỏa hoặc với chính bạn đời mới của mình. Nhưng hãy nhớ là tránh xa trẻ khi nói đến các vấn đề đó.
Nếu bạn biết các vấn đề liên quan đến việc nuôi dạy con cái của bố ruột trẻ không hề tốt - ngược đãi, bỏ bê hay điều gì đó không tốt, đừng vội chỉ trích hay giải thích với trẻ. Hãy tin tưởng rằng trẻ sẽ tự nhìn thấy điều đó. Bạn chỉ cần đứng phía sau hỗ trợ và mang đến cho trẻ sự giúp đỡ cần thiết.
5. Không có những giải pháp nhanh chóng
Mối quan hệ nào cũng cần thời gian để hình thành. Bạn không thể ép buộc con riêng thân thiết với mình ngay khi mới bắt đầu sống chung. Hãy từ từ làm quen, lắng nghe chúng, tìm hiểu sở thích của chúng, dành thời gian ở bên trẻ (không ép buộc). Nhưng bạn cũng đừng nghĩ quan hệ thân thiết sẽ được xây dựng nhanh chóng hoặc mọi thứ diễn ra đúng như ý bạn mong muốn.
6. Quan sát và có ranh giới
Một người bố dượng tốt cần biết quan sát và có ranh giới. Bạn cần biết khi nào nên can thiệp và khi nào lùi lại một bước để bố ruột tham gia. Đừng trở thành người thay thế, hãy tôn trọng các mối quan hệ cũ của trẻ và xây dựng mối quan hệ của riêng mình.
Bạn cũng đừng nên ép buộc trẻ gọi mình là bố. Từ bố có tính biểu tượng to lớn đối với mọi đứa trẻ. Vì thế, bạn nên chấp nhận bé có thể gọi mình là chú, bác hoặc dượng chứ không phải là “bố”.
7. Kỷ luật nhưng không hà khắc
Mọi kỷ luật đặt ra cho con riêng nên được bàn luận với mẹ của trẻ. Những quy định quá cứng nhắc, hà khắc sẽ là rào cản cho mối quan hệ thân thiết của bố dượng và con riêng. Thế nên, bạn nên thỏa thuận trước với bạn đời của mình và thông báo cho trẻ trước khi đưa ra quy định nào đó trong gia đình mới.
8. Đừng từ bỏ các sở thích riêng
Tìm điểm chung với con riêng không phải là đường một chiều. Bạn biết ít về trẻ và trẻ cũng biết rất ít về bạn. Thế nên đừng từ bỏ sở thích của mình và chỉ chăm chăm theo sở thích của trẻ. Bạn cứ giữ sở thích của mình và chia sẻ với trẻ về chúng. Ngược lại, nó cũng có thể khiến trẻ cởi mở hơn về sở thích của chúng với bạn.
9. Tránh đưa mình vào tình thế cạnh tranh
Khi bạn cùng bạn đời mới ở chung, trẻ có thể coi bạn là đối thủ tranh giành tình yêu thương và thời gian của mẹ chúng. Vì thế, bạn nên hy sinh chút thời gian thân mật với mẹ của trẻ ngay từ đầu và nhường không gian cho trẻ trò chuyện, gần gũi với mẹ trước. Bạn đời của bạn sẽ rất cảm kích bạn về điều này và biết rằng mình được thông cảm. Nó cũng sẽ giúp bạn phát triển mối quan hệ theo chiều hướng sâu sắc hơn.
10. Thỏa thuận với bạn đời về việc giữ khoảng cách với người cũ
Đôi khi vì bọn trẻ, bạn đời của bạn phải dành thời gian chung với người cũ. Điều đó khiến bạn cảm thấy “ghen” vì họ có vẻ ấm cúng quá mức hay bạn cảm thấy họ mới là một gia đình hoàn chỉnh? Đây là một cảm xúc khó chịu, thế nên ngay từ đầu, hãy thảo luận với cô ấy về việc giữ khoảng cách với người cũ khi cả gia đình sum họp và những ranh giới cần tránh.
11. Giải quyết vấn đề giữa con riêng của cả hai
Nếu cả bạn lẫn cô ấy đều có con riêng, cùng sống dưới một mái nhà thì vấn đề khác thói quen, tính cách, trách nhiệm… sẽ được bộc lộ. Ví dụ con bạn ăn xong đi rửa chén, con cô ấy chỉ ăn xong rồi đi chơi, con cô ấy không uống nước ngọt, con bạn lại uống tù tì mấy chai mỗi ngày… Mâu thuẫn sẽ phát sinh từ những việc nhỏ đó. Thế thì phải làm sao? Câu trả lời là hai bạn phải thỏa thuận để đặt ra nội quy trong gia đình: Trách nhiệm nấu nướng, phụ việc cụ thể như lau nhà, phơi đồ, rửa chén, giờ đi ngủ, bài tập về nhà… Tuyệt đối đừng đối xử khác biệt giữa con bạn và con cô ấy, những quy tắc đó cần được áp dụng cho tất cả mọi người.
Khi có con chung, các quy tắc này cũng vẫn phải được tuân thủ. Nhất là khi xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên con riêng, giữa con riêng và con chung. Tất cả bọn trẻ cần được phân tích rõ ràng tình huống, lỗi sai, điều đúng đắn của từng người một cách công bằng, rõ ràng.
12. Thanh toán các hóa đơn
Vấn đề tài chính liên quan đến nuôi dạy con riêng cũng cần được làm rõ với người bạn đời của bạn. Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng rất cần minh bạch để tránh gây mâu thuẫn và ức chế cho mối quan hệ gia đình. Không có quy định mẫu nào cho vấn đề này nên bạn phải suy nghĩ và bàn bạc với bạn đời mới để đưa ra phương án phù hợp nhất với gia đình mình.
Gia đình hỗn hợp, có cả con riêng của vợ hoặc chồng và con chung ngày càng phổ biến. Đó là trường hợp đặc biệt mang đến cho các quý ông (vốn không giỏi trong việc thể hiện tình cảm và sự quan tâm đến những đứa trẻ) nhiều bối rối. Tuy nhiên, nếu khéo léo, tinh tế và chân thành, bạn vẫn có thể trở thành một người bố dượng tốt và nhận được nhiều tưởng thưởng bất ngờ. Hy vọng 12 lưu ý đúc kết từ kinh nghiệm của những quý ông đi trước sẽ giúp bạn cảm thấy “dễ thở” hơn trong mối quan hệ nhạy cảm này.
Men&life
Bình Luận