Một trong những câu trả lời về hệ sinh thái là tạo cho mình cơ hội, giúp theo dõi thị trường một cách chủ động, có sẵn giải pháp cho những vấn đề thực sự hóc búa, giúp tìm nhân sự tốt, báo động khi có rủi ro, tạo tính bền vững, trường tồn, ai nuôi ai là điều mình phải khám phá trên bản đồ hệ sinh thái của chính mình.
“Qua 15 năm giao tiếp với các starup Việt Nam, tôi thấy một thực tế muôn thủa, các bạn đa số đều hỏi có sản phẩm bán cho ai, hoặc sẵn sàng giảm giá, vốn thì mượn bố mẹ, chắc sẽ đủ. Nguy hiểm nhất là có được một khách hàng rồi sẽ nghĩ tương lai mở rộng nhưng còn lâu các bạn mới chiều được khách hàng đó, nếu không có thêm khách hàng thứ hai. Vì các bạn không làm việc trong một hệ sinh thái".
GS. Phan Văn Trường đã chia sẻ như thế trong cuộc giao lưu đầy lửa với hơn 500 starup của CLB Quản trị & khởi nghiệp vừa tổ chức tại TP. HCM.
Hãy biết cho đi
Trong nhiều năm, tôi tự hỏi vì sao sau nhiều cuộc hội thảo, thấy các starup, các sinh viên rất quyết tâm nhưng chẳng có gì xảy ra. Làm việc với các bộ, ngành, tôi cũng thấy họ nói rất quyết tâm nhưng sau đó chẳng nối kết gì với nhau. Ngay chuyện về đô thị thông minh cũng vậy, chúng ta bàn thì quá nhiều nhưng rút cục tôi cũng chẳng hiểu đô thị thông minh với Việt Nam là gì?
Gần đây, có một nhóm 22 người mời tôi lập ra CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ngạc nhiên thấy các em làm việc rất khắng khít với nhau, không phân biệt gì. Chỉ ba tháng sau thành ba mươi ngàn người, bất thình lình lên 58 ngàn người. Sau 8 tháng, rồi dừng lại, đến bây giờ đã lên 68 ngàn người, một sân vận động hoành tráng rồi. Tôi ngạc nhiên khi thấy có một hệ sinh thái bất thình lình xuất hiện. Người có đất rao lên, người có rau nói chuyện với người có hệ thống phân phối… Rất nhiều thông tin từ mọi nơi, mọi phía trong nước đã được trao đổi, cho và nhận.
Chỉ có điều các đại gia không tham gia. Lúc đó tôi chưa biết có cần hệ sinh thái không. Bất thình lình có em tặng tôi cuốn sách rất mỏng Quả táo của Kimura, làm tôi ngã ngửa, chúng ta phải tạo nên hệ sinh thái mới có sự phát triển bền vững.
GS. Phan Văn Trường đã mở đầu cuộc trò chuyện với các bạn startup trẻ một cách giản dị, chân thành như thế và ông hóm hỉnh cho rằng những chia sẻ của mình chỉ là một đề án tốt nghiệp, chấp nhận sự trao đổi, phản biện của các startup một cách hoàn toàn tự do, bình đẳng và thân thiện.
Kịch sĩ nào cũng có chỗ đứng trong hệ sinh thái, nuôi nhau, cần nhau và cùng sinh tồn
Định nghĩa một cách dễ hiểu về hệ sinh thái, khái niệm tưởng như rất trừu tượng, GS. Phan Văn Trường nói: “Phải chăng kinh tế Việt Nam chưa phát triển được là vì chưa có hệ sinh thái như khu vườn của ông Kimura? Hệ sinh thái là tập hợp các thành phần sống của động vật và thực vật phụ thuộc lẫn nhau, tương tác thông qua chu trình dinh dưỡng, dòng năng lượng, có khả năng tái tạo, thu hút các kịch sĩ mới, không một ai “Ăn không” hoặc “Bị ăn không”. Ai cũng có thể gia nhập hệ sinh thái, là dụng cụ để giúp các kịch sĩ khác tiếp tục sinh tồn.
Khi không có hệ sinh thái, chúng ta rất dễ đi vào ngõ cụt. Trong hệ sinh thái phải có đủ thành phần giàu nghèo. Một đất nước nếu toàn đại gia sẽ bị phá hệ sinh thái. Trong nền nông nghiệp, nếu các đại gia không làm việc với nông dân nghèo thì không thể hình thành hệ sinh thái, chính họ sẽ không tạo ra hệ thống để mình sinh tồn.
Giao thông phản ánh cuộc sống xã hội trong và ngoài đô thị nên quản lý giao thông không thể không quan tâm đến dân số và mật độ dân số. Giáo dục lại càng cần hệ sinh thái. Làm việc ở đại học quốc gia, tôi không thấy các giáo sư kết nối với nhau, thực ra họ đều cần đến nhau, chia sẻ thông tin để tạo thành hệ sinh thái.
