Cạnh tranh giữa Ngân hàng và các công ty Fintech luôn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phân tích, tư vấn cũng như chính những người trong cuộc. Tuy nhiên, từ trong sự cạnh tranh ấy đã nảy sinh những nhu cầu kết hợp hoàn hảo của 2 lĩnh vực mang lại lợi ích to lớn cho các khách hàng.
Từ sự thôi thúc gắn kết để phát triển
Fintech là từ không còn xa lạ với những ai theo dõi sát ngành tài chính trong mấy năm trở lại đây. Fintech là viết tắt của từ Financial Technology, có nghĩa là “Công nghệ tài chính”. Ở phương diện đầy đủ hơn, Fintech được hiểu là những sáng tạo và công nghệ mới để cung cấp các dịch vụ tài chính thay thế cho phương pháp cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống.
Fintech được coi là xu hướng giao dịch ngân hàng tương lai. Hoạt động đầu tư, hợp tác với các nhà cung cấp Fintech được các Ngân hàng trên thế giới thúc đẩy mạnh mẽ thời gian vừa qua, và đã thành xu hướng diễn ra tại Việt Nam. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, đặc biệt với sự phát triển của loại hình thanh toán phi tiếp xúc. Đây là nhân tố làm thay đổi hoạt động thanh toán của cư dân và hoạt động cung ứng dịch vụ của các ngân hàng. Điều đó đòi hỏi mỗi ngân hàng cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, nâng cấp hạ tầng, cung ứng dịch và ra đời nhiều sản phẩm mới hấp dẫn.
Ngân hàng có thế về uy tín, nền khách hàng lớn, kinh nghiệm quản trị và tuân thủ tốt quy định. Trong khi đó, các công ty Fintech có lợi thế nắm bắt nhanh các cơ hội ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính; linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng song lại ít kinh nghiệm trong hoạt động tài chính, ngân hàng. Tùy theo mức độ cho phép của pháp luật đối với sự tham gia của Fintech vào lĩnh vực ngân hàng mà các công ty Fintech có thể là đối thủ hoặc là đối tác hợp tác với các ngân hàng.
Tại Việt Nam, Fintech được xác định không phải là đối thủ mà là đối tác của ngân hàng. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban chỉ đạo về lĩnh vực Công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Lễ ra mắt chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV) lần thứ nhất diễn ra chiều 28/11/2017 cho biết: Họ sẽ là cánh tay nối dài để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho những người ít có điều kiện tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng…
Phương thức thanh toán dịch vụ Ngân hàng qua điện thoại di động đang trở thành xu thế
Đánh giá về triển vọng của Fintech tại Việt Nam, đại diện Solidiance cho biết, Việt Nam sẽ nổi lên như người dẫn đầu trong khu vực về phát triển giải pháp đổi mới Fintech nhờ lượng dân số trẻ đông đảo, luôn cởi mở với công nghệ, nếu các ngân hàng không biết tận dụng Fintech như là “lối thoát hiểm” thì sẽ không được hưởng giá trị gia tăng.
Đến hệ sinh thái Ngân hàng – Fintech ở Việt Nam
Trên thực tế tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng.
Theo Lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN), hiện có khoảng 80 công ty Fintech đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau của Fintech. Tổng giá trị các thương vụ đầu tư nước ngoài liên quan đến các công ty Fintech tại Việt Nam trong 2 năm 2016-2017 đạt khoảng 129 triệu USD. Tính hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 tỷ USD (theo số liệu từ báo cáo của công ty tư vấn Solidiance).
