Trong cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, Quách Thái Công không chỉ cho người đối diện thấy được chân dung một nhà thiết kế nội thất đẳng cấp với tầm nhìn xa, niềm say mê trong lĩnh vực thiết kế nội thất xa xỉ. Có khi lại thấy anh là một doanh nhân quyết đoán với những ý tưởng kinh doanh và quản trị nhân sự sáng tạo. Thậm chí, có lúc anh gay gắt, quyết liệt, thẳng thắn thể hiện và bảo vệ quan điểm của mình trong vai trò của một chuyên gia am hiểu sâu sắc về giá trị của những gì mình làm. Và trên hết, bất kỳ ai tiếp xúc với anh đều nhận ra, Quách Thái Công là người luôn trăn trở và tiên phong, tâm huyết với việc đánh thức, nâng tầm gu thẩm mỹ, nhận thức cho người Việt về cách sống duy mỹ của giới thượng lưu, dù thực tế anh phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều, chỉ trích và phán xét.
BÀI TOÁN NHÂN SỰ TRONG NGÀNH KINH DOANH ĐỒ XA XỈ
Anh theo gia đình sang Đức định cư từ nhỏ và đã có khoảng thời gian hơn 30 năm sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia này, vậy khi chuyển về Việt Nam anh có bị sốc văn hóa không?
Có! Tôi thấy người Việt Nam rất quan trọng việc giữ thể diện, bộ mặt cho mình và gia đình nhưng họ lại sẵn sàng vứt rác nơi công cộng. Ở Đức hoàn toàn ngược lại, nếu một người xả rác ra ngoài đường họ sẽ bị mất mặt, mất thể diện. Tôi nhớ gần 10 năm trước khi mới về Việt Nam, có lần tôi đi sang đường, đó là phần đường cho người đi bộ, có một chiếc taxi cứ ủi đến, họ không chịu nhường. Người Đức vốn rất thẳng thắn, họ dừng chiếc xe đó lại và nhắc nhở tài xế. Nhưng ở Việt Nam, điều này không có tác dụng.
Một thời gian sau, tôi hiểu là phải nhập gia tùy tục, nhưng theo hướng tiêu cực chứ không phải tích cực, tức là mình phải bớt lên tiếng và bớt bức xúc những chuyện như vậy, phải lui lại để bảo vệ mình. Người Việt Nam thật sự rất tốt, nhưng môi trường sống như vậy khiến cho con người có tâm lý đề phòng, đi ra đường thấy người khác bị tai nạn, hay bị cướp, họ cũng không dám dừng lại giúp, vì họ sợ bị liên lụy, gặp rắc rối. Nhưng nếu ở Đức, khi anh nhìn thấy người khác gặp nạn mà bỏ đi, anh có thể bị thưa kiện và điều này được luật pháp quy định rõ ràng.
Anh vừa nhắc đến chuyện người Đức rất thẳng thắn, tôi còn được biết họ nổi tiếng là những người luôn đúng giờ, kỷ luật và kỹ tính… anh có vậy không?
Có chứ! Ở Đức, tôi được giáo dục những đức tính này từ nhỏ. Hồi 15 tuổi, tôi có học thêm tại nhà của một cô giáo. Nếu giờ học bắt đầu lúc 19 giờ tối, tôi phải có mặt ở nhà cô từ lúc 18 giờ; uống trà, ăn bánh rồi mới vào học. Hoặc nếu đi xem opera lúc 19 giờ tối, tôi phải tính toán sao có mặt ở nhà hát trước giờ biểu diễn khoảng 45 phút. Nhà hát sẽ đóng cửa lúc 19 giờ, nếu đến trễ bạn không được vào tham dự. Ở đây không có chuyện năn nỉ, thỏa hiệp hay ưu ái cho một trường hợp ngoại lệ nào dù anh có mua vé hạng VIP và mắc tiền.
