Jonathan Anderson là nhà thiết kế thời trang hàng đầu nước Anh hiện nay, nhưng bạn có thể sẽ không nghĩ vậy khi nhìn thấy anh. Cùng tìm hiểu thêm về NTK tài năng này nhé!
Anh có mái tóc vàng nhạt và khuôn mặt trẻ trung. Dáng người cao và vạm vỡ của anh dường như khiến anh hơi e dè giữa những bóng hồng thanh mảnh trong ngành công nghiệp này. Anh nói nhanh, với chất giọng ấm áp đặc trưng của Bắc Ireland và luôn có một sự bồn chồn khiến anh thường xuyên đan tay lại khi giải thích điều gì đó.
Dù có rất nhiều người nổi tiếng tụ tập tại các buổi trình diễn của anh và anh là Chủ tịch danh dự của sự kiện thời trang lộng lẫy nhất, Met Gala 2024 - nhưng anh không phải là người hay xuất hiện trong các buổi tiệc tùng. Anh không có những nàng thơ hào nhoáng như Isabella Blow hay Daphne Guinness ở bên cạnh. Anh cũng không phải kiểu người phô trương. Anh nói rằng việc mặc trang phục do chính mình thiết kế giống như ăn món ăn mà bạn đã nấu cho người khác. Bạn có thể nhầm anh với một sinh viên Cao học hơn là một ông chủ của đế chế thời trang trị giá hàng tỷ bảng.
SỨC ẢNH HƯỞNG
Sinh năm 1984, Anderson, cùng với Kim Jones tại Fendi và Daniel Lee tại Burberry, là một trong số ít các nhà thiết kế nam người Anh có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Trong 16 năm qua, anh đã phát triển JW Anderson thành một trong những thương hiệu mới ổn định nhất trên thị trường, với hơn 100 nhân viên tại Anh và sự hiện diện trên những con phố lớn thông qua các dự án hợp tác với Uniqlo và Topshop.
Quan trọng hơn, trong một thập kỷ qua, Anderson còn là giám đốc sáng tạo của Loewe - thương hiệu từ Madrid, Tây Ban Nha, được biết đến với những sản phẩm thủ công tinh xảo từ chất liệu da. Khi anh tiếp quản, thương hiệu này đang gặp khó khăn. Anh đã biến Loewe thành một thế lực của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH - công ty mẹ của Loewe và cũng sở hữu một phần nhỏ JW Anderson. Anderson đã giúp doanh thu của Loewe tăng lên gấp nhiều lần.
“Trong năm 2022, Loewe đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ USD tại các cửa hàng bán lẻ,” Fflur Roberts, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết (LVMH không công bố số liệu cụ thể cho từng thương hiệu). “Cuối năm đó, Loewe là thương hiệu lớn thứ 8 trong danh mục hàng xa xỉ cá nhân của LVMH, tăng 8 bậc so với năm 2017.”
Loewe chiếm khoảng 2% tổng doanh thu toàn cầu trong danh mục thời trang và hàng xa xỉ của LVMH. Thương hiệu này phát triển một cách đáng kinh ngạc. Loewe ngày càng chinh phục giới mộ điệu thời trang bằng các sản phẩm đẳng cấp và tinh tế.
DOANH NHÂN
Trong ngành công nghiệp thời trang, Anderson được tôn trọng vì anh là một trường hợp hiếm hoi: vừa là nhà thiết kế tài năng, vừa là một doanh nhân nhạy bén. Trước đây, các ngôi sao lớn trong ngành thường chỉ giỏi một trong hai lĩnh vực này.
“Jonathan Anderson luôn làm theo luật chơi của riêng mình - một cách đầy dũng cảm,” Tổng biên tập của tạp chí thời trang Vogue Anna Wintour nhận xét. “Điều duy nhất truyền thống ở anh ấy chính là thành công rực rỡ.”
Dù ảnh hưởng ngày càng lớn đối với tủ đồ của giới mộ điệu thời trang, cái tên Jonathan William Anderson chỉ quen thuộc với những ai quan tâm đến thời trang. So với những giám đốc sáng tạo nổi bật trong quá khứ như Alexander McQueen hay Karl Lagerfeld, Anderson không phải kiểu người tạo ra những màn trình diễn ồn ào trên báo chí. Ở nhiều khía cạnh, anh thận trọng với ngành công nghiệp này hơn một số đồng nghiệp của mình.
Có lẽ vì anh lớn lên trong một môi trường khác biệt. Anderson sinh ra tại Magherafelt, một thị trấn nhỏ ở hạt Londonderry. Cha anh, Willie, một tuyển thủ bóng bầu dục quốc tế người Ireland và sau này là huấn luyện viên, được nhiều người nhớ đến nhất qua trận đấu với New Zealand năm 1989, khi ông dẫn đội trong màn “đối đầu” đầy thách thức với haka - điệu nhảy chiến đấu của người Maori mà đội All Blacks luôn thực hiện trước mỗi trận đấu.
“Jonathan nổi tiếng hơn tôi rất nhiều,” Willie từng nói về con trai mình. “Thời trang, cũng giống như thể thao, là câu chuyện về sự bền bỉ. Chúng tôi từng tham dự các show diễn ở London và Paris Fashion Week và căng thẳng trước đó cũng giống như một trận đấu lớn. Là một huấn luyện viên, bạn chỉ mong họ bước ra sân - hoặc sàn diễn - đúng như những gì bạn mong muốn.”