Tổ chức nông nghiệp Việt Nam không phải là hệ sinh thái. Nông dân nào cũng lúng túng vì đầu ra, không biết đầu ra nằm ở chỗ nào. Đại gia nông nghiệp rất sợ sống gần các nông dân nhỏ lẻ. Không ai mang giải pháp toàn diện, thuận lợi an toàn cho cả nước. Không có hệ phân phối, hệ thống rau củ tươi, hệ thống lạnh tốt, mọi công việc đều nhỏ lẻ…
Hành chính và bản đồ quản trị của Việt Nam bị hạn chế bởi thái độ quan liêu, không cho phép xây dựng hệ sinh thái, các bộ không làm việc với nhau, không có quy hoạch vùng, mạch máu giao thông liên tỉnh không có chiến lược. Một xã hội như vậy thì hệ sinh thái dễ biến đi từ từ, khó lòng hồi sức và tạo điều kiện cho tiêu cực phát triển.
Nhìn sang các nước khác, nơi tồn tại nhiều hệ sinh thái một cách tự nhiên, giúp con người trung thực và tìm sự tiến bộ thực, vị giáo sư cho biết: “Trong ngành chế tạo ô tô, máy bay của Mỹ, chính những hệ sinh thái nhỏ lẻ mới tạo ra sự hợp tác chặt chẽ để tạo giá trị giữa các công ty thiết kế, kiến trúc xe, vẽ máy mới, các trường đua và các đội F1, F2, F3…
Siêu hệ sinh thái Silicon Valey - một cỗ máy tạo ra sự trù phú, giúp chính mình ngày càng lớn mạnh, thu hút nhân tài kinh khủng, tạo sân chơi cho những tinh hoa thế giới, tạo sức cuốn hút cho các lĩnh vực khác như địa ốc, ẩm thực, đời sống đô thị… Tất cả gắn bó với nhau, tạo ra sự canh tranh lẫn nhau, để từ đó tạo ra hệ sinh thái phát triển và sinh tồn.
Trái lại Trung tâm Sophia Antipolis của Pháp lại là một thất bại vì các giáo sư đến đó để tận hưởng chứ không tương tác với nhau. Kinh tế vỉa hè của Việt Nam hiện thời bị huỷ đi khiến người dân rất khốn đốn. Lẽ ra phải phát triển nó bằng cách tạo điều kiện sản sinh ra những hệ sinh thái mới, có nơi hoạt động, có chỗ để xe… Chúng ta đáng lẽ phải sinh thái hoá hệ sinh thái sẵn có của kinh tế vỉa hè.
Chuyển giao công nghệ mô hình Hàn Quốc - Trung Quốc là một loại hệ sinh thái về công nghệ, họ đòi chuyển giao công nghệ rất rốt ráo. Tôi còn nhớ Tổng giám đốc hoả xa Trung Quốc có trên 1 triệu nhân viên, khi thương thuyết ông ấy yêu cầu bất cứ chuyển giao nào cũng có người Trung Quốc bên cạnh và có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào. Mỗi kỹ sư Pháp có mười kỹ sư Trung Quốc bên cạnh, được quyền sờ mó, hỏi han bất cứ đều gì.
Và điều gì đã xảy ra? Pháp vừa xây xong cao tốc cho họ thì họ đã có thể xây ngay đường cao tốc cho chính mình. Họ quay lại hình ảnh kỹ càng về mọi góc ở công xưởng, mọi thiết kế. Chính Mỹ, Đức đã tạo ra hệ sinh thái cho Hàn Quốc, Trung Quốc. Việt Nam khi bỏ ra nhiều tỷ USD để mua công nghệ thì chắc chắn phải học được điều gì từ họ chứ”.
Làm thế nào để tạo ra hệ sinh thái bền vững?
Muốn tạo ra hệ sinh thái bền vững “hãy biết cho đi”, GS. Phan Văn Trường trả lời thẳng thắn! Câu trả lời của ông đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi.
“Có một em sinh viên hỏi tôi tại sao mình có những giải pháp rất hay mà không ai đến hỏi cả? Tôi nói “Em nên đem cho giải pháp đó đi”. Em ấy ngạc nhiên: “Tại sao? Em làm chết cha chết mẹ lại đem cho ư? Tôi nói em cứ cho đi. Khi có một người, hai người phản ứng lại, cô gái ấy nói với tôi: “Em rất vui vì đã tìm được hai người cùng làm việc cùng mình…”. Đó chính là cách tạo ra hệ sinh thái và trở lại tạo ra giá trị cho chính mình.