Nhờ đó, tôi được rèn được tính kỷ luật, luôn đúng giờ, biết giới hạn để không có giờ “dây thun”. Sau này về Việt Nam mở công ty, tôi cũng muốn xây dựng tính kỷ luật đó cho đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, với 70 nhân viên, việc tìm cách sao cho họ đi làm đúng giờ cũng không phải chuyện dễ. Công ty phải nghĩ đủ ý tưởng để giải quyết vấn đề này.
Và một trong những ý tưởng đó là…
Ví dụ 10 giờ sáng là văn phòng và showroom của tôi mở cửa và bắt đầu tính giờ trả tiền lương cho nhân viên. Nhưng thực tế, 10 giờ nhân viên mới đến bấm vân tay check-in, sau đó lấy đồ ra ăn sáng, ngồi trang điểm… rồi có khi 10 giờ 15 họ mới vào vị trí làm việc. Vậy để đảm bảo đúng 10 giờ họ bắt đầu vào làm việc, công ty phải chấp nhận chịu thiệt, trả lương cho họ từ 9 giờ 45, cho họ thêm 15 phút ngồi chơi, làm việc riêng; sau đó đúng 10 giờ sẽ vào vị trí làm việc.
Để làm việc trong lĩnh vực kinh doanh đồ xa xỉ, nhân viên cần am hiểu kiến thức về sản phẩm, phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp… Anh có gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự không?
Rất khó, và khó hơn nhiều so với tưởng tượng của mọi người.
Giống như nghề bác sĩ, bạn phải học thì mới hành nghề được, chứ không thể hành nghề thông qua học lóm. Ở Đức, bạn muốn trở thành một nhân viên bán hàng thời trang, nội thất, bất động sản, thậm chí bán thịt cũng phải học ít nhất 3 năm mới có người thuê.
Muốn trở thành nhân viên bán đồ nội thất bạn phải học vô số thứ như học về các loại vải; trong các loại vải thì phải phân biệt vải may màn, vải may sofa; rồi học về các phong cách nội thất, cách tiếp xúc, giao tiếp với khách hàng… Kinh doanh đồ xa xỉ, tôi không thể giao việc cho một nhân viên không có kỹ năng và kinh nghiệm tiếp những khách hàng cao cấp rồi tư vấn sai cho họ. Ở Đức, tìm những nhân sự đáp ứng được yêu cầu công việc như vậy rất dễ, nhưng ở Việt Nam, điều này rất rất khó.
Vậy anh giải quyết bài toán này như thế nào?
Tôi buộc phải chấp nhận “hy sinh”, tiêu tốn rất nhiều chi phí và thời gian cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Tôi tuyển dụng những bạn chưa có kinh nghiệm nhưng có ngoại hình và những đức tính như tự tin, thật thà, nỗ lực học hỏi… Sau đó, công ty sẽ đào tạo các bạn trong vòng 3 đến 6 tháng, suốt thời gian này các bạn chưa được tiếp khách nhưng vẫn được trả lương chỉ để học việc. Hết thời gian thử việc, nếu phù hợp các bạn sẽ ở lại làm và trở thành nhân viên chính thức. Thực sự, tìm được ra được nhân sự mà đáp ứng được tiêu chí làm việc ở Thái Công Interior Design không dễ dàng chút nào.
RANH GIỚI GIỮA TRỌC PHÚ VÀ THƯỢNG LƯU
Là người có tư duy về nội thất, nghệ thuật, thẩm mỹ và cái đẹp nhưng lại làm kinh doanh, hai cá tính nghệ sĩ và doanh nhân trong con người anh có mâu thuẫn gì không?
Tôi nghĩ không cứ phải làm nghệ sĩ là người nghèo đói, hay làm kinh doanh không có nghĩa là chỉ làm vì tiền. Tôi không giống kiểu họa sĩ chỉ thích vẽ nhưng không có đủ chi phí trả tiền nhà, mua màu vẽ… như Van Gogh của hơn 100 năm trước, mà có lẽ tôi giống Pablo Picasso hơn, ông ấy bán tranh rất tốt khi còn sống. Tôi đam mê, yêu thích công việc mình làm, nhưng đồng thời có khả năng kiếm được thu nhập từ công việc ấy.