Mẹ của Anderson, Heather, là một giáo viên tiếng Anh. Anh là con cả trong gia đình ba anh chị em: anh đã tự tay thiết kế váy cưới cho em gái Chloe, còn em trai Thomas, người cũng từng chơi rugby, hiện làm việc tại thương hiệu JW Anderson của anh. Anderson thừa nhận rằng cha đã truyền cho anh sự kiên trì và ý chí quyết tâm, còn mẹ giúp anh phát triển một khía cạnh sáng tạo, điềm đạm hơn. Dù gặp khó khăn trong việc học do chứng khó đọc, khả năng cảm thụ nghệ thuật của Anderson đã thể hiện từ rất sớm. Ông ngoại của anh là một nhà thiết kế dệt may, làm việc trong một nhà máy chuyên sản xuất nhiều loại vải khác nhau, trong đó có cả vải ngụy trang cho quân đội Anh. Từ nhỏ, Anderson đã tiếp xúc với vải vóc và những họa tiết tinh tế, điều này có lẽ đã ảnh hưởng đến niềm đam mê thời trang và sự tỉ mỉ trong thiết kế của anh sau này.
Anh thành lập thương hiệu JW Anderson tại London vào năm 2008 khi mới 24 tuổi và ngay lập tức được ca ngợi là một tài năng đầy hứa hẹn. Thương hiệu của anh tiên phong trong khái niệm “tủ quần áo dùng chung” - quần áo có thể được mặc bởi cả nam và nữ. Dù không giỏi kỹ thuật cắt may truyền thống, Anderson bù lại bằng khả năng trình diễn đầy kịch tính và niềm đam mê với thủ công. Đến nay, JW Anderson vẫn nổi tiếng với những thiết kế thú vị - như đôi ủng hình ếch năm ngoái đã gây bão trên mạng xã hội. Chiếc cardigan nhiều màu mà Harry Styles mặc năm 2020 đã trở thành hiện tượng trên TikTok (hiện đang được trưng bày tại bảo tàng V&A).
“Khi mới thành lập JW Anderson, tôi chỉ là một sinh viên đại học đang tìm chỗ đứng,” anh nói. “Bây giờ thì khác. Tôi đang cố gắng củng cố thương hiệu.” Anh tự hỏi công ty có thể phát triển như thế nào. “Giai đoạn tiếp theo rất thú vị, vì gu thẩm mỹ của tôi đã thay đổi từ khi bắt đầu. Tôi có thể thấy JW Anderson sẽ chuyển thành một thứ hoàn toàn khác.
Không lâu sau, thành công của JW Anderson đã thu hút sự chú ý của các thương hiệu lớn. Loewe, được thành lập năm 1846, là một công ty Tây Ban Nha lâu đời chuyên về đồ da nhưng đã dần trở nên lỗi thời. Khi Anderson tiếp quản năm 2013, thương hiệu đang gặp khó khăn. Anh không vội vàng ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, mà dành cả năm để tìm hiểu lịch sử thương hiệu, khiến các sếp của anh có phần lo lắng.
“Tôi không nghĩ rằng có một kế hoạch lớn lao nào ở đây,” anh đùa. Và tôi chỉ bảo, “Hãy kiên nhẫn. Tôi không tung ra sản phẩm nào trong năm đầu tiên. Tôi dành một năm để tìm hiểu mọi thứ và chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.”
Ngay từ đầu, Anderson đã ưu tiên thủ công và nghệ thuật ứng dụng. Một trong những thành công đầu tiên của anh tại Loewe là chiếc túi mới, Puzzle. Chiếc túi hình hộp chữ nhật, với họa tiết hình học lệch trung tâm và vẻ ngoài có tính chất xúc giác, đã thay đổi ngành kinh doanh. Nó đã trở thành cơn sốt với các ngôi sao nổi tiếng như Sienna Miller và Beyoncé. Khi ra mắt, giá của phiên bản nhỏ là khoảng 1.500 bảng Anh; ngày nay, giá của nó là khoảng 2.400 bảng Anh, nhưng các nhà đấu giá cho biết thiết kế này vẫn giữ được giá trị của nó.
“Túi Puzzle đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Loewe,” Anderson đồng ý. “Nó đã mở ra một chương mới cho thương hiệu, rằng chúng tôi không còn phụ thuộc vào những chiếc túi cũ nữa. Khi tôi gia nhập, tất cả những người làm tài chính và kinh doanh này đều rất bảo vệ những chiếc túi hình chữ nhật cũ không có nhiều tính cách.”
Dưới sự chỉ đạo của Anderson, các chiến dịch quảng cáo gần đây của Loewe đã có sự góp mặt của Anthony Hopkins và Maggie Smith, cả hai đều ở độ tuổi 80, trong đó Maggie Smith mặc một chiếc áo khoác dày tạo nên hiệu ứng ngoạn mục. Loewe cũng thiết kế bộ trang phục đỏ nổi bật mà Rihanna, khi đó đang mang thai đứa con thứ hai, đã mặc khi cô biểu diễn tại Super Bowl năm ngoái. Chính vì vậy, Anderson được xem là có khả năng tạo ra những hình ảnh dễ chia sẻ.
Men&life
Bình Luận