Làm sao giải thích một khái niệm rất trừu tượng của Đạo Phật là cho đi sẽ không bao giờ mất đi? Khi có lý luận về hệ sinh thái, bạn sẽ trả lời được rất dễ dàng. Phải vẽ được bản đồ hệ sinh thái cho mình, từ đó tìm ra giải pháp bởi nhờ sự chắp nối của nhiều đầu mối khác nhau.
Trong các trường đại học ở nước ngoài, chuyện chia sẻ hệ sinh thái là rất tự nhiên, mọi người gửi kết quả nghiên cứu của mình cho nhau, nhờ đó mới tạo ra hệ sinh thái. Khi tất cả làm việc với nhau thì lúc nào đó, dù mình có ngưng lại giữa đường cũng vẫn có người kéo mình đi”, GS. Phan Văn Trường chia sẻ.
Vậy liệu các hệ sinh thái có phá vỡ lẫn nhau? Tính tính cực và tiêu cực của hệ sinh thái là gì?
“Tôi chưa bao giờ thấy hệ sinh thái phá vỡ lẫn nhau cả. Tôi đang nằm trong HĐQT công ty xây dựng, thấy rõ các nhà đầu tư ép giá nhà thầu xây dựng dữ lắm, khiến cho chất lượng dự án ngày càng xuống đến mức độ không thể chấp nhận. Đã một lần giám đốc công trường hỏi ban điều hành nếu cứ ép thời gian thì không thể đợi bê tông khô được!
Càng ép công ty xây dựng thì chủ đầu tư càng giàu nhưng càng nhiều sự cố xảy ra. Xây nhanh quá, có nhà ngay để bán, tình huống vô cùng tiêu cực. Chính các chủ đầu tư đang tự phá ngành địa ốc vì cạnh tranh lấy dự án. Các công ty xây dựng phải bàn với nhau để thống nhất về giá sàn và những vấn đề không thể chấp nhận được.
Nhiều người, nhiều bộ phận đều chọn “giải pháp láu cá” để có lợi cho riêng mình. Mỗi người phải đặt một viên gạch để xây hệ sinh thái cho mọi ngành. Nếu xây dựng được hệ sinh thái cho ngành du lịch sẽ đi đúng chức năng của đất nước. Tôi chọn đề tài hệ sinh thái để thuyết phục các em startup, để mọi người phải thấy đó là hệ sinh thái của mình chứ không phải là kẻ thù. Mỗi người đều ở trong rất nhiều hệ sinh thái khác nhau, phải giúp cho mọi người khác được trở thành hệ sinh thái của nhau.
Tôi còn nhớ khi được mời vào CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, tôi có viết: Có lẽ trong CLB này, tôi từ chối chức Chủ tịch vì tôi nghĩ trong CLB không ai trên ai dưới, không ai ngoài, ai trong, không ai hơn ai kém… Đây là CLB duy nhất tại Việt Nam không có lãnh đạo. Ban chủ nhiệm là chức năng, mỗi người có nhiệm vụ khác nhau, không ai có chức. CLB cũng không có ngân sách, không thủ quỹ… vì đây là hệ sinh thái. Khi viết câu hỏi thì tìm được đối tác, tìm thông tin mình cần. Chúng ta đâu cần có sếp nếu chúng ta làm việc như một công dân toàn cầu, nếu câu hỏi của mình trở thành câu trả lời cho người khác.
Nếu không gia nhập hệ sinh thái, bạn sẽ thất bại trong cuộc đời. Hãy cho con cái mình gia nhập vào những cộng đồng nhỏ, cho nhau thông tin, cho nhau những gì người khác cần. Tôi tin chắc hệ sinh thái đó sẽ tạo ra những lời giải nhất là trong ngành du lịch.
Làm thế nào tạo ra hệ sinh thái, hãy vẽ bản đồ về những gì liên quan đến ngành nghề của mình. Khi nằm trong hệ sinh thái, có rủi ro nào xảy ra ở đâu đó sẽ trở thành cảnh báo cho mọi người.
Rất tiếc Việt Nam, các đô thị không tạo ra hệ sinh thái về du lịch. Sang các nước, phố ăn uống của họ không ích kỷ, họ sống nương tựa vào nhau, bảo vệ nhau và tạo cơ hội cho nhau. Phải có hệ sinh thái rộng lớn hơn để tự bảo vệ mình, để ai cũng có thể bước vào và chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh.
Rất nhiều bức thư các bạn startup viết cho tôi đều nói “em có sản phẩm này hay lắm” nhưng không ai chịu làm việc với ai cả, tạo ra thảm cảnh được mùa mất giá. Nên có văn hoá “cho”, làm giàu bằng hệ sinh thái để tự nó chạy. Nếu tất cả người làm du lịch, làm công nghiệp chịu ngồi cùng với nhau, sẽ tạo hệ sinh thái lớn lắm”, GS. Phan Văn Trường kết luận.
Theo Theleader
Bình Luận