Tôi rất thích bay bổng với những ý tưởng, nhưng nếu làm ra sản phẩm mà chỉ “đốt lửa nhảy múa” xung quanh rồi bán không ai mua thì không ổn. Nhưng, nếu làm ra một sản phẩm chỉ để bán thôi, không xuất phát từ đam mê thì mình đánh mất luôn giá trị, gu thẩm mỹ của mình. Ví dụ, tôi có thể kiếm lời rất tốt từ công việc kinh doanh đồ nội thất với chất lượng kém, nhưng với tôi nó rất sến súa nên tôi không làm. Tôi chỉ bán những sản phẩm có giá trị văn hóa, kỹ thuật, thẩm mỹ cao và có lợi ích với người sử dụng.
Để có thể tư vấn được cho khách hàng một công trình chất lượng, người tư vấn không chỉ đơn thuần hiểu về nội thất mà cần có gu thẩm mỹ, am hiểu về nhiều lĩnh vực như hội họa, nghệ thuật, điện ảnh… Ở Đức anh có được đào tạo những thứ này không?
Nếu bạn theo học ngành nội thất, trường học chỉ dạy cho bạn về kỹ thuật, màu sắc… Nhưng về gu thẩm mỹ, bạn cần phải học hỏi, tự trải nghiệm và tích lũy theo thời gian.
Từ khi 15 tuổi tôi đã thích nghe nhạc Opera, trong khi chị gái tôi không chịu nổi thứ nhạc này; tôi thích đi thăm các bảo tàng, triển lãm nghệ thuật. Khi 20 tuổi tôi đã làm ra tiền và bỏ tiền đi học thiết kế thời trang, đi du lịch, gặp gỡ nhiều người… Từ sở thích sẽ hình thành nên niềm đam mê, rồi từ đam mê mình sẽ biết phải học hỏi những gì để nâng cao chuyên môn. Đến nay, tôi đã có 35 năm sống với đam mê của mình. Bạn phải là người có phong cách thì mới tạo ra được phong cách. Muốn vậy, bạn đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức cho niềm đam mê đó.
Như vậy anh cũng yêu thích đồ xa xỉ trước khi bước vào kinh doanh dòng sản phẩm này?
Đúng vậy! Tôi mê đồ xa xỉ từ nhỏ. Năm 18 tuổi tôi làm ảo thuật gia và kiếm được khá nhiều tiền, lúc đó tôi đã tìm mua đồ chất lượng hoặc chiếc tủ cổ điển đắt gấp ba lần tủ bình thường. Chị gái tôi hay thắc mắc tại sao tôi lại cứ chi một khoản tiền lớn để mua những món đồ này. Đến ngay cả chị gái trong nhà còn không hiểu được tầm nhìn của tôi và giá trị của các món đồ xa xỉ ấy, thì tôi cũng không ngạc nhiên nếu bị người ngoài phê bình, phán xét. Hai năm đầu tiên về Việt Nam, tôi đã bỏ rất nhiều tiền để sửa sang căn nhà ở đường Tú Xương, tôi thiết kế và trang bị những đồ nội thất xa xỉ để cho mọi người hiểu khái niệm thế nào là sang trọng. Nhưng, có người đến xem và nhận xét: ngôi nhà cũng bình thường. Với họ, một ngôi nhà sang trọng là phải có ghế lớn giữa nhà, làm bằng gỗ cẩm lai… Tôi thấy thời điểm đó chưa phù hợp kinh doanh nội thất cao cấp ở Việt Nam.
Đâu là ranh giới để phân biệt giữa kẻ trưởng giả và một người thuộc giới thượng lưu, quý tộc?
Nói về giới thượng lưu hay quý tộc trên thế giới người ta có khái niệm “old money” và “new money”. Ngoài việc chỉ những gia tộc giàu có qua nhiều thế hệ (old money) và những gia tộc giàu có mới nổi (new money), hai từ này còn nói về phong cách thời trang và lối sống của họ và đặc biệt là thái độ sống. Những người “old money” chú trọng vào vẻ đẹp tri thức, thanh lịch, chuẩn mực. Họ sử dụng những món đồ chất lượng và không phô trương. Những người “new money” họ thích sử dụng những món đồ lấp lánh, diêm dúa; phô trương sự giàu có với logo nhãn hiệu thật to.