Một trong những minh chứng cho sự thành công của việc vận dụng hệ sinh thái Ngân hàng - Fintech ở Việt Nam là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Xu hướng hợp tác với các công ty Fintech và trung gian thanh toán đã giúp cho khách hàng của BIDV tiếp cận với các dịch vụ tài chính đa dạng, phong phú. BIDV đã hoàn thành kết nối thanh toán với các thương hiệu Fintech phổ biến trên thị trường như Napas, Momo, Zalo, Moca, Airpay, VTC pay, Payoo, Baokim, Vimo, Onepay, Wepay, Ngân lượng, Vnpay, Samsungpay, Truemoney, Viettel, Vinatti…
Với sự hợp tác của các công ty Fintech và các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ, hiện nay khách hàng của BIDV đã có thể thanh toán hơn 300 loại dịch vụ trong các lĩnh vực: Giáo dục, Viễn thông, Giao thông, Điện, Nước, Bảo hiểm, Chứng khoán, Tài chính tiêu dùng, Truyền hình, Giải trí, Mua sắm trực tuyến, Đấu thầu… Trong 9 tháng đầu năm 2018 gần 80% số lượng các giao dịch thanh toán nói trên được thực hiện qua kênh ngân hàng điện tử đã mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm cho khách hàng.
BIDV là một trong những Ngân hàng tiên phong trong ứng dụng Công nghệ vào hoạt động thanh toán
BIDV đã kết hợp với các công ty Fintech nhằm tạo ra hệ sinh thái đáp ứng tối đa các nhu cầu thanh toán của khách hàng, không chỉ trong phạm vi các giao dịch ngân hàng truyền thống mà còn đáp ứng các nhu cầu chi tiêu thanh toán hàng ngày của khách hàng. Dịch vụ thanh toán đã xuất hiện tại nơi khách hàng chi tiêu và vào lúc khách hàng cần. Ngoài giải pháp thanh toán hàng hóa bằng thẻ truyền thống, ngày nay khách hàng còn có thể thanh toán trực tuyến ngay trên website của đơn vị bán hàng cũng như thanh toán bằng mobile tại các điểm bán hàng vật lý bằng các giải pháp như QR code, Samsungpay, ví điện tử.
Trong ý tưởng xây dựng hệ sinh thái, thông qua ứng dụng BIDV SmartBanking, BIDV đã mang đến cho khách hàng của mình các sản phẩm dịch vụ phi ngân hàng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng như: Đặt vé máy bay; Mua vé xem phim trực tuyến; chọn vị trí ngồi trong rạp; Đặt phòng khách sạn; Mua sắm online; Theo dõi danh mục đầu tư chứng khoán… Ứng dụng có rất nhiều tính năng hấp dẫn người dùng như: Chuyển tiền qua số điện thoại, tính năng Trợ lý ảo (cho phép khách hàng thực hiện các loại giao dịch bằng giọng nói; Có chức năng trò chuyện trên Smartbanking cho cộng đồng người dùng; Hỗ trợ tin nhắn đa phương tiện qua internet, Thanh toán hóa đơn qua mã QR giúp khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ thanh toán hiện đại.
Từ nay đến cuối năm 2018, một số tính năng mới khác sẽ tiếp tục được BIDV ứng dụng ngay trên kênh Smart Banking như: Trả nợ vay, quản lý tài chính cá nhân, nhận tiền Western Union, tích lũy điểm thưởng. Dịch vụ được cung cấp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android, iOS. Người tiêu dùng đã có hoặc chưa có tài khoản tại BIDV, đã đăng ký hoặc chưa đăng ký dịch vụ BIDV SmartBanking đều có thể sử dụng dịch vụ ở các mức độ khác nhau. Chính nhờ những ưu thế này mà sản phẩm BIDV SmartBanking đã đã được trao giải Sản phẩm Sáng tạo độc đáo năm 2017 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tổ chức dữ liệu quốc tế (IDG) bình chọn.
Được coi là Ngân hàng lâu đời nhất ở Việt Nam, BIDV không chỉ chịu áp lực là đơn vị cần tiên phong trong hoạt động, mà BIDV còn phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng theo định hướng «số hóa» từ quy trình, sản phẩm đến kênh phân phối. Do đó, việc tăng cường hợp tác với các công ty Fintech để tận dụng các thế mạnh về công nghệ của đối tác vừa là yêu cầu và cũng là thách thức mà BIDV cũng như nhiều ngân hàng khác ở Việt Nam cần phương án đón nhận.
Men&Life
Bình Luận