Mục đích của tôi là muốn đánh thức sự tử tế, nâng cao gu thẩm mỹ, giúp cho người Việt Nam định hình một phong cách sống tinh tế hơn, có cơ hội trải nghiệm những gì giá trị nhất của ngành thiết kế nội thất thế giới. Người thuộc giới thượng lưu ở Việt Nam là những người có tiền, họ biết trân trọng cái đẹp, chịu khó học hỏi, muốn nâng cao đời sống của mình, họ nhờ tôi tư vấn để xây dựng một ngôi nhà, không gian sống chất lượng từ cái ly, cái ghế, đến phòng ngủ, bàn ăn đều sang trọng và tinh tế… Thế hệ con cái họ được sống trong ngôi nhà như vậy tư duy, gu thẩm mỹ cũng sẽ khác và phát triển hơn. Còn những “trưởng giả học làm sang” là những người có thái độ sống không chuẩn mực dựa trên tiền bạc, không đề cao giá trị thật của cuộc sống, không mở mang để tích luỹ kiến thức, gu thẩm mỹ về cái đẹp mà lại thích thể hiện phô trương sự giàu có một cách kệch cỡm.
Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là những người vừa không có tiền, lại vừa không có kiến thức và không hiểu được giá trị thực của món đồ xa xỉ. Họ có những tư duy kiểu như: “Nếu có tiền, tôi sẽ mua luôn cả cái tiệm đồ hiệu”. Bốn năm qua làm kênh Youtube tôi phát hiện ra một nghịch lý là những người không bỏ ra một đồng để mua sản phẩm dịch vụ của tôi, những người không hiểu thực sự giá trị của chúng lại là những người chê bai tôi nhiều nhất.
CẦN CÁI NHÌN VĂN MINH HƠN VỀ LGBT
Thành công đối với anh là gì?
Đó là một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc, ăn được, ngủ được, có sức khỏe, có các mối quan hệ tốt…
Theo anh, bản lĩnh của một người thể hiện qua điều gì?
Người đó có thể làm chủ được cảm xúc của mình, biết giữ bình tĩnh, không để cảm xúc điều khiển khiến mình nói và làm những việc sau này phải hối hận. Trước một vấn đề, họ biết lùi lại một bước, nhìn tổng quát và hiểu mọi thứ đều có lý do, tất cả cần thời gian, rồi sẽ giải quyết được.
Anh đã thất tình bao giờ chưa?
Chắc phải đến chục lần. (Cười)
Khi người ta càng yêu hết mình thì lúc bị thất tình, cảm giác họ phải đối diện sẽ càng kinh khủng. Nhưng thất tình với tôi cũng có cũng có giá trị. Ngày xưa mỗi lần thất tình tôi hay nghe các bài nói chuyện của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng lâu rồi tôi không còn phải nghe nữa.
Anh có muốn gửi gắm thông điệp gì đến độc giả đọc bài báo này không?
Có thể khi thấy tôi xuất hiện trên trang bìa Men&life thì mọi người sẽ phán xét rằng tại sao một người LGBT lại xuất hiện trên trang bìa của tạp chí về đàn ông. Tuy nhiên, mọi người cần phân biệt rõ ràng giữa giới tính và xu hướng tính dục của một người. Tôi là Quách Thái Công, giới tính nam trên hộ chiếu, và tôi có xu hướng tính dục với người nam. Đơn giản là như vậy!
Ở những đất nước văn minh, trong một số nhà hàng hay khách sạn họ xây những phòng vệ sinh và để biển là “All Gender” để đảm bảo công bằng và dành cho mọi đối tượng giới tính với những xu hướng tính dục khác nhau. Tôi nghĩ ở Việt Nam, chúng ta cần có cái nhìn văn minh và cởi mở hơn về điều này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài TÂM PHƯƠNG THƯ
Ảnh Mạnh Bi, Royal Nguyễn
Men&life
Bình Luận